Giám khảo chấm thi ngữ văn tại Lai Châu - Ảnh: VĨNH HÀ
Có bài thi đạt 8,5 và có bài đạt 0,75
Tỉnh Lai Châu năm nay chỉ có 3.187 bài thi ngữ văn. Hội đồng chấm thi đã huy động 40 giáo viên.
Theo lãnh đạo Hội đồng chấm thi Lai Châu, đề thi văn năm nay với học sinh vùng cao hơi khó nên sẽ ít điểm cao. Trong kết quả chấm chung của Hội đồng chấm thi Lai Châu, điểm thấp nhất là 1,75 điểm, chỉ duy nhất một bài đạt 7,5 điểm. Số bài thi đạt 6-7 khá ít.
"Đáp án khá mở nên hội đồng chấm phải thảo luận lâu để đi đến thống nhất. Đặc biệt là ở câu nghị luận văn học. Đề thi vào thể ký nên khó đối với học sinh vùng cao, các em chỉ nói được nội dung, không phân tích được nghệ thuật, cũng không có bước nhận xét phong cách.
Câu đọc hiểu năm nay cũng khó hơn so với các năm trước, vì cách nói ẩn dụ khó với học sinh của chúng tôi. Vì thế dự đoán cũng sẽ ít bài đạt điểm khá trở lên" - cô Phùng Thị Kim Oanh, trưởng môn ngữ văn của Hội đồng chấm thi Lai Châu, cho biết.
Tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn, các hội đồng chấm thi đều đã chấm được khoảng 20-25% số lượng bài thi.
Một số giám khảo chấm thi tại các địa phương này cho hay điểm bài thi nhiều nhất ở mức trung bình, dao động trong khoảng 5-6 điểm. Tại Bắc Giang đã có bài thi đạt 8-8,5 điểm, trong khi cũng có những bài thi chỉ đạt 0,75-1 điểm.
Giám khảo chấm thi tại Bắc Giang cho biết trung bình một ngày chỉ chấm được 30-40 bài. Còn ở Lai Châu, mỗi giám khảo chấm khoảng 160 bài môn ngữ văn (cả vòng 1 và vòng 2). Với mục tiêu hoàn thành chấm thi vào ngày 5-7 thì mỗi giám khảo sẽ phải chấm 30-35 bài/ngày.
Đáp án chấm thi hợp lý
Tuy nhiên, cô Phùng Thị Kim Oanh và cô Nguyễn Thị Oanh là hai trưởng môn trong Hội đồng chấm thi Lai Châu đều cho biết đáp án chấm rõ ràng, giám khảo vận dụng tốt.
Cô Vũ Trúc Hà, trưởng môn của Hội đồng chấm thi Lạng Sơn, cũng cho rằng mặc dù đề văn có đáp án mở nhưng hướng dẫn chấm của bộ cụ thể, rõ ràng nên khó có thể xảy ra trường hợp lệch tới hơn 1 điểm giữa hai giám khảo.
Trong các ngày từ 1-7 đến 3-7, Bộ GD-ĐT cử nhiều đoàn kiểm tra chấm thi đi các tỉnh. Với hội đồng chấm thi tự luận, ngoài yêu cầu thực hiện nghiêm túc việc chấm chung 10 bài thi và thảo luận, thống nhất hướng chấm, Bộ GD-ĐT yêu cầu thực hiện nghiêm túc hai vòng chấm độc lập.
Vì thực tế các năm trước, có những địa phương tổ chức chấm hai vòng nhưng không đảm bảo yêu cầu "chấm độc lập" và tổ chức đối thoại giữa hai giám khảo chấm. Năm nay, việc này được Bộ GD-ĐT đặc biệt lưu ý.
Bên cạnh đó là quy định chấm kiểm tra ngẫy nhiên 5% số bài thi và chấm kiểm tra tất cả các bài thi có mức điểm cao.
Tại Bắc Giang ngày 1-7, ông Bạch Đăng Khoa - phó giám đốc sở GD-ĐT Bắc Giang - cho biết khi thực hiện chấm hai vòng độc lập cũng đã xuất hiện một số bài chênh hơn 1,5 điểm giữa hai vòng chấm và phải triệu tập trưởng môn xử lý.
Ông Nguyễn Hữu Độ - thứ trưởng Bộ GD-ĐT - khi đi kiểm tra thi ở các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn đã cho rằng tất cả các trường hợp chấm chênh 1 điểm trở lên giữa hai vòng chấm đều phải rà lại nguyên nhân để rút kinh nghiệm ngay trong quá trình chấm thi.
"Nếu giám khảo làm hết trách nhiệm và năng lực của mình thì mức chênh lệch điểm môn ngữ văn giữa hai vòng chấm chỉ có thể chênh nhau dưới 1 điểm là tối đa" - ông Nguyễn Hữu Độ nêu quan điểm.
Ông Vũ Đình Chuẩn, vụ trưởng Vụ GD trung học (bìa trái) trao đổi với ông Hoàng Đức Minh, phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lai Châu, về việc triển khai chấm thi môn tự luận - Ảnh: VĨNH HÀ
Nhiều tỉnh cố gắng hoàn thành chấm thi trước ngày 8-7
Tại Thái Bình, Lào Cai, Lao Châu, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Bắc Giang, hội đồng chấm thi đều đang đặt ra mục tiêu hoàn thành chấm thi vào trước ngày 8-7. Một số địa phương khác dự kiến chấm xong muộn nhất vào ngày 9-7.
Cùng với việc chấm bài tự luận, việc chấm thi trắc nghiệm của nhiều địa phương đến thời điểm này đã quét xong bài thi.
Tại Lai Châu, ông Đinh Thanh Tâm - hiệu trưởng Trường ĐH Tây Bắc, trưởng ban chấm thi trắc nghiệm - cho biết sau khi quét, hội đồng chấm thi đang tiến hành kiểm dò. Có một số lỗi ví dụ thí sinh tô phương án trả lời không rõ, máy không nhận nên phải kiểm tra lại.
Trao đổi chung với Hội đồng chấm thi Lai Châu, ông Vũ Đình Chuẩn - vụ trưởng Vụ GD trung học Bộ GD-ĐT - nhắc nhở tất cả các biên bản bàn giao, quy định cụ thể trong quy trình chấm thi đều phải nghiêm túc thực hiện. Năm 2018, khi có tiêu cực xảy ra, Bộ GD-ĐT đi kiểm tra thì cũng mới biết những nơi như Hòa Bình, biên bản chỉ được lập sơ sài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận