13/07/2017 09:47 GMT+7

Chấm dứt 'kháng lệnh' cổ phần hóa

TRẦN QUỐC BẢO
TRẦN QUỐC BẢO

TTO - Tiến trình cổ phần hóa diễn ra chậm chạp thực sự trở thành một thách thức lớn cho quyết tâm cải cách của Chính phủ.

Từ một số vụ việc bị thanh tra, không ít địa phương, bộ ngành đã nảy sinh tâm lý thận trọng, e ngại và né tránh đưa ra quyết định cổ phần hóa rồi đẩy trách nhiệm lên cấp trên, kể cả Chính phủ.

Đây thực sự là một hành động khó chấp nhận. Nếu không vụ lợi, không có lợi ích nhóm thì không có gì phải có nỗi lo sợ vu vơ như thế được. Một khi đã loại trừ khả năng này, tiến trình cổ phần hóa diễn ra chậm chạp chỉ có thể có nguyên nhân duy nhất: kháng lệnh.

Cổ phần hóa đụng chạm đến hàng loạt vấn đề, liên quan đến định giá doanh nghiệp, đất đai và đấu giá cổ phần... Nếu tất cả đều diễn ra dưới ánh sáng và được thẩm định bởi thị trường thì không cớ gì các bộ ngành lại có những nỗi lo sợ mơ hồ như thế.

Do là kháng lệnh nên giải pháp khả dĩ trong trường hợp này là phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo của các bộ ngành và địa phương có liên quan. Đây cũng là ý kiến chỉ đạo mới nhất của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, điều mà lẽ ra phải được thực hiện từ rất lâu rồi.

Tuy nhiên, ngay cả khi việc kỷ luật các cán bộ làm chậm tiến trình cổ phần hóa, chưa hẳn công việc tiến triển khả quan hơn. Lý do là những người thực hiện sẽ dựa vào những quy định còn mù mờ, chưa rõ ràng trong các văn bản liên quan đến chủ trương cổ phần hóa để làm “bùa hộ mệnh” cho các hành vi kháng lệnh cổ phần hóa.

Vì vậy, điều cần thiết sắp tới đây là phải rà soát các văn bản hiện hành liên quan đến cổ phần hóa. Tinh thần chung là các chủ trương, nghị định, văn bản hướng dẫn về cổ phần hóa phải thật rõ ràng và đơn giản.

Cốt lõi nhất là xác lập những vấn đề mang tính nguyên tắc trong định giá doanh nghiệp và đấu giá cổ phần theo đúng nguyên tắc thị trường và minh bạch. Chỉ như thế thôi là đủ. Không có chuyện xin ý kiến cấp nào ở đây cả trong nguyên tắc xác định giá trị doanh nghiệp và đấu giá cổ phần.

Nguyên tắc chung của bất kỳ quá trình xác định giá trị doanh nghiệp, kể cả trên thế giới, là ngay tại thời điểm định giá. Nếu sau này giá trị doanh nghiệp hay giá cổ phần có lên hay xuống so với giá tại thời điểm định giá thì phải xem đó là chuyện bình thường. Vì giá lên hay xuống sau này là do những thông tin trong tương lai quyết định.

Đây là điều mà những người làm công việc định giá không thể nào lường hết được tại thời điểm hiện tại. Nếu các chuẩn mực này trở thành nguyên tắc trong các văn bản chỉ đạo cổ phần hóa thì mọi việc diễn ra sẽ rất đơn giản. Các bộ ngành hết đường can thiệp hành chính và cấp dưới hết lý lẽ để đùn đẩy trách nhiệm lên trên.

Với những nguyên tắc cơ bản được xác lập thuần mang tính kinh tế trong các văn bản chỉ đạo cổ phần hóa là không xin cho, không quy trách nhiệm hình sự, thì bất kỳ ai làm chậm tiến trình cổ phần hóa so với kế hoạch đều cần phải thay thế ngay.

Còn nếu các văn bản hướng dẫn cổ phần hóa vẫn còn nặng cơ chế hành chính, rối rắm, thòng qua đá lại, thì cũng nên công bằng: đó là xem xét trách nhiệm của chính các bộ ngành tham mưu. Với những giải pháp như thế, không có lý do gì cổ phần hóa lại không tiến triển đúng như kỳ vọng.

TRẦN QUỐC BẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp