Ông Lương Văn Mừng chuẩn bị lên rẫy - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Ngày 7-6, chúng tôi tìm đến nhà ông Lương Văn Mừng - người cha trong câu chuyện kể trên - ở xã Ea Wy, huyện Ea H’Leo.
“Chính tôi báo công an bắt con”
Tiếp chúng tôi là người đàn ông trung niên, vóc dáng khỏe mạnh nhưng đôi mắt sâu u buồn. Nhắc đến tên con trai, giọng ông Mừng trầm hẳn. Con ông, Lương Văn Linh (23 tuổi), đã ba lần vào tù.
"Người ta viết đơn kêu oan cho con mà không được, còn tôi viết đơn cho con mình vào tù. Nhưng thử hỏi ai muốn con mình xấu, ai chẳng muốn con trở thành công dân có ích cho xã hội?" |
Ông Lương Văn Mừng |
“Lần đầu nó đi tù là vì bán heroin, bị xử 18 tháng tù giam. Mãn hạn tù chưa đầy ba tháng thì chính tôi báo công an bắt lại” - người cha chua xót kể. Ông Mừng bảo hiện con ông vẫn đang ở tù, đến năm 2017 mới mãn hạn về tội trộm cắp mà Linh đã thực hiện năm 2014.
Nhắc đến chuyện "xin cho con đi tù", ông Mừng ngậm ngùi kể một buổi chiều năm 2011, Linh lái xe máy cày đi cầm lấy 15 triệu đồng rồi nướng hết vào cờ bạc, ma túy.
“Hôm đó nó mặc quần áo bảo hộ lao động trông đàng hoàng lắm. Nó nói với bố mẹ là lấy xe chở cát kiếm tiền. Ai dè nó đi cầm 15 triệu đồng, lừa bố mẹ chuộc 20 triệu đồng. Quá đau lòng, tôi mới bàn với vợ viết đơn tố cáo lên công an xã”.
Ông Lương Văn Mừng chuẩn bị lên rẫy - Ảnh: TIẾN THÀNH |
Ông La Văn Hải - nguyên trưởng Công an xã Ea Wy - kể ông vẫn nhớ cảm giác kinh ngạc khi ông Mừng nộp đơn tố cáo con trai.
Khi nhận được đơn, ông Hải mời vợ chồng ông Mừng lên để giải quyết theo tình cảm gia đình. Nhưng ông Mừng nói do con ông đã tái phạm nhiều lần, khi thì bán cà phê, điện thoại, rồi hồ tiêu nên yêu cầu chính quyền đưa Linh đi cải tạo.
"Cũng lạ, trong đơn xin cho con đi tù không hề có chữ “tù” mà chỉ là “đưa đi cải tạo” để mong Linh làm lại cuộc đời. Tôi nghĩ đó cũng là sự nhân văn của người cha” - ông Hải nói.
Nhờ pháp luật giáo dục
Sau khi ông Mừng viết đơn tố cáo và "xin cho con đi tù", Linh bị công an bắt, sau đó tòa xử 6 tháng tù giam. “Mấy anh công an xã có hỏi chuyện, tôi nói con không nghe lời, bố mẹ không giáo dục được thì nhờ pháp luật giáo dục” - ông Mừng kể.
Nói thế nhưng ông Mừng ngập ngừng, ngày tòa xử lưu động con trai, vợ chồng ông đã khóc. “Khóc không phải vì sự dị nghị của bà con lối xóm. Vợ chồng tôi khóc vì xót con, càng lớn nó càng khó bảo” - ông Mừng kể thêm.
Gia đình ông Mừng là dân tộc Nùng, quê ở tỉnh Cao Bằng. Năm 1998, cả gia đình vào Tây nguyên rồi chọn xã Ea Wy lập nghiệp. Nhờ chăm chỉ làm lụng, gia đình ông có của ăn của để, sắm được xe công nông, xe máy để đi rẫy. Ông Mừng có ba người con, Linh là con trai thứ hai.
“Hồi nhỏ, thằng Linh ngoan lắm - người cha hồi tưởng - 6 tuổi đã biết phụ bố mẹ nấu rượu, cơm nước. Đâu ngờ đến 15 tuổi nó bỏ học, chơi bời rồi dính vào ma túy”.
Có khi cả tháng trời cả gia đình ông phải bỏ việc để chia người đi tìm con trai. Nhưng tìm về rồi đến nửa đêm, Linh lại bỏ nhà đi theo "tiếng gọi" của ma túy.
Gia đình ông Mừng cũng đã nhiều lần thăm con ở trại giam Gia Trung (thị xã An Khê, Gia Lai).
“Có bữa tôi vào thăm, nó bảo con biết lỗi rồi, sẽ xin làm lại từ đầu nhưng thật sự trong thâm tâm tôi vẫn chưa tin. Chừng nào nó thực hiện được mới hay. Đời tôi không mong muốn gì hơn là con mình tu chí làm ăn, giúp đỡ bố mẹ…” - giọng ông Mừng trầm hẳn, ánh mắt xa xăm…
Điểm nóng về ma túy Ông Trần Hữu Thu - trưởng an Công xã Ea Wy - cho biết những năm gần đây tình trạng ma túy đã được hạn chế nhiều nhưng Ea Wy vẫn là một trong những điểm nóng về ma túy. “Hiện trên địa bàn xã có 33 đối tượng nghiện do gia đình và người thân công nhận. Chúng tôi đã và đang làm hồ sơ cho các đối tượng nhưng vẫn gặp không ít khó khăn. Nhiều lần triệu tập nhưng chỉ được 14 người tới dự” - ông Thu cho biết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận