Trong một phiên đi biển, ngư dân Nguyễn Tấn Đoàn bị vòi rồng Trung Quốc phun gãy chân - Ảnh: Trần Mai |
>> Kỳ 1:
>> Kỳ 2:
Không phải sóng gió mà nỗi lo đến từ chính những chiếc tàu thép Trung Quốc truy đuổi cướp phá, thậm chí đâm chìm.
Chuyện những vết thương
Trong câu chuyện kể của những ngư dân trở về từ Hoàng Sa không chỉ là chuyện đánh bắt được bao nhiêu hải sản, mà còn là chuyện bị Trung Quốc truy đuổi. “Bản thành tích” vòng tránh tàu Trung Quốc ai cũng có thể kể thành một “phóng sự” dài như những hải trình biển cả.
Hơn 70 con tàu chuyên đi Hoàng Sa của dân Gành Cả gần như chiếc nào cũng dính đầy những vết thương. Thậm chí có chiếc vết thương cũ chưa lành đã phải gánh thêm vết thương mới.
Chiếc tàu QNg 90205 do ông Nguyễn Văn Quang làm chủ tàu từ tháng 6-2014 đến nay đã ba lần bị cướp phá tài sản. Những cú va chạm dù nặng hay nhẹ cũng để lại trên thân tàu những mảng rách. Nó được “băng bó” để tiếp tục vươn khơi.
Trên bến đậu tàu thuyền Sa Kỳ, trong rất nhiều con tàu đang neo đậu vì gió ngoài biển khơi đang mạnh lên, chiếc tàu cá của gia đình ông Quang cũng đang neo ở đấy, đã một tháng sau phiên biển mà đến hai lần bị cướp.
Nhìn chiếc tàu mà cả hai bên mạn và phía đuôi đều “dính đòn”, ông Quang thở dài.
Gặp tàu Trung Quốc ở Hoàng Sa đã là chuyện cơm bữa của ngư dân Gành Cả, ngày nào đài Icom xóm Gành Cả cũng phải đón nhận những tin tức không vui khi tàu Trung Quốc ngăn cản, truy đuổi, kiên quyết không cho ngư dân đánh bắt.
Thậm chí có ngày từ sáng đến chiều tối nhiều tàu Icom về báo tin tức tàu bị đâm va, cướp phá tài sản.
Chúng tôi nhiều lần trực Icom xuyên đêm ở Gành Cả, nghe những câu nói ám ảnh như: “Tàu tôi bể cabin rồi... Tàu tôi bị bể toạc mạn... Tàu vừa bị Trung Quốc đâm, cướp sạch hải sản đang cấp tốc chạy về đất liền... Tri Tôn, Lin Côn, Bạch Quy, Phú Lâm đâu đâu cũng gặp tàu Trung Quốc truy đuổi...”.
Và những lần như thế, chúng tôi chờ đợi nơi cảng Sa Kỳ, từ xa xa những chiếc tàu nhả khói đen ngòm vì phải chạy với vận tốc lớn vòng tránh tàu Trung Quốc “mệt lả” trở về.
Những ngày tháng 6 hè này tin tức đón nhận trở nên dày đặc hơn. Thậm chí chỉ trong buổi sáng 21-6, trạm kiểm soát biên phòng Tịnh Kỳ (TP Quảng Ngãi) cùng lúc đón nhận sáu tàu cá của xóm Gành Cả về trình báo bị các tàu Trung Quốc số hiệu 35101, 3103, 44044 tấn công.
Ngày hôm đó, sóng biển mù mịt, những chiếc tàu “trọng thương” kết thành một đoàn dài trở về.
Trong ngày trận bão đầu tiên đổ vào Biển Đông ấy, hình ảnh đau lòng nhất là hai chiếc tàu của ngư dân Phạm Trung Kiên và Võ Lành kéo những luồng khói đen ngòm lai dắt chiếc tàu của ngư dân Võ Văn Lựu bị chết máy ở Hoàng Sa trở về.
Cả ba chiếc tàu đều bị cướp sạch hải sản và ngư lưới cụ, một chiếc ngã rạp phía sau cabin, một chiếc vỡ mạn phải và một chiếc đến máy định vị cũng không còn.
Bây giờ, thuyền trưởng Kiên và Lành đã ra khơi, qua đài Icom cuộc nói chuyện giữa đất liền và biển khơi cứ dài ra, có rất nhiều câu chuyện nhưng mỗi khi nhắc lại phiên biển ấy ngư dân Kiên lại ám ảnh:
“Dù đã quen với việc tàu Trung Quốc truy đuổi nhưng phải nói đó là phiên biển ám ảnh, khi tàu Trung Quốc truy đuổi, cướp sạch các tàu ngư dân Gành Cả đang đánh bắt ở Hoàng Sa chỉ trong một phiên biển”.
Ngư dân Trương Văn Đức đau buồn trình báo tàu cá của gia đình bị tàu Trung Quốc tông chìm - Ảnh: Trần Mai |
Đã vòng tránh vẫn bị đâm chìm
Đội tàu Gành Cả khi ra Hoàng Sa bám đảo đánh bắt đã xác định sẽ sống chết ở nơi này, tàu bị thương trở về đất liền rồi lại sửa chữa ra khơi, nhưng cũng có tàu cá mãi mãi nằm lại Hoàng Sa sau cú đâm đoạt mạng người của tàu Trung Quốc.
Gặp lại ngư dân Trương Văn Đức tại nhà riêng ngay cạnh con dốc đá ở xóm Gành Cả, chỉ gần một tháng sau đêm hãi hùng giữa biển cả, ông Đức trông phờ phạc, già nua hơn nhiều so với lần gặp trước.
Người đàn ông vốn dĩ kiệm lời, sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm tàu, may mắn thoát chết trở về trắng tay ông lại càng ít nói hơn.
Lật xấp giấy tờ ngổn ngang giấy vay chủ nậu, đơn trương giấy tờ chuẩn bị gửi cho bảo hiểm... rồi ông dừng lại nhìn giấy đăng ký chủ tàu, con dấu, chữ ký vẫn còn mới nhưng chiếc tàu QNg 90559 giờ chỉ còn là kỷ niệm.
“Giấy đăng ký tàu này là kỷ vật cuối cùng về chiếc tàu cá bao năm qua cùng tôi đảo nam bãi bắc ở Hoàng Sa” - ông Đức nói.
Đưa tay chống ngang trán rồi kéo ngược vuốt mái tóc cứng đơ vì muối biển, người đàn ông can trường như bao ngư dân khác ở xóm Gành Cả kể: tối 9-7, năm chiếc tàu của ngư dân Gành Cả hành nghề lặn đêm từ từ tiến vào khu vực rạn san hô cách đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) chừng 3 hải lý thì thả neo hành nghề.
11 ngư dân chẳng ai có thể ngờ đó là đêm cuối cùng ngồi trên chiếc tàu cá QNg 90559. Khi các ngư dân đang quần thảo dưới đáy biển bắt hải sản thì ông Đức và bốn thuyền trưởng đánh bắt gần đó phát hiện tàu Trung Quốc rọi đèn từ đảo Phú Lâm chạy ra...
Những ngư dân trên năm chiếc tàu cá lập tức lên tàu, tăng tốc chạy về nhiều hướng, cố gắng vòng tránh tàu Trung Quốc.
“Dù đã chạy hết tốc lực liên tục né tránh việc tàu họ kèm cặp đâm va nhưng vẫn không thoát được. Khi chạy khỏi vị trí đánh bắt chừng 12 hải lý thì tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục pha đèn cao áp, truy đuổi. Rồi họ bất ngờ giảm tốc độ.
Tôi cứ nghĩ họ không đuổi nữa thì bất ngờ họ tăng tốc tông mạnh vào phía mạn trái, một vết rách dài hơn 1m, rộng chừng 20cm ngay dưới giữa thân, tàu phá nước, chìm dần” - ông Đức kể.
Đưa tay nâng chén trà, đôi mắt ông Đức nhìn vô định, có lẽ vì chiếc tàu của ông sẽ vĩnh viễn không trở về nữa nên khi kể lại khoảnh khắc ấy, mọi thứ cứ hiện về từng nhịp khiến ông không kịp sắp xếp để kể như thế nào cho liền mạch. Phải đợi khá lâu ông Đức mới có thể kể tiếp câu chuyện đang dang dở.
“Các thuyền viên thấy nước tràn vào khoang máy hốt hoảng chạy dồn về phía mũi tàu, tàu Trung Quốc thấy thế cũng lùi ra xa rồi tiếp tục quan sát chúng tôi, sau đó họ mới bỏ đi” - ông Đức kể, giọng rất buồn.
Chiếc tàu giữa biển khơi là nơi bám víu duy nhất của những người đi biển, trong giây phút hoảng loạn đó, kinh nghiệm sóng gió đã giúp ông Đức trấn tĩnh.
Ông dùng bộ đàm điện cho bốn tàu đánh bắt gần đó đến tiếp cứu, còn ông nhảy xuống biển cố dùng những miếng xốp, gỗ, quần áo “vá” lại vết rách mong có thể cứu được tàu khỏi chìm nhưng vô hiệu.
Trở lại tàu khi toàn bộ phần đuôi đã chìm xuống biển, ông Đức hò hét thúc giục ngư dân nhanh chóng lấy thực phẩm, nước uống, phao, thúng... chuẩn bị cho cuộc chống chọi thập tử nhất sinh.
“Hơn hai giờ vật lộn với sóng gió, đến hơn 1g sáng hôm sau, các tàu khác mới đến được vị trí tàu chìm cứu anh em lên tàu.
Tôi chỉ kịp nhìn con tàu lần cuối trước khi chìm hẳn vào lòng biển. Tàu tôi bị đâm chìm ở tọa độ 16’52 độ bắc, 112’33 độ đông. Nếu đi biển trở lại, tôi sẽ lặn xuống thăm “người anh em” ở lại Hoàng Sa của mình” - ông Đức trải lòng.
__________________________
Kỳ tới: Cái chết không do bão tố
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận