Phóng to |
Ông Phạm Phúc - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Phòng ngừa trộm, cướp rất quan trọng. Biện pháp truyền thống là cắt cử người trông coi tài sản, nhất là đối với tiệm vàng, buôn bán máy tính, điện thoại... phải luôn có nhiều người, có lực lượng bảo vệ. Nhiều nhà dân hiện nay rất chủ quan vì quá tin tưởng vào ổ khóa tốt mà quên đi việc phải đồng bộ chắc chắn cả cửa nhà. Có nhà lại quá chú ý đến cửa trước mà quên cửa phía sau, cửa sổ, bên hông cũng cần phải chắc chắn. Nhà nên có đèn chiếu sáng ở cả trước và sau, tránh tạo thời cơ cho các đối tượng đột nhập.
Hiện nay có thêm biện pháp phòng chống trộm, cướp bằng việc lắp đặt camera, chuông báo động cảnh báo đột nhập bằng âm thanh, ánh sáng. Tuy nhiên, do nhiều đơn vị thiết kế, lắp đặt không có chuyên môn nên lắp ráp không đúng kỹ thuật dẫn đến việc kẻ trộm vô hiệu hóa một cách dễ dàng. Có vụ đối tượng trộm chỉ cần lấy kẹo cao su bịt “mắt” hoặc lấy áo trùm lên camera là máy vô dụng ngay.
Khi đối tượng trộm, cướp đã đột nhập vào nhà thì cực kỳ nguy hiểm. Đặc biệt là cướp, bởi chúng sẽ quyết liệt, hung hãn nhằm đè bẹp sự kháng cự của chủ nhà để lấy tài sản. Lúc này tính mạng người trong nhà ở thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vì thế, người dân phải xử lý khôn khéo, thông minh để thoát khỏi sự nguy hiểm trước.
Cần mềm dẻo tìm cách kéo dài thời gian, thương lượng, đáp ứng nhu cầu của chúng để “hạ nhiệt” khi chúng đang hưng phấn, chỉ chỗ cho chúng lấy tài sản... Trong thời gian đó thấy chúng sơ hở thì hãy chạy thoát ra ngoài hoặc sang phòng khác có khóa chốt trong thật chắc chắn và điện thoại kêu cứu. Việc truy đuổi, chống trả lại tội phạm cần phải xét tương quan với chúng, nếu thấy chắc chắn có thể thắng mới khống chế, hành động. Trong mọi trường hợp, quan trọng nhất là người dân phải đảm bảo tính mạng của mình và người thân. Bên cạnh đó cố gắng nhớ đặc điểm nhân dạng, dáng đi, giọng nói... của đối tượng để giúp cơ quan công an nhanh chóng điều tra phá án.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận