Ông Vũ Thế Bình - Ảnh: V.V.TUÂN
Sẽ tổ chức cho du khách chấm điểm trực tuyến hướng dẫn viên du lịch. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vũ Thế Bình, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ như trên.
Luật du lịch 2017 sắp có hiệu lực sẽ "siết" hoạt động hướng dân viên du lịch tự do đang trở thành vấn đề "nóng". Không ít du khách tố bị hướng dẫn viên dẫn đi mua sắm, bị "kê giá", ngược lại hướng dẫn viên tự do lại cho rằng không phải ai cũng thế, nên không cần quản chặt. Trước nhiều ý kiến khác nhau, ông Bình chia sẻ cả câu chuyện quá khứ và hướng giải pháp tương lai.
* Lý do để siết hướng dẫn viên tự do bị không ít hướng dẫn viên đánh giá là vì quyền lợi của doanh nghiệp, hiệp hội nhiều hơn, ông nghĩ thế nào?
- Năm 1999, khi soạn dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Du lịch, chúng tôi đã đề xuất hướng dẫn viên du lịch được hoạt động tự do vì mong muốn mở cửa mạnh mẽ. Năm 2005, khi làm Luật Du lịch cũng giữ nguyên hướng này. Nhưng chỉ vài năm, lượng hướng dẫn viên tự do tăng đột biến và hoạt động phức tạp, ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Việt Nam, thậm chí ảnh hưởng đến tăng trưởng khách.
Hiện nay, số hướng dẫn viên có hợp đồng lao động với các công ty lữ hành chỉ khoảng 1.000 người cùng 5.000 - 6.000 hướng dẫn viên là cộng tác viên. Còn lại, hàng chục nghìn hướng dẫn viên tự do không có cơ quan nào hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi.
* Nhưng cả ngàn hướng dẫn viên du lịch cho rằng buộc họ phải ký hợp đồng với hãng lữ hành hoặc vào hiệp hội là bất hợp lý, thưa ông?
- Đã từng xảy ra sự kiện hướng dẫn viên đình công, đưa ra tối hậu thư cho công ty lữ hành, nếu không đáp ứng thì toàn bộ hướng dẫn viên sẽ nghỉ tour.
Khi soạn Luật Du lịch 2017, các doanh nghiệp lữ hành kiến nghị siết chặt hoạt động của hướng dẫn viên tự do. Vì vậy quy định mới siết lại hoạt động của hướng dẫn viên tự do là xuất phát từ nhu cầu thực tế chứ không phải do ai áp đặt. Tuy nhiên nhiều hướng dẫn viên tự do không muốn bị quản lý, không dành thời gian cho học tập và sinh hoạt tập thể.
Sẽ cho chấm điểm trực tuyến hướng dẫn viên
* Điều luật buộc hướng dẫn viên gia nhập Hội Hướng dẫn viên du lịch mà chưa rõ quyền lợi hội viên? Hội sẽ làm gì để đảm bảo khách không bị "chặt chém"?
- Hội hướng dẫn viên du lịch Việt Nam (thuộc Hiệp hội Du lịch Việt Nam) thành lập nhằm tập hợp các hướng dẫn viên cả nước, từng bước nâng tầm hướng dẫn viên, xứng đáng với kỳ vọng của xã hội. Các hội viên sẽ được cấp thẻ hội viên, xác định hạng bậc của mình. Việc xây dựng hạng bậc đó sẽ giúp cho các doanh nghiệp lữ hành lựa chọn chính xác hướng dẫn viên cho các tour. Hiện nay, hiệp hội đang làm việc với phái đoàn Liên minh châu Âu để xin tài trợ kỹ thuật cho đề án này.
Để quản lý và hỗ trợ hoạt động, chúng tôi sẽ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin ở mức độ cao, cung cấp các thông tin về hướng dẫn viên, thông tin về các điểm du lịch, các dịch vụ du lịch, các tài liệu hướng dẫn nghề nghiệp. Đặc biệt, hệ thống sẽ thông báo tin tức về hoạt động của các hội viên, kể cả các vi phạm. Đây thực chất là sàn giao dịch giữa các hướng dẫn viên và các công ty lữ hành. Du khách có thể nhận xét về hướng dẫn viên, các công ty lữ hành qua hệ thống này.
Hướng dẫn viên tận tụy là nền tảng để phát triển du lịch bền vững - Ảnh: Q.ĐỊNH
Tiến sĩ Vũ An Dân (Trưởng khoa Du lịch, Viện đại học Mở Hà Nội):
Phải đắn đo trước khi làm bậy
Thẻ hành nghề hướng dẫn viên du lịch chủ yếu mang tính hành chính vì dù có thẻ nhưng vẫn thường xuyên xảy ra tình trạng "chặt chém", lợi dụng du khách... mà cơ quan chức năng không thể kiểm soát.
Nếu các hướng dẫn viên làm cho một công ty du lịch hoặc có hợp đồng, khi có sai phạm họ sẽ có ràng buộc trách nhiệm. Hiệp hội Hướng dẫn viên du lịch cũng có vai trò kiểm soát, nếu các hướng dẫn viên sai phạm có thể thu thẻ hội viên, khiến họ phải cân nhắc trước khi có ý định "chặt chém", lợi dụng du khách hoặc bỏ tour... Nếu hướng dẫn viên làm việc minh bạch, việc vào hiệp hội cũng không phải bất tiện quá lớn.
Những ràng buộc mới, nhắc nhở mỗi hướng dẫn viên trước khi có những hành vi sai trái, nếu không nghĩ đến đất nước thì cũng phải nghĩ đến quyền lợi của họ.
Nguyễn Nguyệt Ánh (một hướng dẫn viên nội địa):
Xác định rõ quyền lợi của hội viên
Hướng dẫn viên tự do chỉ là cách gọi, từ lâu nay Tổng cục Du lịch vẫn cấp thẻ và quản lý. Nếu hướng dẫn viên sai phạm vẫn bị tước thẻ hành nghề. Nên nói không có đơn vị nào quản lý hướng dẫn viên tự do là không đúng.
Nếu giờ đeo cả thẻ hội viên và thẻ hành nghề, cảm giác thẻ hành nghề không còn giá trị gì nữa. Có hiệp hội cũng tốt, nhưng hiện nay bộ máy không rõ ràng, họ tự bầu... Hơn nữa, quyền lợi của hướng dẫn viên khi tham gia hiệp hội chưa rõ ràng. Tiền phí hội viên hằng năm sẽ được dùng vào mục đích gì? Lâu nay những điều này chưa rõ, nên hàng nghìn hướng dẫn viên không đồng tình.
Để xảy ra tình trạng hướng dẫn viên cầm tiền tour rồi bỏ đoàn, "chặt chém" khách... là do công ty lữ hành chưa làm chặt. Họ có thể kiện hoặc gửi đơn lên Tổng cục Du lịch, nếu sai phạm có thể tước thẻ hành nghề...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận