Ông Laurent Umans (Bí thư thứ nhất, Đại sứ quán Vương quốc Hà Lan - trái) và ông Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL)
Người thì xem ĐBSCL là tài nguyên phong phú có thể khai thác mang lại lợi nhuận. Người thì thấy đồng bằng là nạn nhân của con người, có tài nguyên hạn chế đang bị khai thác quá mức.
Cả hai cách nhìn này đều xem đồng bằng là một vật thể, mặc dù tiền nhân đã đặt tên vùng này là Cửu Long - Chín Rồng (thực tế chỉ còn bảy). Cách nhìn ĐBSCL khác nhau sẽ dẫn đến cách ứng xử khác nhau với đồng bằng.
Khi ta nhìn ĐBSCL như một tài nguyên hay một vật thể, ta chỉ nghĩ tới khai thác cái gì cho là hữu dụng, lấy đi cái ta muốn. Việc khai thác như vậy giúp kinh tế tăng trưởng trong ngắn hạn, nhưng làm suy yếu sức khỏe hệ thống về lâu dài. Còn cách nhìn đồng bằng như một tài nguyên nên khai thác hạn chế là cách nhìn lành hơn. Theo cách này, con người chỉ nên lấy đi những gì có thể tái tạo được bởi thiên nhiên hay đền bù được bởi con người.
Còn nếu xem đồng bằng như một cơ thể sống sẽ đưa tới suy nghĩ về sức khỏe toàn diện của đồng bằng, trong đó con người không phải là chủ nhân của thiên nhiên mà là một phần của thiên nhiên, sống hài hòa và biết tuân thủ quy luật tự nhiên để chăm sóc cho đồng bằng.
Chúng tôi dùng từ "chăm-sóc-đồng-bằng" để tiếp cận những vấn đề của đồng bằng. Với cách tiếp cận chăm sóc đồng bằng, chúng ta sẽ thấy biển và sông là hai phần không thể tách rời của cơ thể đồng bằng. Nếu ngăn mặn-trữ ngọt bằng công trình để phục vụ sản xuất thì sự phong phú thủy sản biển không còn nữa và sông ngòi nhanh chóng biến thành những dòng sông đen như mạch máu bị tắc nghẽn. Sức khỏe chung của đồng bằng bị tổn thương.
Chúng tôi cho rằng nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu đạt tầm thông thái trong việc kêu gọi tôn trọng quy luật tự nhiên. Điều này có nghĩa quy luật tự nhiên phải được hiểu rõ trước khi can thiệp, theo quy tắc cẩn trọng để tránh những hư hỏng không còn sửa chữa được.
Chăm sóc đồng bằng đòi hỏi quản lý nhà nước phải vượt ra khuôn khổ từng ngành riêng lẻ. Thiên nhiên vận hành không có phân chia phòng ban như con người! Khai thác cát là một ví dụ cụ thể. Vì sông ngòi đồng bằng cùng chung một hệ, khai thác cát ở một nơi sẽ làm sạt lở lan tỏa khắp nơi. Đồng bằng phải được xem là một hệ, chứ không là từng phần riêng trong ranh giới hành chính từng tỉnh.
Khi quy hoạch phát triển ĐBSCL điều cần nhớ đầu tiên là ĐBSCL là nơi sinh sống của hơn 17 triệu người và muôn loài, không phải đơn thuần là một nông trại lớn chỉ để sản xuất. Quy hoạch phát triển ĐBSCL không nên chỉ nhắm tới tăng trưởng tối đa GDP mà nên hiểu kinh tế theo nghĩa rộng hơn, có tính đến các giá trị thiên nhiên, đảm bảo sự vận hành lành mạnh của hệ tự nhiên và chất lượng sống con người. Không nên chỉ là khoanh lại vài khu bảo tồn để cho "đa dạng sinh học" sống trong đó, mà sự sống nên được lành mạnh ở mọi nơi.
Ngoài ra, cần ưu tiên hóa trong hành động. Mực nước biển dâng cộng thêm sụt lún đất do khai thác nước ngầm sẽ làm đồng bằng chìm nhanh hơn, nhưng giữa việc nước biển dâng khoảng 3mm/năm và sụt lún đất khoảng 1-5cm/năm do khai thác nước ngầm, chúng ta nên ưu tiên giải quyết chuyện sụt lún đất. Muốn giảm khai thác nước ngầm, người dân phải có nguồn nước khác. Nhưng nếu cứ ngăn mặn cho nông nghiệp, sông sẽ thành sông đen, không sử dụng được, càng làm tăng sử dụng nước ngầm.
Thách thức là làm sao nhìn thấy được phát triển kinh tế và duy trì sức khỏe đồng bằng không ngược nhau mà sức khỏe đồng bằng là nền tảng cho toàn bộ tòa lâu đài phát triển. Đây mới là sự thông thái sâu sắc của nghị quyết 120. Thực hiện đúng sự thông thái sâu sắc của nghị quyết 120 sẽ phục hồi được sức khỏe để ĐBSCL có khả năng ứng phó tốt hơn với bối cảnh bên ngoài. Đó là cơ sở để chúng tôi nhìn thấy một tương lai sáng cho ĐBSCL!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận