14/08/2012 09:20 GMT+7

Chấm dứt quy hoạch "treo" đất lúa

Ông NGUYỄN TRÍ NGỌC(cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT)
Ông NGUYỄN TRÍ NGỌC(cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT)

TT - Việc Long An rồi Tây Ninh xóa quy hoạch sân golf “treo”, cụm công nghiệp “treo” trả lại đất cho dân trồng lúa đã đem lại niềm vui, hi vọng không chỉ cho những người nông dân ở hai địa phương này.

wZUwSEkD.jpgPhóng to

Ông Phạm Sĩ Liêm - Ảnh: T.Phùng

Tuổi Trẻ phỏng vấn ông Nguyễn Trí Ngọc (cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) và ông Phạm Sĩ Liêm (phó chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN) xung quanh vấn đề nêu trên.

Vẫn tiếp tục xin chuyển đổi đất lúa

Ông Phạm Sĩ Liêm: Trước hết, chúng ta phải nói thẳng với nhau rằng chuyện quy hoạch “treo” làm khổ dân đã có hàng chục năm nay. Dân kêu ca đủ đường, nhưng làm được như Long An hay Tây Ninh không nhiều. Nhớ lại hồi năm 2006, chúng ta đã có một cuộc tổng rà soát quy hoạch “treo” trên toàn quốc, ra quân rất rầm rộ, Bộ Tài nguyên - môi trường chủ trì kiểm tra ở 15 tỉnh thành được coi là “điểm nóng”, tuy cũng đạt được một số kết quả nhưng đến nay quy hoạch “treo” vẫn tồn tại. Tôi được biết mới đây Hà Nội đã hứa thu hồi các dự án vi phạm nhưng chưa rõ sẽ áp dụng cách giải quyết như thế nào. Và không chỉ có Hà Nội, tình trạng quy hoạch “treo” còn phổ biến ở nhiều tỉnh thành, do vậy với cách làm của Long An và Tây Ninh, rõ ràng “đường lớn đã mở” cho người dân ở vùng quy hoạch “treo” nếu các địa phương khác cũng áp dụng kinh nghiệm này.

Ông Nguyễn Trí Ngọc: Theo thống kê của Bộ Kế hoạch - đầu tư cũng như qua thực tế kiểm tra của chúng tôi, tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở nhiều địa phương chưa đến 50%, như vậy cứ quy hoạch hoặc giao đất cho chủ đầu tư rồi để đấy, trong khi nông dân thiếu đất sản xuất hoặc không yên tâm đầu tư lâu dài vì quy hoạch “treo” lơ lửng trên đầu. Vấn đề là trong khi Long An, Tây Ninh nỗ lực xóa quy hoạch “treo”, lại đang có nhiều địa phương khác trình trung ương xin tiếp tục cho chuyển đổi đất lúa sang mục đích phi nông nghiệp, kể cả làm khu công nghiệp. Chính phủ chắc chắn sẽ xem xét từng dự án cụ thể để hạn chế tối đa, nhất là đối với đất hai vụ lúa...

* Nước ta đất chật người đông, lẽ ra chính quyền phải chủ trương tiết kiệm và sử dụng đất đúng mục đích thì lại để xảy ra quy hoạch “treo” gây lãng phí đất đai như vậy, tại sao?

- Ông Phạm Sĩ Liêm: Vì đây là “chuyện dài nhiều tập” nên nguyên nhân đã được phân tích kỹ, tập trung vào mấy chuyện như quy hoạch kém chất lượng, không sát với thực tế, không có tiếng nói của người dân; nhiều dự án mang tính đầu cơ đất đai; ảnh hưởng của khó khăn kinh tế...

1lLSVN5s.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Trí Ngọc - Ảnh: Nguyễn Khánh

"Nhìn vào hàng triệu tấn gạo xuất khẩu mỗi năm hiện nay thì dễ yên tâm về an ninh lương thực, nhưng vấn đề là đất lúa sẽ không được sinh sôi nảy nở thêm mà ngày càng thu hẹp dần vì làm đường giao thông, làm khu công nghiệp, đặc biệt là vì biến đổi khí hậu. Trong khi đó dân số VN sẽ khoảng 120 triệu người trong tương lai"

Trong công tác quy hoạch chúng ta có sự phân cấp, nhưng năng lực quản lý đất đai của các địa phương không đồng đều, nơi nào năng lực tốt không sao, nơi nào năng lực yếu thì phải trả giá đắt. Được giao quyền như nhau nên các địa phương cứ chạy đua làm khu công nghiệp, chạy đua trải thảm đỏ thu hút đầu tư, mong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và có chỉ số tăng trưởng GDP cao để làm thành tích. Trước đây Chính phủ từng kiểm tra xem địa phương nào ưu đãi đầu tư vượt quá khung quy định chung, qua đó phát hiện 31 tỉnh ưu đãi quá mức. Ưu đãi vậy nhưng khu công nghiệp vẫn bỏ hoang vì làm khu công nghiệp đâu phải chỗ nào cũng được, còn phải tùy thuộc vào hạ tầng giao thông và các yếu tố kinh tế - xã hội khác.

Một thời gian dài làm khu công nghiệp còn có quy hoạch, chứ làm sân golf thì chẳng có quy hoạch nào. Mãi đến năm 2009, khi vấn đề khá nóng trong dư luận thì mới có quy hoạch sân golf trên toàn quốc. Nếu như làm sân golf ở bãi cát hay vùng trung du đồi núi thì chẳng nói làm gì, nhưng người ta cứ thích làm sân golf ở nơi bờ xôi ruộng mật. Không ở đâu xa, ngay tại thủ đô, một số sân golf ở khu vực Đông Anh, Chùa Thầy... đều có lấy một diện tích đáng kể đất lúa.

- Ông Nguyễn Trí Ngọc: Quy hoạch là một chuyện, vấn đề theo tôi chủ yếu ở khâu tổ chức, thực hiện. Chúng ta chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp không thực hiện đúng quy hoạch.

Nhận phí “bôi trơn” thì khó xóa quy hoạch “treo”

* Quy hoạch “treo” ở đâu cũng có nhưng không phải nơi nào cũng làm được như Long An và Tây Ninh. Trong khi hai tỉnh này đã mạnh dạn thu hồi đất các khu công nghiệp để trả lại cho dân, nhiều người dân ở ĐBSCL xót xa nhìn đất trồng hoa màu, trồng lúa trong các khu công nghiệp đang hoang hóa từng ngày?

- Ông Phạm Sĩ Liêm: Tôi không dám nói là tất cả, nhưng có một thực tế là nhiều dự án giao đất thì bên nhận đất phải có chi phí “bôi trơn”, như vậy nhận tiền của người ta rồi, dù biết rằng dự án này dự án khác vi phạm quy định pháp luật về đất đai cũng khó mà ra quyết định thu hồi ngay được.

Muốn nhiều nơi làm được như Long An, Tây Ninh thì trước hết phải tập trung vào chuyện thu hồi các dự án vi phạm pháp luật về đất đai cho tốt. Nơi nào làm qua loa, chiếu lệ thì kiểm tra rồi báo cáo Thủ tướng xử lý nghiêm. Sau đó, chính quyền các cấp có hướng dẫn cụ thể và công khai, minh bạch việc giải quyết đối với đất thu hồi, loại nào để làm quỹ đất phát triển hạ tầng, loại nào tiếp tục kêu gọi đầu tư, loại nào đưa trở lại sản xuất nông nghiệp...

Ví dụ, liên quan đến đất trồng lúa, loại thứ nhất là quy hoạch “treo” nhưng người dân ít nhiều vẫn được sinh sống, sản xuất tại chỗ như ở Long An, Tây Ninh. Loại thứ hai là người dân đã nhận đền bù và tái định cư ở nơi khác. Theo tôi, nếu thu hồi đất ở những dự án thuộc diện thứ hai, với mặt bằng sẵn có chúng ta nên tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư nông nghiệp nào đó đầy đủ năng lực, nhằm hướng đến việc tích tụ ruộng đất, sản xuất lớn chứ không nên chia lại manh mún như trước.

- Ông Nguyễn Trí Ngọc: Theo quy định thì dự án giao đất luôn có cam kết về thời gian triển khai, ví dụ sáu tháng hoặc một năm, sau đó nếu dự án không có động đậy gì thì Nhà nước thu hồi. Như vậy hành lang pháp luật đã có, vấn đề là chính quyền địa phương phải làm mạnh hơn, không vì mối quan hệ này khác. Ở đây căn cứ vào Luật đất đai, Luật quy hoạch đô thị, cần có sự vào cuộc của Bộ Tài nguyên - môi trường cũng như Bộ Xây dựng để kiểm tra, giám sát. Để góp phần đảm bảo an ninh lương thực về lâu dài, trong việc xóa quy hoạch “treo” nên ưu tiên giao đất trở lại cho nông dân trồng lúa.

Về phía chúng tôi sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn những cơ chế, chính sách để góp phần biểu dương, nhân rộng cách làm của Long An và Tây Ninh. Bên cạnh đó triển khai nghiêm túc nghị định về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (có hiệu lực từ tháng 7).

Ông NGUYỄN TRÍ NGỌC(cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp