03/01/2013 07:14 GMT+7

Cha uống rượu, bia - con chịu khổ

ThS.BS Đỗ Quốc Huy
ThS.BS Đỗ Quốc Huy

TT - Trước tình trạng người dân tiêu thụ nhiều rượu, bia như hiện nay, các bác sĩ dự báo sẽ có nhiều người mắc bệnh do lạm dụng rượu, bia. Không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người uống, lạm dụng rượu bia còn có thể ảnh hưởng thế hệ sau.

Ho9HtTzw.jpgPhóng to
Một người say sau khi uống rượu phải được dìu đi - Ảnh: CHÂU ANH

Bác sĩ Võ Đôn, trưởng khoa nội thần kinh tổng quát Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, cho biết hiện mỗi tháng khoa này tiếp nhận 2-3 bệnh nhân bị ảnh hưởng thần kinh do thường xuyên uống rượu, bia.

Nhiều tác hại nguy hiểm

Xử trí khi bị ngộ độc rượu

Khi có người nhà say rượu phải coi như họ bị ngộ độc rượu cấp tính và xử trí như sau: trước hết phải ghi nhận ngay các yếu tố như loại rượu mà người nhà bạn đã sử dụng (nồng độ cồn, có nghi là rượu giả chứa độc chất lạ hay không), có hay không các dấu vết tổn thương. Sau đó giúp họ nghỉ ngơi, tránh chỗ nhiều gió. Cứ để bệnh nhân ói mửa để tống chất độc ra khỏi cơ thể, rồi cho uống một lượng nước vừa đủ (ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào) nhằm pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Có thể pha thêm đường, chanh, đậu xanh vào nước để tránh cho họ bị hạ đường huyết và tăng cường giải độc.

Cần đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất nếu người nhà bạn có những biểu hiện như hôn mê sâu, đã uống lượng đáng kể rượu nghi ngờ có chứa độc chất lạ, có dấu vết tổn thương trên cơ thể hoặc có biểu hiện bất thường...

TS.BS Đỗ Quốc Huy - phó chủ tịch thường trực Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về ngộ độc rượu - cho biết ngộ độc rượu đã trở nên phổ biến theo ghi nhận của khoa cấp cứu ở các bệnh viện.

Có hai nhóm nguyên nhân gây ra ngộ độc rượu. Thứ nhất là uống một lượng quá nhiều các dạng thức uống có cồn thực phẩm (ethanol) như bia, rượu vang, rượu đế... hoặc các loại rượu mạnh nhập khẩu khác. Thứ hai là ngộ độc do uống phải rượu chứa nhiều tạp chất (như furfural, aldehyde, ester...) hoặc rượu chứa hóa chất độc hại còn gọi là rượu giả (do chứa cồn công nghiệp: methanol, ethylene glycol và isopropanol...).

Chịu tác động nhiều nhất của rượu là hệ thần kinh trung ương (mới uống rượu thì gây ngộ độc cấp với biểu hiện chủ yếu là rối loạn ý thức nhiều mức độ, uống rượu lâu dài sẽ bị nghiện rượu là bệnh được xếp vào nhóm “bệnh tâm thần” ngang hàng với nghiện ma túy), kế đến là gan (dễ bị viêm gan do rượu, xơ gan), rồi đến dạ dày, tá tràng (bị viêm loét dạ dày, tá tràng, xuất huyết tiêu hóa), viêm tụy cấp, suy tim cấp...

Những người bị ngộ độc rượu giả thường có những biểu hiện như nhìn mờ hoặc rối loạn thị giác, đau mạn sườn, tiểu máu. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ có những biểu hiện nguy hiểm như: hôn mê vật vã do co giật, thở nhanh, phù phổi, trụy tim mạch... và có thể dẫn đến tử vong.

Nguy cơ bệnh thần kinh ở trẻ

Theo bác sĩ Võ Đôn, những người uống rượu nhiều lâu dài dẫn tới sự ăn uống kém, thiếu hụt dinh dưỡng cho cơ thể như vitamin B1 hay những vitamin khác ảnh hưởng đến thần kinh, gây ra hội chứng Wernicke - Korsakoff, thoái hóa tiểu não, bệnh đa dây thần kinh ngoại biên do rượu, bệnh cơ do rượu.

Hội chứng Wernicke- Korsakoff thường khởi phát bằng sự lú lẫn, mê sảng, mất phương hướng hay ngủ gà, hoa mắt, nhìn một hóa hai, đi lại khó do mất sự thăng bằng. Bệnh nhân mắc bệnh thoái hóa tiểu não đi loạng choạng, khó kiểm soát bước đi, mất suy nghĩ, tay run khi cử động và định hướng không chính xác, phối hợp động tác khó khăn. Còn bệnh đa dây thần kinh ngoại biên do rượu có thể làm yếu cơ và teo cơ, đặc biệt là ở cơ cẳng bàn tay, cẳng bàn chân, đi lại khó khăn kèm với run.

Bên cạnh đó còn gặp rối loạn về triệu chứng cảm giác như có cảm giác kiến bò, nóng rát, châm chích ở bàn tay bàn chân, trong trường hợp nặng mất cảm giác ở bàn tay, bàn chân (cầm đồ rơi, mang dép rớt, bỏng bô xe máy không biết...). Bệnh cơ do rượu biểu hiện đau cơ, teo cơ (teo bắp thịt), teo cơ vùng đùi - mông, teo cơ vùng vai, yếu cơ khi đi lại, đặc biệt khi lên dốc, lên xuống cầu thang, đứng lên và ngồi xuống rất khó khăn... Trong trường hợp nặng có thể tiểu ra máu. Điều trị cho những người sử dụng rượu đã bị ảnh hưởng liên quan đến bệnh thần kinh - cơ rất phức tạp. Sự ngăn ngừa tốt nhất là kiêng rượu.

Ảnh hưởng của rượu lên thai nhi thường xuất hiện ở những trẻ do người mẹ sử dụng rượu trước khi sinh làm thai nhi chậm tăng trưởng. Những đứa trẻ này khi ra đời thường có môi trên mỏng, mũi tẹt ngắn, kích thước đầu nhỏ, ngắn và bị ảnh hưởng đến tiếng nói, học tập, vận động.

Thầy thuốc ưu tú Tô Vĩnh Ninh, trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP.HCM, nhấn mạnh tình trạng uống nhiều rượu bia như hiện nay sẽ ảnh hưởng tới thế hệ mai sau. Những người uống rượu, bia nhiều sẽ có chất lượng tinh trùng không tốt, khi kết hợp với trứng để thụ thai cũng sẽ làm trẻ bị yếu đi, có thể khi trẻ sinh ra sẽ có một số rối loạn về tâm thần, trẻ có trí nhớ kém, kém tập trung...

60% nam thanh niên, vị thành niên từng say rượu bia

Lượng rượu bia tiêu thụ đã tăng 2-3 lần, từ bình quân 1,6 lít rượu và 10,4 lít bia lên 4,1 lít rượu và 22 lít bia trong 10 năm qua. Tỉ lệ có sử dụng rượu bia ở vị thành niên và thanh niên tăng nhanh sau năm năm, hiện ở mức 79,9% với nam và 36,5% đối với nữ... Đáng chú ý, trên 60% nam và 22% nữ vị thành niên, thanh niên từng say rượu bia. Báo cáo của Bộ Y tế chuẩn bị trình Thủ tướng ban hành chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia cho biết như vậy.

Theo báo cáo này, tại VN 60% vụ bạo lực gia đình, 6% vụ tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia, 15% số giường bệnh tại bệnh viện tâm thần dành cho bệnh nhân loạn thần do sử dụng nhiều rượu bia. Báo cáo cũng cho biết phí tổn do rượu bia gây ra chiếm 2-8% GDP, ước tính khoảng 16.000 tỉ đồng/năm và gấp rưỡi nguồn thu cho ngân sách do sản xuất rượu bia mang lại.

ThS.BS Đỗ Quốc Huy
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp