07/06/2023 10:07 GMT+7

Chậm chương trình mục tiêu quốc gia, Phó thủ tướng nhận khuyết điểm và lo mất cán bộ

Nhận khuyết điểm về việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã phân tích các vướng mắc trong triển khai thực hiện để tập trung tháo gỡ.

Chậm chương trình mục tiêu quốc gia, Phó thủ tướng nhận khuyết điểm và lo mất cán bộ - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trần Lưu Quang tham gia trả lời chất vấn tại Quốc hội - Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 7-6, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực dân tộc, đặc biệt là việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia.

"Chia lửa" với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang trực tiếp giải đáp nhiều ý kiến của các đại biểu cho rằng việc triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. 

"Bà con đang chịu đựng khó khăn giữ từng tấc đất thiêng liêng, chúng tôi thấy trách nhiệm nặng nề"

Thẳng thắn “nhận khuyết điểm” trước Quốc hội và bà con đang sống ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vì các chương trình này thực hiện còn chậm, Phó thủ tướng dẫn ra số liệu đến ngày 31-5, vốn 2023 chỉ đạt 17% vốn đầu tư phát triển, trước đó năm 2022 chỉ đạt 58,49%, trong khi chỉ còn 2,5 năm nữa để triển khai các chương trình này.

“Nhiều khu vực, đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng chương trình này, đang sống ở vùng biên cương, phên giậu, đang chịu đựng nhiều khó khăn để giữ từng tấc đất thiêng liêng, nên chúng tôi nhận thấy trách nhiệm nặng nề trong từng ngày”, ông Quang bày tỏ.

Phân tích rõ hơn các vướng mắc, ông Quang chỉ ra những bất cập trong cơ chế, chính sách, chồng chéo, xung đột. Hệ thống văn bản rất nhiều, khi ba chương trình có tới 73 văn bản, tích hợp 118 chính sách, 10 dự án... chịu sự quản lý của 23 bộ ngành trung ương.

Khảo sát trực tiếp cũng ghi nhận 339 thắc mắc ở cơ sở vì "không biết làm thế nào cho đúng". Do đó, Phó thủ tướng cho hay Thủ tướng đã có công điện, bộ ngành trả lời giải quyết 261 thắc mắc (chiếm 70%). 

Các nội dung còn lại, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi nghị định 27 về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, ban hành trước ngày 15-6 để tháo gỡ.

Ông Quang cũng dẫn chứng số liệu cho thấy trong khi nguồn vốn trung ương chỉ giải ngân được 44,6% thì vốn đối ứng của địa phương lên tới 98,9%. Tức là thẩm quyền địa phương giải quyết nhanh, nhưng quy định “lằng nhằng” nên cần tháo gỡ ngay. 

Dự án còn manh mún, địa phương nhận 200 tỉ mà có tới 400 dự án

Trong khi đó không phải địa phương nào cũng quan tâm, dẫn chứng là hiện vẫn còn sáu địa phương nợ hướng dẫn thẩm quyền địa phương theo phân cấp.

Qua khảo sát thực tế, ông Quang đánh giá các dự án triển khai ở nhiều nơi còn manh mún, dàn trải: “Cán bộ địa phương thấy chỗ nào cũng khó, nên có tâm lý hoa thơm mỗi người hưởng một ít. Cũng có một số quy định bắt buộc gây ra sự dàn trải này”.

Dẫn chứng từ thực tế khảo sát ở một tỉnh tại Tây Nguyên, nguồn vốn từ chương trình này là 200 tỉ đồng, nhưng có tới 400 dự án. Có dự án 500 triệu đồng, xây dựng đoạn đường “ngắn ngủn” nên khó kết nối, phát huy giá trị. Hệ lụy nữa, thay vì 30 bộ hồ sơ là 400 bộ, làm hồ sơ mất vài ba tháng, kéo dài tới cả năm nên rất chậm.

Nêu thêm vướng mắc, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận trình độ cán bộ trực tiếp triển khai, đặc biệt là ở vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa, còn hạn chế, thêm thủ tục phức tạp nên có nguy cơ dẫn tới sai sót.

“Cũng phải nói thật lòng rằng với trình độ anh em như vậy thì khả năng rủi ro lớn, khả năng chúng ta mất cán bộ vì chính sự dàn trải này”, ông Quang bày tỏ.

Thông tin thêm về việc sửa nghị định 27, ông cho hay sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc như tạo thuận lợi cho địa phương thực hiện lồng ghép nguồn vốn; bổ sung nguồn vốn đối ứng 10% trường hợp dự án kéo dài; quy định về làm hồ sơ, thủ tục hỗ trợ hộ gia đình; quy định chi tiết thủ tục hỗ trợ, đảm bảo cơ chế triển khai dự án... 

Chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ĐBSCLChương trình mục tiêu quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số ĐBSCL

TTO - Ngày 5-4, tại Sóc Trăng, Ủy ban Dân tộc, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội và tỉnh Sóc Trăng phối hợp tổ chức hội thảo "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025".

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp