Ông Đào Anh Kiệt - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM trả lời câu hỏi chất vấn của các đại biểu trong kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 18 sáng 30-7 - Ảnh: Quang Định |
Trả lời trong phiên chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 30-7, ông Kiệt cho biết việc di dời tất cả các đơn vị ô nhiễm vào các khu công nghiệp ở ngoại thành, HĐND TP có nghị quyết từ năm 2002, sẽ kết thúc công tác di dời năm 2005 với tổng cộng 1402 cơ sở.
Chương trình trước đây do Sở Công nghiệp (nay là Sở Công thương) chủ trì nhưng cù cưa kéo dài đến năm 2007 chưa xong nên sau đó chuyển sang Sở Tài nguyên môi trường. Thời điểm chuyển giao còn 141 cơ sở và đến này còn 6 cơ sở.
Ông Kiệt cho rằng những cơ sở còn lại là những đơn vị “xương xẩu”.
Mặc dù nhận một phần trách nhiệm về mình trong việc thiếu kiên quyết xử lý nhưng ông Kiệt cho rằng việc chậm trễ có rất nhiều nguyên nhân. Trong số các cơ sở di dời có 80% chấp hành tốt, 20% còn lại là ù lì.
“Mà đa phần các doanh nghiệp ù lì lại thuộc các doanh nghiệp nhà nước”, ông Kiệt khẳng định và dẫn chứng rằng trong 6 doanh nghiệp còn lại chỉ có 1 đơn vị là tư nhân, 5 đơn vị thuộc nhà nước.
Ngoài ra, việc di dời chậm còn có lý do là loại hình cơ sở không thể đi đến nơi nào được (chẳng hạn như doanh nghiệp sản xuất nước mắm) vì TP không quy hoạch khu công nghiệp cho ngành nghề sản xuất nước mắm.
Nói về hướng di dời 6 đơn vị còn lại, ông Kiệt cho biết UBND TP đã chỉ đạo đến giữa năm 2016 là phải dứt điểm di dời các cơ sở còn lại.
87.500 tấn rác lộ thiên tại bãi rác Phước Hiệp giải quyết sao?
Đại biểu Võ Văn Tân chất vấn đề cụ thể về tình hình ô nhiễm xung quanh Công ty cổ phần Vietstar và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa tại bãi rác Phước Hiệp (huyện Củ Chi).
Theo đại biểu Tân, hai đơn vị này còn tồn 87.500 tấn rác lộ thiên bên ngoài, khi mưa lớn nước thấm vào rác chảy ra các tuyến kênh gây ô nhiễm môi trường, không biết khi nào lượng rác này được đưa chôn lấp?
Ông Kiệt cho biết rác tại hai công ty trên là rác xấu, độ ẩm cao có tới 45-47%, không xử lý phân compost. Mới đây, UBND TP có tìm hiểu một số công nghệ đốt rác thay vì chôn nên Công ty Vietstar có xin Sở cho ủ rác lại để làm thí điểm cho công nghệ đốt rác sắp tới.
Tuy nhiên trong quá trình ủ có gây ô nhiễm, việc này đã xử lý và báo cáo Ủy ban. Hiện nay việc này đã được khắc phục.
Không bằng lòng với cách giải thích trên, đại biểu Tân tiếp tục cho rằng trả lời của giám đốc giám đốc Sở Tài nguyên môi trường còn chung chung quá.
“Anh Kiệt nói ô nhiễm khắc phục rồi, nước ô nhiễm tràn ra ngoài rồi thì khắc phục sao? Nói áp dụng công nghệ đốt thì khi nào triển khai, trong khi đang mùa mưa, nước rỉ rác còn có khả năng tràn ra môi trường nữa”, ông Tân đặt vấn đề.
Ông Kiệt diễn giải hiện nay Công ty cổ phần Vietstar có lò đốt rồi, do ô chứa số 24, 25 bị sụt lún nên xin cho di dời rác ra ngoài trời. Nếu lượng rác dồn quá nhiều thì sẽ đưa ra bãi rác, lượng rác này có kiểm soát.
Chậm di dời xi măng Hà Tiên vì còn phụ thuộc quy hoạch
Trả lời chất vấn đại biểu Cao Thanh Bình về lộ trình cụ thể di dời Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 1 ở quận Thủ Đức và quan điểm của giám đốc Sở về việc mở rộng nâng cấp trạm nghiền của Công ty xi măng này ở quận 9, ông Kiệt cho biết Xi măng Hà Tiên gây ô nhiễm đã rõ và bắt buộc phải di dời nhưng việc di dời vẫn phụ thuộc vào quy hoạch tại khu công nghiệp Phú Hữu (Q.9).
Hơn nữa vấn đề này liên quan đến nhiều sở nên xin nợ thời gian để trả lời bằng văn bản. Tiếp lời, đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc cho biết đang phối hợp cũng các đơn vị đánh giá tác động môi trường khi Công ty xi măng Hà Tiên dời về khu công nghiệp Phú Hữu.
Bà Tâm cho rằng việc đánh giá tác động môi trường là việc rất đáng hoan nghênh, đặc biệt người dân ở Phú Hữu hiện đã phản ánh ô nhiễm rồi. Việc đánh giá phải khách quan và tôn trọng ý kiến người dân, tránh như việc làm qua loa ở một số nơi mà đã được phản ánh.
Đại biểu Cao Thanh Bình không hài lòng nên tiếp tục nêu vấn đề việc này đã nói nhiều lần, UBND TP cũng đã có văn bản không cho mở rộng xây trạm nghiền xi măng Hà Tiên tại Phú Hữu, UBND Q.9 cũng đã quy hoạch địa phương theo mô hình du lịch sinh thái, chưa kể người dân ở đó đã phản ánh ô nhiễm rất nhiều giờ còn tính chuyện mở rộng gì nữa?
Đại biểu Võ Văn Tân đặt câu hỏi chất vấn giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM tại kỳ họp HĐND TP.HCM thứ 18 sáng 30-7 - Ảnh: Quang Định |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận