Theo lộ trình, năm 2023 người dân được tùy chọn công ty bán lẻ điện theo thị trường bán lẻ điện cạnh tranh. Nhưng hiện tất cả vẫn phải mua qua các tổng công ty phân phối của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) như cũ. Lộ trình mà Thủ tướng duyệt cách đây cả 10 năm bị chậm thực hiện.
Việc chậm trễ này đang khiến cho ngành điện tiếp tục duy trì thế độc quyền, người dân chưa thể được mua điện trực tiếp và giảm tính cạnh tranh của thị trường điện.
EVN vẫn một mình một chợ
Theo lộ trình, 2012 Việt Nam bắt đầu có thị trường phát điện cạnh tranh (các đơn vị phát điện cạnh tranh chào giá trên thị trường), 2019 có thị trường bán buôn điện cạnh tranh (các đơn vị mua điện lớn có thể được mua điện trực tiếp từ đơn vị phát điện) và 2023 có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (người dân được chọn mua của đơn vị bán lẻ điện tùy vào mức giá cạnh tranh trên thị trường).
Thêm nữa là yêu cầu tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) ra khỏi EVN mà Thủ tướng giao là một tiến trình cần thiết để tạo ra sự minh bạch trong vận hành hệ thống cũng như thị trường điện.
Tuy nhiên đến nay A0 vẫn đang là đơn vị trực thuộc EVN. Chỉ đến khi có chỉ đạo gần nhất của Thủ tướng, các bộ ngành liên quan mới đang xây dựng các cơ chế để bàn giao A0 về Bộ Công Thương. Song, suốt gần nửa năm xây dựng cơ chế, hiện phương án đưa A0 về Bộ Công Thương vẫn chưa được duyệt.
Theo ông Trần Anh Thái - nguyên giám đốc A0, hoạt động của A0 hiện nay đang bộc lộ rõ sự phụ thuộc vào nhiều yếu tố nằm ngoài khả năng kiểm soát của trung tâm này để đảm bảo nhiệm vụ vận hành an toàn, tin cậy và kinh tế của hệ thống điện Việt Nam.
"Việc tách A0 độc lập với EVN sẽ giúp cho người dân và các doanh nghiệp đánh giá công tác điều hành hệ thống điện, thị trường điện của A0 được minh bạch hơn, không chịu tác động của EVN như là một bên tham gia có đặc quyền để thao túng thị trường. Như vậy, EVN sẽ bớt đi độc quyền trong con mắt của các doanh nghiệp tham gia thị trường điện và người sử dụng điện", ông Thái nói.
Việc tách A0 ra khỏi EVN để thành lập công ty TNHH một thành viên đã được đưa ra từ nhiều năm trước để thực hiện đề án tái cơ cấu EVN và ngành điện. Tuy nhiên, trong nhiều năm A0 vẫn trực thuộc EVN nên việc triển khai thị trường điện cạnh tranh cũng đã không theo kịp tiến độ được đưa ra tại quyết định 26/2006 và quyết định 63/2013 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Chưa kể các quy định hoạt động thị trường điện Việt Nam hiện cũng chưa đầy đủ cho sự phát triển của một thị trường bán buôn và bán lẻ thực sự. Theo ông Thái, thị trường bán buôn điện Việt Nam mới được EVN triển khai giữa các tổng công ty phân phối và một số nhà máy điện trong nội bộ.
Tuy nhiên việc mua bán điện trực tiếp của các tổng công ty điện lực từ các nhà máy là dựa trên giá hạch toán nội bộ và phân bổ chi phí, chứ chưa phải được chào mua/bán trên thị trường điện. Vì vậy chưa đáp ứng được yêu cầu minh bạch trong hoạt động thị trường điện với xã hội.
Đặc biệt dù đã chuyển sang giai đoạn vận hành thị trường bán buôn cạnh tranh (VWEM) từ 2019, sau khi chính thức vận hành thị trường phát điện cạnh tranh vào năm 2012, song hiện vẫn chưa thể tiến tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Đề nghị sửa luật, đơn vị bán lẻ điện được quyết giá
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), sau 11 năm thị trường điện cạnh tranh vận hành, đã mang lại một số kết quả tích cực. Đó là việc huy động các nhà máy điện tham gia thị trường được đảm bảo công khai, minh bạch, các đơn vị phát điện thuộc nhiều hình thức sở hữu khác nhau tham gia chào giá cạnh tranh cũng như không phân biệt đối xử, góp phần tối ưu hóa chi phí.
Các đơn vị phát điện cũng chủ động tối ưu kế hoạch sửa chữa, chủ động xây dựng chiến lược chào giá nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, từng bước giảm dần vị thế độc quyền của EVN trong khâu mua buôn điện từ các nhà máy điện.
Tuy nhiên Cục Điều tiết điện lực công nhận thị trường bán buôn điện cạnh tranh hiện đang vận hành ở mức đơn giản do cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện vẫn đang... nâng cấp. Việc tái cơ cấu ngành điện còn chậm, dẫn tới việc tách A0 ra khỏi EVN, cổ phần hóa các tổng công ty phát điện trực thuộc EVN còn chậm.
Ngành điện cũng đối mặt với khó khăn khi tỉ trọng nguồn năng lượng tái tạo tăng cao, giá bán lẻ điện chưa theo kịp biến động đầu vào.
Đặc biệt theo đại diện của A0, trong các năm gần đây tỉ trọng nguồn điện trực tiếp tham gia thị trường điện đang ngày càng có xu hướng giảm, do phần lớn nguồn điện mới được đưa vào vận hành là các loại hình BOT và năng lượng tái tạo. Điều này ảnh hưởng lớn đến mức độ cạnh tranh và hiệu quả vận hành thị trường điện.
Theo Bộ Công Thương, để tiếp tục hoàn thiện thị trường điện, sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu ngành điện, sớm hoàn thành việc chuyển giao A0 về bộ; đẩy nhanh việc cổ phần hóa các đơn vị phát điện, tách bạch chi phí khâu phân phối với khâu bán lẻ của các tổng công ty điện lực.
Bộ này cũng cho hay sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ vận hành thị trường điện.
Đặc biệt bộ cho biết sẽ kiến nghị sửa đổi Luật Điện lực và các văn bản có liên quan để hoàn thiện cơ chế cho vận hành thị trường bán lẻ điện, có cơ chế giá bán lẻ điện theo vùng miền, cơ chế cho phép từng đơn vị bán lẻ điện được quyền quyết định giá bán lẻ.
Theo bộ này, đây là cơ chế quan trọng nhất để đảm bảo thị trường bán lẻ điện cạnh tranh có thể triển khai hoạt động, cũng là yếu tố quan trọng để hình thành các đơn vị bán lẻ điện mới tạo sự cạnh tranh cho thị trường bán lẻ điện.
60% công suất chưa tham gia thị trường điện
Theo TS Trần Thanh Liễn - Viện Năng lượng và Môi trường, dù thời gian vận hành thị trường điện đã được hơn 10 năm, nhưng thị trường bán buôn điện vẫn chưa hoàn chỉnh và thị trường bán lẻ điện thì chưa được thí điểm. Lộ trình thực hiện thị trường điện bị chậm so với yêu cầu của Thủ tướng do phát sinh không ít các tồn tại, hạn chế.
Đến nay hệ thống điện Việt Nam đạt gần 80.000MW với 109 nhà máy điện tham gia trực tiếp vào thị trường điện với tổng công suất khoảng 31.000MW. Tức là vẫn có tới hơn 60% tổng công suất hệ thống điện chưa tham gia thị trường điện, đã làm giảm tính cạnh tranh phát điện.
Chưa kể thị trường điện Việt Nam hiện chỉ có một người mua duy nhất là EVN, trong khi tập đoàn này phải ký các hợp đồng mua bán điện PPA dài hạn, không thông qua đấu thầu cạnh tranh, nên sẽ làm ảnh hưởng đến tính bền vững của ngành điện.
Vì vậy dù thị trường đã chuyển sang cấp độ bán buôn cạnh tranh, nhưng EVN vẫn "một mình một chợ" tức là chỉ có năm tổng công ty phân phối điện đều là các thành viên trực thuộc EVN tham gia với vai trò là người mua mà chưa có các thành phần ngoài EVN.
Ngay cả với cơ chế thí điểm mua bán điện trực tiếp (DPPA) vốn được đánh giá là cơ chế tiền đề, tạo hiệu quả cho thị trường bán buôn điện cạnh tranh, hỗ trợ doanh nghiệp năng lượng tái tạo bán điện trực tiếp cho khách hàng lớn, để tiến tới thị trường bán lẻ, vẫn chưa thể hoàn thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận