28/07/2005 04:02 GMT+7

Chăm sóc sức khỏe học sinh ở trường học: Bệnh nhiều, phát hiện ít!

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TT - Theo đánh giá của Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TP.HCM, chất lượng khám sức khỏe học sinh trong năm học 2004-2005 của hầu hết các quận huyện đều chưa đạt...

ghDYC1bd.jpgPhóng to
Bàn quá cao so với tầm vóc HS là nguy cơ gây bệnh cong vẹo cột sống và cận thị - Ảnh: H.L.

Theo đánh giá này thì đa số chưa phát hiện được hoặc bỏ qua hai bệnh học đường là cong vẹo cột sống và tật khúc xạ.

Khám đại khái

Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường đưa ra nguyên nhân là quận huyện nào được tập huấn khám sức khỏe HS thì phát hiện bệnh tốt, không được tập huấn thì chưa phát hiện; va vì tiền khám chỉ có 2.000 đồng/HS nên chất lượng khám không đảm bảo.

Số liệu khám sức khỏe HS của các quận trong năm học này cho thấy tỉ lệ phát hiện cong vẹo cột sống của HS ở hầu hết quận huyện chỉ từ 0,04% - 2-3%. Chỉ có hai quận phát hiện cao nhất là 13,4% (Q.5) và 8,3% (Phú Nhuận).

Trong khi nghiên cứu của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình tại Q.Tân Bình cho thấy tỉ lệ HS bị cong vẹo cột sống lên tới 53%; nghiên cứu của Hội Nhi khoa Việt Úc ở Q.Gò Vấp phát hiện đến 42%; của Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường là 30%... Về tật khúc xạ, nhiều quận huyện không báo cáo số liệu nên không biết có khám hay không, hoặc số có khám thì phát hiện bệnh cũng thấp, đa số dưới 10-25%. Trong khi khảo sát của Bệnh viện Mắt TP.HCM có gần 63% bị tật khúc xạ.

Một nghiên cứu khác của Viện Vệ sinh y tế công cộng TP trong năm học 2003-2004 ở bốn trường học cho thấy 44,2-46,5% HS bị các bệnh về răng miệng.

Chị K.L. - có hai con học ở Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q.Tân Bình và THPT Nguyễn Du, Q.10 - cho rằng thời gian qua hai con của chị chỉ được khám sức khỏe đại khái. Phiếu khám sức khỏe của trường gửi về không mang tính chuyên môn y tế. Theo chị K.L., phụ huynh sẵn sàng đóng góp thêm với nhà trường để đầu tư việc khám sức khỏe có chất lượng hơn, mang lại lợi ích cho HS và phụ huynh đỡ phải mất thời gian đưa con đi khám sức khỏe định kỳ.

Tại tiền ít

jOtgiZ8K.jpgPhóng to

Hình ảnh một HS bị cong vẹo cột sống - Ảnh: H.L.

Tại cuộc họp tổng kết công tác y tế học đường (YTHĐ) năm vừa qua, Ban chỉ đạo YTHĐ TP cũng cho rằng kinh phí bồi dưỡng cho đoàn khám khoảng 2.000đ/HS là quá ít, không thể tổ chức khám tốt được. Chất lượng khám sức khỏe còn thấp do khám quá nhiều HS trong một ngày, khám sơ sài, thiếu bác sĩ chuyên khoa. Nhiều quận huyện có số trường và HS quá đông nên rất khó khăn để khám hết cho tất cả HS. Đa số các khoa mắt của trung tâm y tế quận huyện chưa đảm nhận được việc đo thử thị lực và chỉnh kính cho HS do chưa được đào tạo và thiếu trang thiết bị!

Thạc sĩ Trịnh Hồng Lân - phụ trách công tác YTHĐ, Viện Vệ sinh y tế công cộng TP - cho biết kết quả khảo sát thực tế của viện cho thấy có một vấn đề rất bất hợp lý là tất cả các loại bàn ghế tại các phòng học của bốn trường đều quá cao so với tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế. Chưa kể, 89% bàn học là loại bàn liền ghế, ghế ngồi hoàn toàn không có tựa, chưa phù hợp với qui định của Bộ Y tế. Đặc biệt, nhiều chỗ ngồi của HS nhìn bảng bị bóng (32,3%) gây bất lợi cho HS khi nhìn, về lâu dài có thể gây ảnh hưởng nhiều tới thị lực...

Đưa vào chương trình quốc gia

Vì sao chỉ trích 2.000đ/HS trên số tiền đóng bảo hiểm y tế (BHYT) để khám sức khỏe cho HS? Ông Bùi Đức Tráng - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP - cho biết đó là qui định của ban chỉ đạo YTHĐ TP (gồm hai sở GD-ĐT và Y tế).

Theo ông Tráng, năm học 2004-2005 toàn TP có 582.911 HS tham gia BHYT, chiếm khoảng 50% tổng số HS. BHYT đã trích lại 20% cho các trường với tổng số tiền là 5,85 tỉ đồng. Có một bất hợp lý là nhiều em không tham gia BHYT vẫn được khám sức khỏe. Ngoài ra, hiện nay số trường có phòng y tế đạt chưa tới 61%. Số trường có cán bộ y tế chuyên trách cũng chỉ có 34,4%. Lương của cán bộ YTHĐ cũng tùy vào trường có HS tham gia BHYT nhiều hay ít mà dao động từ 300.000-800.000 đồng/ tháng/người. Đây là những lý do làm ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc sức khỏe HS.

Trung tâm Y tế Q.Gò Vấp cho biết theo qui định, việc khám sức khỏe chỉ thực hiện ở những lớp đầu cấp nhưng khi chấm thi đua, liên sở lại đưa chỉ tiêu khám cho tất cả các lớp. Do không đủ người, trung tâm y tế phải gọi thêm y sĩ, y tá của trạm y tế phường phụ giúp. Thế nhưng cả quận có 60.000 HS, nếu có khám quanh năm suốt tháng thì cũng không hết. Số tiền 2.000đ /HS không phải là chỉ để bồi dưỡng bác sĩ mà còn mua bông băng, cồn gạc, pin đèn soi tai mũi họng... khi khám cho HS. Thực tế có khi bác sĩ đi khám không có thù lao gì.

Theo thạc sĩ Hồng Lân, để thúc đẩy YTHĐ phát triển cũng như làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe HS, điều cần thiết nhất hiện nay là nên đưa YTHĐ vào chương trình quốc gia để có kinh phí hoạt động.

Đà Nẵng: các trường tự lo

Tại TP Đà Nẵng, ngành giáo dục giao thẳng việc khám sức khỏe học đường cho từng trường chịu trách nhiệm từ khâu tổ chức hợp đồng khám đến nguồn kinh phí chi trả. Chính vì vậy việc khám sức khỏe cho học sinh tại các trường gần như bị thả nổi và không theo chu kỳ. Ông Võ Hồng Tiến - trưởng phòng trung học phổ thông, Sở GĐ-ĐT TP Đà Nẵng, cho rằng: “Ngay cả việc khám sức khỏe cho thầy cô giáo cũng chỉ làm cho có. Nhiều khi 2-3 năm mới tổ chức khám một lần”.

Tại các trường như THPT Phan Châu Trinh, THCS Nguyễn Khuyến... việc khám sức khỏe học đường được thực hiện một năm một lần và chỉ khám cho học sinh đầu cấp với một chuyên khoa mắt. Một cán bộ của Trường THCS Nguyễn Khuyến nói: “Bình quân mỗi học sinh khi khám mất 3.000-5.000 đồng, trong khi nguồn kinh phí của nhà trường có hạn, chính vì vậy chúng tôi chỉ khám cho học sinh lớp 6 mà thôi”.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp