Dòng chữ viết trên tường ở Nouméa “Đặng, cút khỏi đây ngay!” đòi đuổi ông Đặng và gia đình khỏi Tân Đảo - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại
Năm 1984 xảy ra biến cố lớn với việc kinh doanh của gia đình ông Đặng. Từ những tranh chấp chính trị liên quan chiến dịch đòi quyền độc lập cho Tân Đảo, đã xảy ra những cuộc nổi loạn, đụng độ giữa hai bên và sau đó là đốt phá cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Đặng.
Từ một bài báo vô trách nhiệm
Đó là một biến cố mà bà Nguyệt không thể nào quên. Việc xử trí nó đã cho thấy lòng can trường của gia đình họ Đặng. Có thể nói sự dũng cảm, làm việc quên mình của ông André Đặng đã được truyền đến các con của mình.
"Đó là những ngày đêm đầy căng thẳng cực độ. Cha mẹ tôi đang ở nước ngoài, không thể về kịp. Là chị cả trong nhà tôi liên lạc với cha qua điện thoại và phải xử trí trực tiếp các việc liên quan đến việc tấn công vào cơ sở kinh doanh của gia đình mình", giờ đây, ở Mũi Né yên bình của Việt Nam, bà Nguyệt vẫn không thể nào quên những ngày tháng khói lửa ở Tân Đảo.
Khi đó người phụ nữ 30 tuổi ở nhà cùng hai em trai quán xuyến việc kinh doanh của gia đình khi cha đưa mẹ lần đầu đi nước ngoài sau nhiều năm dành hết thời gian cho việc phát triển kinh doanh và nuôi dạy con cái.
Có những tối tôi phải ngủ với khẩu súng ngắn để ngay đầu giường. Ban ngày thì không biết bao cuộc điện thoại gọi vào đường dây của nhà chửi rủa, hăm dọa buộc gia đình chúng tôi phải rời Tân Đảo..."
Bà Nguyệt (Raymonde Dang) nhớ lại
Bà Nguyệt, con gái tỉ phú Đặng, tại resort của gia đình ở Mũi Né vào tháng 2-2022 - Ảnh SOPHIE NGUYỄN
Mẹ bà Nguyệt khi đó ở Nhật cùng chồng dự một triển lãm của ngành xe hơi theo lời mời của Hãng Toyota lo lắng không ngớt cho tính mạng các con. Bà đã khóc nhiều lần và nói chồng tìm cách đưa con ra nước ngoài để đảm bảo an toàn tính mạng.
Nhưng người con gái lớn quyết định ở lại Tân Đảo để bảo vệ gia sản. "Chúng tôi là người kinh doanh. Chúng tôi phải vượt qua thử thách. Nhẫn nhịn là giải pháp đầu tiên. Chúng tôi tìm cách xin lỗi qua báo chí", bà Nguyệt nhớ lại.
Sự vụ khởi nguồn từ một bài báo vô trách nhiệm của Jean-Yves Boulic - nhà báo từ Pháp của tuần báo Le Point - đến đưa tin về tình hình chính trị đầy căng thẳng lúc đó ở Tân Đảo. Ông này chỉ nghe ngóng những thông tin trà dư tửu hậu từ những nguồn tin được giới thiệu trước đó (một cách có chủ ý) mà không kiểm chứng rồi viết lên bài báo nói rằng "doanh nhân Đặng đã tài trợ cho đảng đòi độc lập của người bản địa" với tấm ngân phiếu bằng chứng lên đến 4 triệu CFP (franc Thái Bình Dương).
Sau này, nhà báo Boulic cùng tuần báo Le Point đã thua kiện nhà ông Đặng trước tòa án của Pháp và phải bồi thường danh dự cho ông André Đặng 500.000 CFP.
Bài báo của Boulic trên tuần báo Le Point đăng ngày 3-12-1984 thực sự là một mồi lửa cho quả bom căng thẳng chính trị vốn đã âm ỉ nhiều năm trời tại Tân Đảo từ khi có phong trào đòi độc lập của người bản địa. Đau đớn là bài báo đó lại khơi mào sự hằn thù của người Caldoche (tức những cư dân Tân Đảo gốc Pháp hoặc thân Pháp) đối với ông Đặng mà họ gọi là "tên phản bội da vàng, bạn của người Kanak".
Trang báo Les Nouvelles Calédoniennes (Tin tức Tân Đảo) xuất bản ngày 14-1-1985 nói về vụ đập phá cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Đặng - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại
Đêm đỏ lửa
Đến bây giờ, khi mọi việc đã yên và ông Đặng đã trở thành một người được xem như anh hùng trong mắt người bản địa Kanak, bà Nguyệt vẫn đoan chắc: "Cha tôi là một nhà kinh doanh thuần túy. Ông không tham gia chính trị. Chắc chắn ông không bao giờ cho ai số tiền lớn như thế. Bài báo là chuyện hoàn toàn bịa đặt nhằm thực hiện mưu đồ đen tối".
Nhưng vào thời điểm đó, nó là mồi lửa bén, rất bén. Khi tờ tuần báo đến được Tân Đảo vào ngày 5-12 thì nó nhanh chóng trở thành cái cớ để những người căm ghét xem ông Đặng và gia đình ông như bung xung trút giận.
Cũng phải hiểu thêm rằng việc kinh doanh thành đạt của ông Đặng ở lĩnh vực vốn là cái bánh gatô ngon lành lâu năm của bao gia đình quyền lực tại Tân Đảo từ nhiều năm đã trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Với họ, những người nhập cư da vàng chỉ nên làm ở những lĩnh vực vừa phải như bán tạp hóa, hàng ăn...
Cửa hàng bán xe hơi của nhà ông Đặng bị đập phá trong đêm 11-1-1985 - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại
Thậm chí xa hơn chút thì phong trào phân biệt đối xử với người gốc Việt hoặc người Việt đã xuất hiện từ khi nhiều người Việt chăm chỉ dựng cơ ngơi kinh tế, cho con cái học hành tốt hơn nhiều nhóm dân khác. Rồi thì thất bại của Pháp quốc ở trận chiến Điện Biên Phủ cũng bị xem như nỗi nhục của những người Pháp và thân Pháp trên đảo hải ngoại này.
Vì thế những dòng chữ nhắm vào ông Đặng và gia đình ông xuất hiện nhanh chóng trên nhiều bức tường của thủ phủ Nouméa ngay sau bài báo của Boulic. "Đặng, mày sẽ phải chết!", "Đặng, cút khỏi đây ngay!"... Cái tên André Đặng nằm ở hàng đầu bản danh sách đen của phe chống độc lập cho Tân Đảo.
Ngày 11-1-1985, bạo lực bắt đầu bùng nổ từ những vụ giết người qua lại giữa phe chống độc lập và phe đòi độc lập của người Kanak (mà đúng hơn từ nhánh chủ trương dùng bạo lực). Lực lượng chức năng của Tân Đảo cũng không thể ngăn cản nổi những nhóm chủ trương bạo lực của cả hai bên.
Cuộc cạnh tranh chính trị bị đẩy đến đụng độ bạo lực đường phố. Thiệt hại lớn lại rơi vào các cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Đặng (lúc này ông cùng vợ đang ở Nhật). "Đêm 11-1, các phần tử cực đoan dùng gậy đập phá cửa hàng bán xe, gara sửa xe rồi ném bom xăng vào trong làm cháy rất nhiều xe. Nhưng điều khiến chị em tôi lo sợ nhất là trạm bán xăng khi đó còn mấy chục ngàn lít, rồi còn cả chục ngàn lít dầu, các bình gas", bà Nguyệt nhớ lại.
Lực lượng cứu hộ chữa cháy cho ga ra sửa xe của nhà ông Đặng - Ảnh: SOPHIE NGUYỄN chụp lại
Em trai bà cùng một số người thân cận đã dũng cảm ra đi ngay trong đêm để tìm cách bảo vệ tài sản của gia đình. Họ giữ được 70 chiếc xe. "Cũng may là khi đó khách hàng của gia đình là các chính trị gia, chưa kể lực lượng cảnh sát địa phương xin mua xe gấp của gia đình để làm công cụ làm việc nên số xe được bảo vệ tốt hơn", bà Nguyệt kể.
Sóng gió qua đi, bà Nguyệt cùng chồng và gia đình một người em ở lại khôi phục cơ sở kinh doanh của gia đình. "Gì thì gì, gia đình tôi là gia đình kinh doanh. Phải vượt qua những biến cố như thế", bà Nguyệt khẳng định.
Nhưng cha mẹ bà, do tình hình còn đầy biến động khi đó ở Tân Đảo, buộc phải chọn cách không quay trở về. Họ sang sống lưu vong ở Úc.
Những phu người Việt tìm cách đổi đời ở Tân Đảo từ những năm 1910. Sau khi hết hợp đồng, không ít người đã chọn ở lại. Vốn tính cách chăm chỉ, cần mẫn nên với số tiền tiết kiệm từ thời gian làm phu, họ đã chuyển đến những khu đô thị sầm uất hơn và tìm cách đổi đời với nghề buôn bán.
Hầu hết đều đã thành công, ít nhất là có cuộc sống ổn định. Con số 4.000 người Việt sống sung túc khi đó cũng khiến người địa phương không ít phần ghen tức. Phong trào kỳ thị nhắm vào người Việt đã có từ những năm 1950 và thậm chí kéo dài cả mười năm. Chẳng hạn năm 1958 từng có Ủy ban Bảo vệ lợi ích người Tân Đảo mà hoạt động chính của nó là vận động hạn chế việc mở rộng kinh doanh của người Việt và ban hành những biện pháp trả đũa.
---------------
Kỳ tới: Lỡ hẹn với Việt Nam Người Việt chịu kỳ thị từ những năm 1950
Ông Đặng từng trở về Việt Nam vào năm 1978 để tìm mẹ ruột. Tình cảm của ông với quê cha đất mẹ càng thêm nảy nở. Khi tình hình tại Tân Đảo không thuận lợi, từng có lúc ông muốn về Việt Nam kinh doanh theo lời mời của Hãng Toyota.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận