Tại TP.HCM, hầu hết các cơ sở khám chữa bệnh lớn đều tập trung tại khu vực trung tâm TP. Trong khi tại bốn cửa ngõ TP, bao gồm phía đông (Q.2, 9, Thủ Đức), phía tây (Bình Tân, Bình Chánh), phía bắc (Q.12, Hóc Môn, Củ Chi) và phía nam (Q.7, Nhà Bè) chưa được bố trí các bệnh viện (BV), trung tâm y khoa hiện đại để phục vụ người dân trên địa bàn.
Đòi hỏi cấp bách
Tại các khu vực cửa ngõ, số lượng các cơ sở y tế rất mỏng, trang thiết bị còn thiếu, có nơi thiết bị đã lạc hậu, cũ kỹ. Nhận thấy bất cập này, tháng 11-2007 Sở Y tế TP đã hoàn chỉnh dự thảo đề cương quy hoạch bốn cụm y tế tại bốn cửa ngõ TP, đánh giá việc xây dựng các cụm y tế kỹ thuật cao tại các cửa ngõ của TP là một đòi hỏi cấp bách và vô cùng cần thiết. Các cụm y tế này ngoài nhiệm vụ quan trọng phục vụ người dân trong địa bàn còn có vai trò tích cực giải quyết tình trạng quá tải cho các BV trung tâm TP thông qua việc tiếp nhận, chữa trị cho bệnh nhân từ các tỉnh đổ về.
Theo quy hoạch này, đến năm 2020 tổng số giường bệnh nội trú của toàn TP đạt khoảng 40.000 giường (năm 2007 toàn TP có khoảng 22.400 giường). Mỗi cụm y tế cửa ngõ TP sẽ là một cụm liên hoàn các BV đa khoa và chuyên khoa, hỗ trợ, liên thông với nhau để tạo nên một phức hợp hoàn chỉnh về cụm y tế kỹ thuật cao, đủ sức giải quyết các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe cho người dân trong địa bàn và người dân từ các tỉnh đến TP.HCM khám chữa bệnh (hiện nay khoảng 45% bệnh nhân khám chữa bệnh tại các BV trong TP là người từ tỉnh khác đến).
Ông Đặng Quang Mỹ - phó phòng kế hoạch tổng hợp Sở Y tế TP - cho biết hiện TP đang triển khai bảy công trình trọng điểm ở các cửa ngõ TP. Trong đó có năm BV có quy mô 1.000 giường (giai đoạn 1 thực hiện 500 giường) là BV Nhi Đồng TP (cửa ngõ phía tây) được đầu tư mới hoàn chỉnh bằng ngân sách của TP trên khu đất 12ha ở huyện Bình Chánh. Ở cửa ngõ phía đông xây dựng BV Đa khoa khu vực Thủ Đức trên khu đất BV hiện hữu gần 5,7ha tại P.Linh Trung, xây dựng mới cơ sở 2 BV Ung bướu TP trên khu đất 5,6ha tại P.Tân Phú, Q.9. Ở cửa ngõ phía bắc, xây dựng BV Đa khoa khu vực Củ Chi quy mô trên khu đất 6,3ha và BV Đa khoa khu vực Hóc Môn được xây dựng trên khu đất hiện hữu mở rộng tại thị trấn Hóc Môn rộng 4,5ha. Riêng khu đô thị Nam Sài Gòn có dự án xây dựng Trung tâm xét nghiệm y khoa và xây dựng mới BV Chấn thương chỉnh hình 500 giường.
Ở cửa ngõ phía tây, UBND TP dự kiến mở rộng khu đất định xây BV Nhi Đồng TP lên 50ha. Tại đây sẽ có thêm BV Truyền máu - huyết học, cơ sở 2 Viện Tim TP, BV Tai mũi họng TP, một cơ sở của Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Theo ông Mỹ, các công trình này đã được UBND TP ghi vốn chuẩn bị đầu tư với tổng kinh phí đầu tư ước tính ban đầu gần 10.000 tỉ đồng.
Lại vướng giải tỏa đền bù
Tại lễ kỷ niệm Ngày thầy thuốc VN 27-2 năm nay, Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận cho rằng ngành y tế TP chậm triển khai thực hiện các dự án y tế cửa ngõ
nói trên khiến tình trạng quá tải ở BV và nạn kẹt xe ở khu vực nội thành ngày càng trầm trọng. Ông Thuận yêu cầu ngành y tế phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện, chậm nhất là ngày 2-9 phải khởi công xây dựng được một vài dự án nói trên.
Theo ông Đặng Quang Mỹ, hiện nay hầu hết dự án đã thực hiện xong việc khảo sát địa hình, khảo sát địa chất và công tác tuyển chọn phương án thiết kế kiến trúc BV. Tuy nhiên do bị ảnh hưởng bởi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, một số dự án gặp khó khăn trong việc thực hiện theo đúng tiến độ. Chủ đầu tư các dự án bồi thường giải phóng mặt bằng là UBND các quận huyện bị “vướng” do một số hộ dân không hợp tác, có dự án giá bồi thường đất giải tỏa chưa được duyệt. Dự án BV Nhi Đồng TP dự kiến cuối quý 2-2011, Ban giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh mới giao đất. Dự án BV Đa khoa khu vực Củ Chi đang trình Sở Tài chính thẩm định đơn giá bồi thường. BV Đa khoa khu vực Hóc Môn đang vướng bồi thường giải phóng mặt bằng. Cơ sở 2 BV Ung bướu dự kiến đến tháng 12-2011 mới được bàn giao mặt bằng...
Sở Y tế TP dự kiến ngày 2-9 có thể tổ chức khởi công và động thổ dự án BV Nhi Đồng TP và BV Đa khoa khu vực Thủ Đức. Những vướng mắc của các dự án còn lại, Sở Y tế TP đã báo cáo UBND TP xem xét, hỗ trợ để đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng. Như vậy phải mất nhiều năm nữa các dự án trọng điểm nói trên mới được hoàn thành và đi vào hoạt động.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận