15/01/2019 13:46 GMT+7

Chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu

Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)
Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)

Nhiễm khuẩn tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm ở hệ thống tiết niệu, đặc trưng bởi sự gia tăng số lượng vi khuẩn và bạch cầu niệu một cách bất thường.

Chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn tiết niệu - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: mayoclinic.org

Nhiễm khuẩn tiết niệu (NKTN) là tình trạng viêm nhiễm ở hệ thống tiết niệu, đặc trưng bởi sự gia tăng số lượng vi khuẩn và bạch cầu niệu một cách bất thường. NKTN là nhiễm khuẩn đứng thứ 3 sau các nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu hóa ở trẻ.

Tùy theo vị trí nhiễm khuẩn mà có các chẩn đoán như viêm bàng quang (NKTN dưới), viêm bể thận (NKTN trên).

Tại sao trẻ lại mắc NKTN?

Nguyên nhân chính gây NKTN ở trẻ là do vi khuẩn: Đứng đầu là các vi khuẩn đường ruột như E.coli, Enterococcus,...

Yếu tố nguy cơ làm trẻ tăng khả năng nhiễm bệnh:

- Trẻ dưới 2 tuổi: Do cơ chế miễn dịch chưa đầy đủ;

- Trẻ có bất thường hệ tiết niệu (các bệnh lý đường tiết niệu làm cho nước tiểu của trẻ không được lưu thông tốt, gây ứ đọng nước tiểu chiếm 70% các trường hợp NKTN);

- Chít hẹp bao quy đầu;

- Dị dạng đường tiết niệu bẩm sinh;

- Bàng quang thần kinh (bàng quang giãn to mất trương lực co bóp hoặc rối loạn trương lực co bóp không đẩy hết được nước tiểu ra ngoài sau mỗi lần đi tiểu);

- Ứ nước bể thận do chít hẹp khúc nối bể thận niệu quản;

- Sỏi bàng quang niệu quản;

- Trẻ mắc các bệnh gây suy giảm sức đề kháng như nhiễm virus cúm, nhiễm trùng da, nhiễm trùng đường hô hấp, ỉa chảy có mất nước nặng;

- Sau các thủ thuật xâm lấn có đặt ống thông tiểu nhưng không đảm bảo vô khuẩn;

- Tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài;

- Táo bón;

- Điều kiện vệ sinh kém;

- Thói quen nhịn tiểu và uống nước ít của lứa tuổi nhà trẻ.

Biểu hiện khi trẻ bị nhiễm trùng tiết niệu

- Trẻ có các biểu hiện rối loạn tiểu tiện: Đái khó, đái buốt, đái rắt, khi đi tiểu phải rặn (rặn è è đỏ cả mặt), trẻ đái nhiều về đêm, nước tiểu có màu trắng đục (có khi trẻ đái toàn ra mủ trắng), nhiều cặn lắng đọng, mùi khai hoặc nặng mùi hơn bình thường.

- Nhiều trẻ la hét hoảng hốt khi đái. Có thể để ý thấy bàn tay của trẻ khai do trẻ luôn nắm hoặc kéo dương vật, âm hộ khi đái.

- Đôi khi trẻ kêu đau vùng hạ vị, vùng thắt lưng, hố thận, đau âm ỉ kèm theo sốt. Tùy tính chất, chủng vi khuẩn mắc phải mà trẻ sốt nhẹ hay sốt cao. NKTN thường gặp là sốt cao liên tục trên 39OC khó hạ được sốt ngay mà chỉ hạ khi đã điều trị kháng sinh đúng chủng loại có khả năng tiêu diệt được vi khuẩn sau 3 đến 5 ngày.

Biến chứng của bệnh viêm đường tiết niệu

- Nhiễm khuẩn tiết niệu diễn ra rất phức tạp với nhiều dạng biến chứng, có thể xuất hiện những biến chứng toàn thân nguy hiểm như nhiễm trùng máu, nhiễm trùng gây hoại tử ống thận, bể thận.

- Bệnh viêm đường tiết niệu nếu để lâu cũng có thể gây ra thận ứ mủ, viêm quanh thận, viêm kẽ thận, trào ngược bàng quang niệu quản âm thầm gây ra suy thận.

- Nhiễm khuẩn tiết niệu để lại sẹo thận nếu không phát hiện điều trị dứt điểm bệnh sẽ nặng hơn. Sau mỗi đợt nhiễm trùng tái phát trẻ sẽ có các tổn thương ở thận dưới dạng sẹo dẫn đến suy thận mạn sau này.

Chăm sóc trẻ bị nhiễm trùng tiết niệu

- Sau khi trẻ được phát hiện nhiễm khuẩn tiết niệu, bác sĩ sẽ dựa theo kháng sinh đồ để điều trị cho trẻ. Tùy loại vi khuẩn mắc nhiễm mà trẻ được nhập viện để tiêm kháng sinh hay chỉ cần uống thuốc theo đơn và theo dõi tại nhà.

- Một đợt điều trị sẽ kéo dài trung bình từ 10 đến 15 ngày và được xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn cuối mỗi đợt.

- Cho trẻ uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, vitamin để nâng cao sức đề kháng cho trẻ.

- Hướng dẫn trẻ cách đi vệ sinh sạch sẽ và đúng cách.

Phòng bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu

- Để phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn tiết niệu cho trẻ cha mẹ trẻ phải luôn quan tâm đến việc vệ sinh và những sinh hoạt thường ngày của trẻ, không nên phó thác cho ông bà cũng như thầy cô giáo.

- Với trẻ nhỏ cần lau khô và thay tã cho trẻ ngay sau khi đi vệ sinh, cần xem có cặn trắng ở bỉm không mỗi khi thay bỉm.

- Với trẻ gái: Cha mẹ nên vệ sinh từ trước ra sau (vệ sinh từ lỗ tiểu ra sau hậu môn) để tránh vi khuẩn vào lỗ tiểu gây nhiễm trùng ngược dòng.

- Với trẻ trai: Quan sát trẻ đi tiểu nếu thấy phồng bao quy đầu hoặc tia tiểu nhỏ cần cho trẻ khám ngay vì có thể do dài hoặc hẹp bao quy đầu.

- Cha mẹ cần hướng dẫn và tập cho trẻ thói quen đi vệ sinh đúng cách.

- Cần cho trẻ uống đủ nước hàng ngày, ăn uống đảm bảo vệ sinh với các loại rau củ quả để tăng lượng nước làm cho hệ bài tiết nước tiểu của trẻ được tốt hơn.

- Khi phát hiện trẻ có các bất thường về hệ tiết niệu cần đến khám để phẫu thuật sớm trả lại chức năng sinh lý, chống NKTN do ứ trệ dòng chảy của nước tiểu.


Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương (Bộ Y tế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp