01/07/2018 19:43 GMT+7

Chấm dứt kỷ nguyên Messi - Ronaldo, chờ cú đẩy domino đầu tiên

HÀ QUANG MINH
HÀ QUANG MINH

TTO - Sau trận thắng Nigeria, Messi tuyên bố sẽ chỉ giã từ ĐTQG khi đã trở thành nhà vô địch World Cup. Tuyên ngôn ấy, được soi chiếu lại lần vùng vằng đi rồi ở của anh khoảng 2 năm trước, cho thấy một khát vọng đến cháy lòng của siêu sao Argentina:

Chấm dứt kỷ nguyên Messi - Ronaldo, chờ cú đẩy domino đầu tiên - Ảnh 1.

Không khó để dự đoán, World Cup 2018 là World Cup cuối cùng của cả Messi lần Ronaldo

Khát vọng ấy là dễ lý giải. Ai từng chơi bóng đều khát vọng được chơi chuyên nghiệp. Chơi chuyên nghiệp rồi, khát vọng được chơi cho CLB vĩ đại nhất, chơi cho ĐTQG, được ghi nhận là siêu sao và vô địch World Cup.

Cristiano Ronaldo không nói một câu nào tương tự nhưng khát vọng của anh cũng cháy bỏng không kém gì Messi.

Ở khoảng thời gian chục năm trở lại đây, thế giới bóng đá chưa có một ngôi sao nào có thể bước lên mâm của Ronaldo và Messi cả. Họ luôn là tâm điểm ở mọi mùa giải.

Dường như bóng đá đương đại được xây dựng lại để phục vụ cuộc cạnh tranh giữa họ. Ở cuộc cạnh tranh ấy, Ronaldo đã hơn Messi với một lần vô địch cùng BĐN, ở EURO.

Nhưng World Cup mới là thứ đáng để định giá nhất, và cúp vàng World Cup thì cả hai đều tay trắng như nhau.

Năm nay, Messi đã 31 tuổi và nếu anh còn giữ lời nguyền thề kia của mình, anh sẽ phải tự chạy đua với chính mình 4 năm nữa. 2022, nếu Argentina có vé ở VCK World Cup, nếu Messi còn là thủ lĩnh, anh cũng đã 35 tuổi rồi. Tuổi đó người ta có thể vô địch World Cup nếu chơi ở một vị trí ít phải dùng đến thể lực nhất, như Dino Zoff (40 tuổi, World Cup 1982).

Còn ở vị trí của một tiền đạo, khả năng là quá khó, trừ phi Argentina 2022 trình làng 1 thế hệ siêu việt mà vai trò của Messi khi ấy chỉ là phụ họa không hơn không kém.

Cristiano Ronaldo cũng tương tự, nếu không nói là còn thảm hơn. 4 năm nữa, anh 37 tuổi.

Và dù cho anh có là một vận động viên chuyên nghiệp bậc nhất thế giới hiện nay (Ronaldo rất khắt khe trong luyện tập, nếu bữa tối hôm trước anh uống thêm 1 chai bia, ngày hôm sau anh sẽ tập thêm 1 tiếng để đốt hết lượng calorie thừa từ chai bia ấy), anh cũng không thể nào vô địch một World Cup mà hứa hẹn sẽ khắc nghiệt hơn nhiều bởi khí hậu của Qatar.

World Cup 2018 này (có thể nói) là cơ hội cuối cùng của hai cầu thủ vàng ấy. Cuộc chơi với số phận không mang phần thắng về phía họ. Và họ cùng sụp đổ trong một ngày, chỉ cách nhau đúng 4 tiếng đồng hồ.

Cú sụp đổ  khiến khá nhiều người hâm mộ ngỡ ngàng nhận xét rằng "Vậy thì World Cup bây giờ còn lại ngôi sao nào để chứng kiến đây?".

Đúng, World Cup luôn cần những ngôi sao, nói hơn thế nữa là những siêu sao, để tạo cảm hứng.

Chúng ta hãy nhớ lại World Cup 2014 ở Brazil. Argentina vào chung kết, thất bại trước Đức, Messi không ghi nổi một bàn nào ở cả vòng knock-out. Vậy mà anh vẫn được lựa chọn là cầu thủ đoạt quả bóng vàng của giải.

Thực chất trên sân, anh không vượt trội hơn Muller, James Rodriguez và ngay cả Di Maria đồng hương với mình. Nhưng anh là siêu sao. Còn họ thì không. Và FIFA cần một câu chuyện đẹp, cho một mùa World Cup trọn vẹn.

Vậy thì một khi FIFA không giang tay cứu siêu sao của giải đấu khi họ hoàn toàn có thể (ví dụ như một quyết định sử dụng VAR đầy tranh cãi khi Griezmann va chạm với Messi khiến Messi ngã trong vòng cấm của Pháp chẳng hạn), điều đó có nghĩa rằng họ tin tưởng vào một dự đoán của chính mình: sẽ có những siêu sao mới bắt đầu từ 2018 này.

Và World Cup nước Nga sẽ là nơi ít nhất có những siêu sao tiềm năng thế chỗ cuộc chơi dài đằng đẵng của Messi và Ronaldo.

Messi gián tiếp góp phần vào 2 bàn thắng của Argentina trước Pháp; Messi có đường xẻ nách cực hay ở phút 37 trước Pháp nhưng điều đó không giấu được thực tế anh đã mất tích ở Kazan.

Ngôi sao sáng nhất tại Kazan Arena đêm đó phải là Mbappe với 2 bàn thắng và 1 pha bóng mang lại cú penalty cho Griezmann mở tỷ số.

Tốc độ thần sầu, càn lướt cực tốt, xử lý bóng điêu luyện trong không gian hẹp của vòng vây (bàn nâng tỷ số lên 3-2), Mbappe đã thực sự khẳng định mình đủ sức bước chân vào cuộc đua mệt mỏi hơn: đường đến với vị thế siêu sao.

Ronaldo còn thảm thương hơn Messi khi không có đường bóng ra hồn nào trước Uruguay. Khi Cavani được tờ L’Equipe chấm 8 điểm, đồng đội BĐN của anh là Silva được 7 điểm thì CR7 chỉ được 4 điểm.

Không còn thấy một Ronaldo dũng mãnh trên sân nữa và thực tế, từ đầu giải tới nay, chỉ duy nhất trận gặp TBN ở vòng bảng là anh còn chơi ở đẳng cấp CR7 mà thôi. Như Messi, anh đã trở thành một siêu sao mất tích.

Và nói về giá trị của siêu sao, chúng ta cần phải đặt một câu hỏi về CR7 và Messi. Họ có thể là siêu sao không ai phủ nhận nổi ở CLB nhưng ở World Cup thì chưa chắc. Cả Ronaldo lẫn Messi chưa từng 1 lần ghi nổi một bàn thắng ở vòng knock-out ở tất cả các kỳ World Cup họ đã tham dự.

Ronaldo đã đá 6 trận knock-out World Cup trong sự nghiệp của mình, tổng cộng 514 phút, khoảng thời gian gom lại của 6 trận. Anh dứt điểm 25 lần trong 6 trận ấy và không có nổi một bàn thắng nào.

Con số của Messi là 8 trận, 756 phút, 23 cú dứt điểm và bàn thắng cũng là zero. Họ chưa phải là siêu sao World Cup thực sự.

Tất nhiên, nói theo ngôn ngữ thời thượng, họ phải "gánh team" cả mùa, nên sức cùng lực kiệt ở mỗi mùa giải World Cup. Đó có thể là một lý do biện minh, nhưng cũng có thể là không.

Chấm dứt kỷ nguyên Messi - Ronaldo, chờ cú đẩy domino đầu tiên - Ảnh 2.

Không thắng World Cup, Messi không thể nào sánh được với Maradona dù anh có hàng chục chức vô địch cấp CLB và hàng loạt danh hiệu cá nhân khác

Với Messi, ở Barca anh từng có rất nhiều cầu thủ ngôi sao sát cánh để tạo ra một đội bóng vĩ đại. Vậy thì tại sao các cầu thủ Barca ấy, như Iniesta, Xavi, Puyol… đều đã vô địch World Cup còn anh thì không?

Thực tế, 2018 này, người ta nhận xét Messi khốn khổ vì chơi trong một tập thể không có người nào cùng đẳng cấp là hoàn toàn đúng. Nhưng Argentina của 2014, 2010 là rất mạnh và khi ấy Messi còn rất trẻ mà tại sao anh vẫn thất bại.

Nhận xét về Messi, trong cuốn "Những thiên thần với gương mặt bẩn thỉu", cuốn sách viết về bóng đá Argentina, Jonathan Wilson đã nói rằng "Ở Messi kết hợp 2 thứ: thứ bóng đá cá nhân chủ nghĩa của Argentina và thứ bóng đá vì tập thể của Barca".

Rất có thể, Messi không chỉ là nạn nhân, mà anh cũng là thủ phạm. Khi trở về Argentina, anh phát huy cái chất Argentina ấy mà quên đi mất rằng cấu thành tố chất siêu sao cho mình chính là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa "cá nhân và tập thể".

Còn Ronaldo, anh vô địch EURO với một đội bóng "khi không có anh". Có thể người ta sẽ xét về quá trình nhưng suy cho cùng, khó có thể thoát nổi một giả thuyết rằng nếu Ronaldo không chấn thương ra khỏi sân quá sớm, BĐN sẽ thua Les Bleus ở chung kết 2 năm trước.

Chấm dứt kỷ nguyên Messi - Ronaldo, chờ cú đẩy domino đầu tiên - Ảnh 3.

VCK World Cup 2022, Ronaldo đã 37 tuổi, thật khó cho một tiền đạo ở tuổi đó còn có thể cày ải được trong bóng đá hiện đại

Với Messi, anh có một trận đấu nhiều người nhắc tới trong sự nghiệp, gọi là trận đấu với cái mặt nạ. Khi ấy, anh mới 16 tuổi, đang đá đội trẻ Barca. Trận cầu đó là chung kết Cup với Espanyol và Messi lại mới dính chấn thương vỡ xương gò má.

Anh mượn chiếc mặt nạ của Puyol để ra sân, vì anh khát khao được góp mặt. Chiếc mặt nạ quá lớn so với gương mặt của anh nên anh đã khởi đầu rất tệ.

Nhưng sau đó, anh cởi nó ra, ném lên băng ghế dự bị, và không lâu sau anh ghi bàn. Barca thắng 3-0 trong trận cầu mà anh thừa nhận rằng chiếc mặt nạ quá khổ kia đã chắn hết tầm nhìn của mình.

Thứ chắn tầm nhìn của Messi và Ronaldo bây giờ không phải là chiếc mặt nạ nữa, mà nó là tuổi tác. Nhiều người chê bóng đá hiện đại chỉ có chạy và chạy, ai chạy nhanh thì thắng. Họ đã đúng 1 phần rất nhỏ, còn lại là khiên cưỡng và định kiến hoàn toàn. Nếu cần chạy nhanh, người ta đã ký hợp đồng với Usan Bolt chứ không phải ai khác.

Hãy nhìn Mbappe, Neymar, Griezmann, Kane, Hazard. Họ nhanh nhưng họ khéo léo. Ngày xưa, Ronaldo và Messi cũng từng như thế, cực nhanh và cực khéo.

Thậm chí, có lần nước rút để lui về hỗ trợ phòng ngự, Messi đã chạy với vận tốc gần 40km/h ở trận gặp Elche. Còn bây giờ, cả anh và Ronaldo ngày sẽ một chậm lại, chậm lại, và lạc dần với thời cuộc ngày một khắc nghiệt hơn.

Thời cuộc là dành cho người trẻ, cho tương lai. Thứ vừa nói ra còn có thể trở thành quá khứ thì chuyện một tượng đài nào đó phải phủ bụi mờ thời gian là lẽ thường tình, dù đắng cay lắm.

Và có yêu mến Messi, Ronaldo đến mấy, ta cũng không thể thoát khỏi sự thật: họ rồi sẽ hết thời, họ rồi sẽ nhường chỗ cho những siêu sao khác.

Bây giờ, cứ thưởng thức World Cup cho trọn vẹn, rồi định danh ai là người thế chỗ Messi, Ronaldo chưa muộn. Và nên nhớ, để chấm dứt kỷ nguyên Messi - Ronaldo, chúng ta không chỉ dựa vào đúng 2 trận vòng 1/8 vừa rồi.

Chúng ta cần phải đợi một động thái khác, như cú đẩy quân domino đầu tiên. Đó chính là việc Barcelona và Real Madrid sẽ săn ngôi sao mới nổi nào của World Cup này. Đơn giản, hai CLB ấy mới là bệ phóng thực sự để ngôi sao trở thành siêu sao.

Còn Messi và Ronaldo, di sản họ để lại không chỉ là một cuộc đua thú vị kéo dài, không phải là những thất bại vĩ đại bi tráng của họ ở World Cup, mà chính là cảm hứng họ đã mở ra cho những đứa trẻ hôm qua trở thành ngôi sao hôm nay, mà điển hình là Mbappe, đứa trẻ đã vô cùng mến mộ Ronaldo nhưng lúc nào cũng muốn mình có được một phần kỹ năng chơi bóng của Lionel Messi duy nhất.

HÀ QUANG MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp