28/06/2019 11:46 GMT+7

Chấm thi tự luận, bộ phận làm phách bị cách ly hoàn toàn

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TTO - Ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD-ĐT, khẳng định như vậy tại cuộc họp báo chiều 27-6, ngay sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Chấm thi tự luận, bộ phận làm phách bị cách ly hoàn toàn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ chủ trì buổi họp báo kết thúc công tác coi thi của kỳ thi THPT quốc gia 2019 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH

Trả lời Tuổi Trẻ tại cuộc họp báo về việc không công bố đáp án các bài thi ngay sau khi kết thúc kỳ thi như các năm trước - điều mà đông đảo phụ huynh, thí sinh đang rất quan tâm, ông Mai Văn Trinh giải thích đây là một trong nhiều điều chỉnh nhằm ngăn ngừa tiêu cực có thể xảy ra trong thời gian chấm thi.

Ông Trinh nhấn mạnh việc công bố đáp án chỉ chậm hơn trước, có nghĩa xã hội vẫn có thể giám sát.

Sẽ chấm kiểm tra những bài thi đạt điểm cao

"Nếu kết quả thi có những dấu hiệu bất thường như năm 2018, Bộ GD-ĐT sẽ thực hiện quy trình kiểm tra, xử lý thế nào?" - Tuổi Trẻ đặt câu hỏi.

Ông Mai Văn Trinh cho biết khâu chấm thi năm nay sẽ bổ sung nhiều giải pháp kỹ thuật để siết chặt kỷ cương, ngăn ngừa tiêu cực, từ khâu vận chuyển, bàn giao, bảo quản bài thi đều có cán bộ an ninh giám sát, có camera theo dõi 24/24.

Ở khâu chấm thi, nếu phát hiện bất cứ sai sót nào cũng sẽ kiên quyết xử lý, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Về việc chấm thi tự luận, ông Trinh cho biết sẽ thực hiện quy định cách ly hoàn toàn bộ phận làm phách cho tới khi chấm thi xong. Việc chấm thi tự luận đảm bảo hai vòng chấm độc lập. Giám khảo chấm thi vòng 1 và vòng 2 sẽ phải đối thoại khi điểm thi giữa hai lần chấm chênh điểm nhau.

Những bài thi chênh nhiều điểm phải đưa ra hội đồng chấm chung. Các hội đồng chấm thi sẽ phải chấm chung một số bài rút ngẫu nhiên để thống nhất hướng chấm (chi tiết hóa hướng dẫn chấm của Bộ GD-ĐT).

Một điểm mới năm nay ở khâu chấm thi được ông Trinh nhắc đến trong cuộc họp báo là "ngoài việc chấm kiểm tra 5% số bài thi rút ngẫu nhiên, các hội đồng chấm thi sẽ tiến hành chấm kiểm tra đối với bài thi có mức điểm cao".

Không chỉ chấm hai vòng độc lập với bài thi tự luận mà khi nhập điểm cũng phải nhập hai lần độc lập, khi kết quả đã trùng khớp thì mới chuyển dữ liệu lên hệ thống. Việc này sẽ tránh sai sót, thậm chí tiêu cực xảy ra ở khâu lên điểm thi.

Việc chấm thi trắc nghiệm năm nay, ngoài việc giao cho trường ĐH chủ trì đã đặc biệt được lưu ý bằng một loạt giải pháp kỹ thuật. Bài thi tự luận được đánh phách điện tử và mã hóa toàn bộ dữ liệu bài thi, thông tin của thí sinh. Phần mềm chấm thi được hoàn thiện so với năm trước, lưu vết tất cả những can thiệp vào quá trình xử lý quét, chấm bài thi.

Sai đến đâu, xử đến đó

Liên quan tới trường hợp thí sinh làm lọt đề thi và các cán bộ để xảy ra vi phạm, ông Trinh cho biết sẽ tiếp tục kiểm tra. Mức độ sai phạm đến đâu sẽ xử lý đến đó.

Câu chuyện được phép mang thiết bị "có thu nhưng không phát ra ngoài" theo quy định từ những năm trước, xuất phát từ thực tế kiểm soát gian lận trong phòng thi đã được một số phóng viên nhắc lại, khi đề cập đến trường hợp thí sinh ở Phú Thọ làm lọt đề thi.

Trao đổi về việc này, ông Mai Văn Trinh giải thích "thiết bị chỉ thu nhưng không phát" chỉ sử dụng vào mục đích ghi lại hành vi gian lận trong phòng thi để gửi cho ban chỉ đạo thi xử lý. Còn trường hợp mang điện thoại vào phòng thi, có chức năng thu, phát, gửi tin ra ngoài là vi phạm quy chế.

Tuy nhiên, ông Trinh cũng cho biết sẽ cân nhắc hơn khi áp dụng các phương tiện khác nhằm phát hiện, ngăn ngừa tiêu cực.

Tại cuộc họp báo, đại diện Bộ GD-ĐT cũng nhắc lại những điểm mới được quy định ở khâu coi thi năm nay nhằm đảm bảo khách quan, ngăn ngừa việc gian lận xảy ra do kế hoạch sắp xếp từ trước.

Ví dụ, quy định bốc thăm nhận phòng thi trước các buổi thi sẽ khiến giám thị không biết trước mình sẽ coi thi phòng nào. Tương tự là việc bốc thăm chọn phương án phát đề trắc nghiệm, bốc thăm nhận vị trí giám sát của cán bộ giám sát tại điểm thi.

Trao đổi bên lề, ông Nguyễn Huy Bằng - chánh thanh tra Bộ GD-ĐT - khẳng định kỳ thi năm 2019 đã có những điều chỉnh về quy chế, và thực tế cho thấy kỷ cương đã siết chặt hơn.

Tuy nhiên, ông Bằng cũng cho biết khi quy chế đã chặt chẽ cùng sự hỗ trợ của thiết bị công nghệ thì vấn đề còn lại trong việc ngăn chặn tiêu cực là yếu tố con người. Có nghĩa người được chọn tham gia kỳ thi phải có ý thức trách nhiệm cao, thạo việc, biết kỹ năng để thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào.

Ngoài việc tập huấn, năm nay việc thanh tra, kiểm tra được tăng cường ngay trong khi các cán bộ tại điểm thi đang làm nhiệm vụ. Điều này giúp chấn chỉnh những việc còn chệch choạc ở nơi này nơi khác.

Đề thi bám sát hai mục đích

Ông Mai Văn Trinh khẳng định đề thi trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay đã bám sát hai mục đích xét tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả cho việc tuyển sinh ĐH-CĐ. Vì thế, đề thi có những nhóm câu hỏi rất cơ bản, theo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT, chủ yếu là lớp 12.

Nhưng cũng có những nhóm câu hỏi khó hơn, có tính phân hóa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc sàng lọc, tuyển sinh ĐH-CĐ. Cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi tại 1.980 điểm thi, với trên 38.000 phòng thi. Gần 50.000 cán bộ, giảng viên được huy động từ 216 trường ĐH, học viện, CĐ. Tỉ lệ thí sinh dự thi đạt trên 99%.

Công bố điểm thi THPT quốc gia: Tỉnh thành nào cũng phải đúng 14-7 Công bố điểm thi THPT quốc gia: Tỉnh thành nào cũng phải đúng 14-7

TTO - Bộ GD-ĐT khẳng định dù tiến độ chấm thi có thể khác nhau nhưng các trường đều phải công bố điểm vào ngày 14-7, không tỉnh thành nào được công bố trước hay sau mốc này.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp