Phóng to |
Một học sinh đau mắt đỏ được nhỏ mắt tại Trường tiểu học Lê Văn Sỹ, Q.Tân Bình (TP.HCM) - Ảnh: M.Dung |
Sau hơn hai tuần ứng phó, ngày 30-9 cán bộ y tế và giáo viên chủ nhiệm Q.11 (TP.HCM) cũng còn khá vất vả trong việc phòng chống bệnh đau mắt đỏ đang lây lan tại các trường.
Có giấy hết bệnh mới được vào lớp
Ngay từ sáng sớm, cán bộ y tế cùng bảo vệ, một số giáo viên Trường tiểu học Trưng Trắc đã phải rà soát học sinh “có biểu hiện lạ” ở mắt từ ngoài cổng trường để lưu ý phụ huynh đưa con về nhà luôn. “Để tránh bệnh đau mắt đỏ bùng phát trở lại, chúng tôi kiểm tra khá kỹ vào đầu giờ sáng và yêu cầu giáo viên chủ nhiệm kiểm tra một lần nữa khi các em có mặt trong lớp” - bác sĩ Huỳnh Trung Tuần, phụ trách y tế Trường tiểu học Trưng Trắc, cho biết.
Ngoài ra, tại trường này từ giữa tháng 9 đến nay, loa của nhà trường thường xuyên thông báo và tuyên truyền về nguy cơ lây lan bệnh đau mắt đỏ. Theo bác sĩ Tuần, nhà trường đã nhắc nhở học sinh biết “bệnh viêm kết mạc do virút” (đau mắt đỏ) sẽ lây lan qua tiếp xúc, nên khi bị bệnh cần ở nhà. Người bị đau mắt đỏ phải dùng đồ dùng cá nhân riêng... Vì thế, từ chỗ cao điểm mỗi ngày trường có 25 học sinh bị đau mắt đỏ đến ngày 30-9 chỉ còn ba học sinh bị đau mắt đỏ. “Khi lành bệnh, muốn vào học cũng phải được khám tại phòng y tế của trường, có giấy hết bệnh của phòng y tế mới được vào lớp”, bác sĩ Tuần nói thêm. Trung bình mỗi học sinh bị đau mắt đỏ phải nghỉ học khoảng ba ngày.
Tại Trường tiểu học Lê Văn Sỹ (Q.Tân Bình, TP.HCM) hôm 28 và 29-9 trường đã phát những tờ rơi, trước đó trường đã gửi thư đến từng phụ huynh về bệnh đau mắt đỏ và những bệnh khác như tay chân miệng, sốt xuất huyết. Trường không buộc học sinh bị đau mắt đỏ phải nghỉ học mà nhấn mạnh việc giáo dục cách phòng, tránh đau mắt đỏ cho những học sinh chưa bị bệnh. Đến ngày 30-9 trường chỉ còn một học sinh bị bệnh.
So với các bậc học khác, trường mầm non có nguy cơ lây lan bệnh cao hơn do đặc thù sinh hoạt của trẻ mầm non. Mặt khác, không có người trông coi nên nhiều phụ huynh vẫn đưa con đến lớp khi trẻ đang bệnh. Do đó, theo cô Nguyễn Thị Kim Loan, hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hương Sen, Q.Phú Nhuận, TP.HCM: “Tuần trước trường có khoảng 20 em bị đau mắt đỏ. Hai giáo viên cũng bị lây đau mắt đỏ. Ngay sau đó nhà trường đã làm vệ sinh, nhắc nhở phụ huynh, tăng cường công tác kiểm tra. Các cô đón bé ở lớp nếu phát hiện có bé bị đau mắt đỏ phải báo ngay và đề nghị gia đình đưa bé đi khám”.
Mỗi ngày hơn 250 lượt bệnh nhân đến khám
Ngày 30-9, TS.BS Trần Hải Yến - phó giám đốc Bệnh viện Mắt TP.HCM - cho biết tuần cuối của tháng 9 số ca đau mắt đỏ đến khám tại bệnh viện đã có dấu hiệu chựng lại. Thống kê của bệnh viện cho thấy trong tháng 9 (từ ngày 2 đến 29-9) bệnh viện tiếp nhận hơn 6.300 lượt bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ. Trong đó, cao điểm có tuần lễ từ ngày 16 đến 22-9 bệnh viện tiếp nhận 1.762 lượt bệnh nhân, từ 23 đến 29-9 tiếp nhận 1.785 lượt bệnh nhân...
Theo bác sĩ Hải Yến, trung gian truyền bệnh đau mắt đỏ là dịch tiết (nước mắt, ghèn có virút adeno) từ mắt bệnh nhân đau mắt đỏ. Bệnh thể lây truyền qua những dịch tiết nhỏ li ti do bệnh nhân ho hoặc nhảy mũi văng ra, lây qua những vật dụng hằng ngày có nhiễm nguồn bệnh (như điện thoại, khăn mặt, tay nắm cửa...), qua nước bị nhiễm khuẩn (nước hồ bơi). Vì vậy, để tránh bị lây bệnh đau mắt đỏ, nên tránh tiếp xúc với những nguồn lây nhiễm bệnh kể trên, thường xuyên rửa tay sạch bằng xà phòng.
Cùng ngày, phòng nghiệp vụ y Sở Y tế TP.HCM cho biết Bệnh viện Mắt TP có báo cáo cho Sở Y tế về tình hình bệnh đau mắt đỏ tăng cao trong tháng 9. Sở Y tế đã có văn bản gửi Sở Giáo dục - đào tạo TP về việc phòng ngừa bệnh viêm kết mạc cấp do virút trong trường học. Theo đó, sở đề nghị Bệnh viện Mắt TP phối hợp với Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP tăng cường công tác truyền thông phòng chống bệnh đau mắt đỏ trong trường học, đặc biệt chú ý các trường mầm non và tiểu học. Đồng thời đề nghị Sở Giáo dục - đào tạo TP phối hợp với trung tâm y tế dự phòng quận huyện tổ chức truyền thông cách thức phát hiện sớm bệnh đau mắt đỏ, dự phòng lây lan bệnh trong học sinh, hạn chế thấp nhất các di chứng do bệnh gây ra tại trường học.
“Anh có thể cho bé ăn sáng rồi về” Sáng, đưa con lên lớp học vừa định quay về thì nghe tiếng cô giáo thất thanh: “Trời ơi, bé đang đau mắt đỏ mà sao phụ huynh lại đưa đến trường thế này?”, quay lại nhìn, thấy một ông bố đang bẽn lẽn cười với cô giáo. Có lẽ vì thấy người cha lúng túng, cô giáo dịu giọng: “Anh có thể cho bé ăn sáng rồi về”. Chiều, thấy bảng thông báo của trường, cả ở cửa mỗi lớp đều có hướng dẫn “Không đưa trẻ bị đau mắt đỏ đến trường, phụ huynh bị đau mắt cũng không được vào trường, mỗi ngày phải nhỏ nước muối sinh lý 0,9% cho trẻ hai lần vào buổi sáng và tối”. Vậy mà hôm sau khi đưa con đến lớp, vẫn bắt gặp cảnh phụ huynh khác vội vã dắt một trẻ đến với cặp mắt sưng đỏ ra khỏi lớp! Đã làm cha mẹ, ai cũng sợ con mình bệnh, sợ con mình đau, sợ con mình bỏ ăn mất ngủ, không lên cân... bởi trẻ bệnh thì không phải chỉ một mình bé đau, khó chịu mà cả gia đình cũng sẽ mất ăn mất ngủ theo. Và đã làm cha mẹ, ai cũng gắng sức bảo vệ con mình. Tôi không tin đa số phụ huynh của các bé trường mầm non nơi con tôi học - một trường đạt chuẩn quốc gia, nằm ở trung tâm thành phố lớn nhất cả nước - không có kiến thức sơ đẳng về vệ sinh dịch tễ, về phòng chống bệnh đau mắt đỏ. Tôi cũng không tin phụ huynh hồn nhiên và vô tư đến mức trước khi cô giáo từ chối nhận bé, phụ huynh không phát hiện mắt của con mình sưng đỏ. Tôi từng nghe rất nhiều người kể con đang sốt siêu vi, đang cúm nhưng vẫn chở đến trường vì ở nhà không ai trông, ba hoặc mẹ nghỉ ở nhà trông con thì mất một ngày làm việc... Và tôi tin tâm lý ấy đang có trong rất nhiều người. Song đến bao giờ câu hỏi: “Đang đi học phải không? Nếu mới đi học thì chuẩn bị tinh thần đi, còn bệnh dài dài nữa” sẽ không còn là câu cửa miệng của bác sĩ nhi? Tất cả những đứa trẻ trong trường khỏe mạnh thì con mình cũng khỏe mạnh, mỗi phụ huynh xin hãy nghĩ như thế! |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận