Gia đình bà Phạm Thị Phú Hương hiện vẫn đang sống trong đống đổ nát của căn nhà bị sập hoàn toàn -
Ảnh: THÁI THỊNH
Theo ông Võ Bình Tân - phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Khánh Hòa, ngoài các hộ chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số, chỉ có các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn mới thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở...
“Từ ngày nhà sập, già yếu cũng chẳng có ai thuê nên gia đình chủ yếu sống bằng gạo trợ cấp
Bà Phạm Thị Phú Hương (thôn Phú Thạnh 3, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang)
Cảnh không nhà
20 ngày qua, gia đình bà Phạm Thị Phú Hương (thôn Phú Thạnh 3, xã Vĩnh Thạnh, TP Nha Trang) sống trong đống đổ nát của căn nhà bị sập hoàn toàn. Để che nắng, trú mưa bà Hương mua một tấm bạt giăng mắc tạm để có chỗ ngả lưng.
Bà Hương thuộc diện hộ cận nghèo, không có nghề nghiệp ổn định, một mình bà phụ hồ nuôi ba con và đứa cháu nội.
"Từ ngày nhà sập, già yếu cũng chẳng có ai thuê nên gia đình chủ yếu sống bằng gạo trợ cấp. Nhiều lúc mưa gió, chỉ thương mấy đứa nhỏ quần áo, sách vở ướt hết. Giờ chỉ mong chính quyền trợ giúp dựng được mái nhà" - bà Hương nói.
Cùng hoàn cảnh ấy, gia đình bà Nguyễn Thị Kim Cúc (thôn 4, xã Diên Phú, huyện Diên Khánh) cũng thuộc diện hộ cận nghèo, có con trai đầu bị tật nguyền.
Sau bão, căn nhà bà chỉ còn là đống đổ nát. Tất cả đều sống tạm trong phần chái bếp còn sót lại rộng chưa đến 15m2.
"Sau bão, chính quyền có xuống thăm, cho gạo, phát lương thực và lập danh sách hỗ trợ tiền làm lại nhà. Nhưng đến nay gia đình chưa nhận được đồng nào" - bà Cúc nói.
Chờ quy định của tỉnh
Theo ông Trịnh Quang Tuấn - chủ tịch UBND xã Vĩnh Thạnh (TP Nha Trang), trên địa bàn có 5 nhà sập hoàn toàn thì đến nay đã có 2 nhà được nhận hỗ trợ từ 15 - 20 triệu đồng/hộ, 3 hộ còn lại đang được xem xét, tìm các nguồn hỗ trợ để các hộ này tái định cư, xây dựng tạm để có chỗ ở.
"Tỉnh đã có thông báo nguồn kinh phí hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách bị thiệt hại nhà cửa do bão và yêu cầu địa phương trích ngân sách tạm ứng cho dân. Thế nhưng, do phải rà soát cụ thể nên tiền chưa đến tay bà con" - ông Tuấn nói.
Tương tự, ông Phan Văn Trí - chủ tịch UBND xã Diên Điền (Diên Khánh) - cho biết "hiện vẫn còn một số hộ chưa được hỗ trợ đầy đủ vì còn phải chờ có quy định của tỉnh".
Theo ông Võ Bình Tân: "Việc hỗ trợ các hộ có nhà bị sập không có vướng mắc gì nhưng các địa phương phải kiểm tra, thẩm định thì mới hỗ trợ được. Còn việc hỗ trợ các hộ có nhà bị hư hại thì ngay sau bão, các địa phương có gặp lúng túng trong chuyện xác định mức độ thiệt hại để hỗ trợ cho sát thực tế và công bằng".
Ngày 27-11, ông Tân xác nhận vừa nhận được thông báo "khẩn" kết luận của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa về quy định việc hỗ trợ dân khắc phục hậu quả sau bão.
Theo đó, các hộ thuộc diện "bảo trợ xã hội" (hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn) và cả các hộ chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số có nhà bị sập hoàn toàn, bị hư hỏng nặng, rất nặng do bão đều được hỗ trợ tùy theo mức độ thiệt hại.
Thông báo "khẩn" cũng ghi rõ "chỉ hỗ trợ các hộ dân đang ở các vùng ổn định, những hộ trong diện đang tiến hành giải tỏa, di dời thì phải chờ".
Do đó, rất nhiều hộ dân trong các vùng phải di dời, dù có nhà sập hoàn toàn hay hư hại đều phải chờ có quy định riêng của tỉnh mới được xem xét, hỗ trợ.
Hơn 200 hộ dân có nhà sập phải chờ xác minh
Một trong những địa phương có nhà dân trong vùng dự án (phải di dời) bị sập hoàn toàn nhiều nhất là TP Nha Trang.
Cho đến nay, theo ông Nguyễn Sĩ Khánh - phó chủ tịch UBND TP Nha Trang, chỉ mới trao tiền hỗ trợ cho 103 hộ có nhà bị sập hoàn toàn ở các vùng ổn định.
Còn 219 hộ có nhà bị sập hoàn toàn ở các vùng dự án đang giải tỏa thì còn phải chờ xác minh, thẩm tra rồi mới giải quyết được.
Theo ông Khánh: "Phải đến hết tuần này mới có thể giải quyết hết cho các hộ có nhà bị sập hoàn toàn ở TP Nha Trang".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận