Ông Đặng Văn Nha là thế hệ người Việt đầu tiên sinh ra ở Tân Đảo (cách người Việt gọi Nouvelle Calédonie thuộc pháp). Cuộc đời đầy gian nan và phấn đấu liên tục của ông đã tạo nên tên tuổi ông ở xứ lạ quê người và cũng là minh chứng cho lịch sử sinh sống kiên cường của bao người Việt tha hương.
Khi kể về cha mình, bà Raymonde Đặng luôn dùng những từ ngữ đẹp đẽ nhất, với sự kính trọng có thể nói là khôn tả. Thỉnh thoảng trong buổi nói chuyện, khi để chắc về thông tin mình kể lại, người phụ nữ 68 tuổi lại cầm điện thoại gọi về cho cha mình ở Tân Đảo. Giọng bà lại như ngọt ngào hơn và kết thúc cuộc đối thoại với cha luôn là câu nói "Con hôn cha".
Ngay cả khu resort mà bà Raymonde (tên Việt là Nguyệt) đang quản lý ở gần Mũi Né cũng là khu đất mà cha bà đã mua nhiều năm trước. “Cha tôi có suy nghĩ của người Việt gốc Bắc. ‘Người sinh thêm chứ đất không sinh thêm’ nên có tiền là ông luôn nghĩ đến chuyện đầu tư mua thêm đất đai”. Ngoài khu đất lớn ở Mũi Né này, ông André Dang (tên Việt là Đặng Văn Nha) còn có 2 khu đất ở Hà Nội và TP Thủ Đức.
Nhưng những phần đất đai ở Việt Nam này tuy vậy không thể sánh với đất đai ông có ở Úc và đương nhiên là ở Tân Đảo, nơi ông chào đời năm 1936. Trong cuốn sách "Mystère Dang" (tức "Bí ẩn Đặng") viết cách đây hơn 10 năm, hai nữ nhà báo Pháp Anne Pitoiset và Claudine Wéry từng viết: "Ta không thể hiểu được cuộc đời của André Đặng nếu không xem xét đến lai lịch của ông. Cái chết đầy bi kịch của người cha, phải sống trong tình cảnh nửa nô lệ tại các mỏ nicken ở Tân Đảo, cộng với cuộc sống cùng cực của người mẹ đã buộc lòng phải đem con đẻ của mình làm con nuôi người khác, đã gây trong ông một vết thương lòng không bao giờ hàn gắn được".
Bà Nguyệt kể, trong những lần trò chuyện và cũng là dạy dỗ con cái của mình, ông Đặng thường nhắc lại chuyện mình là cậu bé gốc Việt dù nhỏ con nhưng vẫn bị đẩy ngồi xuống cuối lớp cùng với nhóm học sinh người bản địa. Từ khi 6-7 tuổi ông đã ý thức được sự phân biệt đối xử của "người Tây" - cách người Việt ở Tân Đảo gọi người Pháp quốc - với các nhóm dân khác, đặc biệt là với người bản địa (mà người Việt thường gọi là "Đen" do dựa theo màu da nâu đen của các nhóm thổ dân bản địa vùng quần đảo xung quanh là biển này). Trong mắt người Tây thì người bản địa, người Việt, người Nhật, người Indonesia chỉ là những công cụ lao động tay chân đem lại lợi nhuận cho họ.
Cha ông Đặng là một trong hàng ngàn trai tráng ở miền Bắc Việt Nam từng đăng ký đi phu theo lời kêu gọi của chính quyền đô hộ Pháp lúc bấy giờ. Cuộc sống thôn quê nghèo, làm nhiều đời không đủ ăn nên khi có lời mời gọi đi làm theo hợp đồng năm năm, lương bổng đàng hoàng thì không ít người đã chọn cách ra đi với mong ước đổi đời.
Năm 1935, cả cha và mẹ ông Đặng đều bỏ lại gia đình riêng của mình ở quê nhà để lên tàu thủy từ Hải Phòng lênh đênh biển trời cả tháng mới sang được Tân Đảo. Cuộc đời họ từ đây chỉ là những con số vô hồn trong cách quản lý của chủ Tây. Tên thật cha sinh mẹ đẻ của mình thì họ tự nhớ và đặt tên cho con cũng rất đơn giản. Cha là Đặng Văn Nhã thì con là Đặng Văn Nha.
Lương bổng làm phu đồn điền hay làm trong hầm mỏ thì có đó nhưng môi trường và điều kiện lao động không phải như những gì quảng bá ban đầu. Cha ông Đặng vì thế đã qua đời ở tuổi 37 do tai nạn lao động khi làm cầu cảng trên bán đảo Kataviti. Ông mất vào giữa tháng 11-1937, khi ông Đặng mới được một tuổi rưỡi. Mẹ ông thế là một nách nuôi con đầy thiếu thốn bởi phụ nữ đi làm xa thì lương bổng không thể bằng đàn ông.
Năm ông lên bốn tuổi, bà mẹ đành cắt ruột giao con cho một gia đình trẻ người Việt hiếm muộn khi đó sinh sống ở thủ phủ Nouméa của Tân Đảo. Đây cũng chính là bước ngoặt làm thay đổi cả cuộc đời ông Đặng, chắp cánh cho ông trở thành con người kiên cường của ngày nay.
Bước chân đến trường, nhìn thấy sự phân biệt đối xử khiến ông muốn "đảo ngược đường cong của số phận và sửa chữa những bất công của quá khứ, đi ngược lại lịch sử, báo thù chế độ thực dân" như cách nhìn nhận của hai nữ nhà báo Pháp.
Nhưng chính sự thông minh hiếu học vốn có và những kiến thức từ trường học đã là đôi cánh đưa ông khỏi số phận vốn đặt sẵn cho bao thế hệ người bản địa và nhập cư ở Tân Đảo: bán sức lao động để kiếm sống!
Ông Đặng học giỏi và có chí từ nhỏ nên cũng đã may mắn được thầy giáo thương tình chỉ dẫn thêm. Cái tính tằn tiện, chăm làm và óc kinh doanh giỏi giang cũng đã bộc lộ từ khi ông còn rất nhỏ.
Từng gặp khoảng 200 nhân vật, gồm cả bạn bè đối tác lẫn đối thủ trong đời kinh doanh, hai nhà báo Pháp đi đến kết luận: "Con người đó tự đặt cho mình một chủ đích, không bao giờ đi chệch hướng vì một trở ngại nào khác. Không bao giờ ông ông tự coi mình như nạn nhân của lịch sử, mà trái lại, ông luôn luôn từ chối định mệnh, không đi theo con đườnh tưởng như đã vạch sẵn tất cả. ‘Tôi là người Việt Nam, tại sao tôi không thể làm được những gì người khác làm?’. Nỗi niềm day dứt này đã trở thành châm ngôn trong cuộc đời ông".
Thuở nhỏ, khi có giai đoạn trở lại sống với mẹ ruột để phụ mẹ chăm các em kế, ông Đặng từng vừa học vừa đi hái rau muống ra chợ bán giúp tiền cho mẹ. Ông trở thành hiền huynh thế phụ, không nề hà bất cứ việc gì. Cả ngày chỉ ngủ vài giờ đồng hồ, không có thời gian dành cho bản thân.
Cách sống ấy dường như là định mệnh cả đời ông. Trong công việc sau này, ông tạo cơ nghiệp cho gia đình rồi làm thay đổi cuộc sống của nhóm "dân Đen" bản địa. Ông dành không ít tình cảm cho những người bản địa luôn bị ức hiếp bởi ông đã tận mắt chứng kiến điều đó trong lớp học lẫn ngoài cuộc sống.
Gia cảnh khó khăn đã khiến ông Đặng Văn Nha trao dồi tính cách con người mình từ bé . Luôn trong vai trò người anh lớn trong nhà nên ông chọn cách đứng ra gánh vác mọi việc như một người đàn ông trưởng thành.
Nhiều người Việt đã quyết định ở lại Tân Đảo sinh sống sau khi hết hợp đồng làm việc ở đồn điền hoặc hầm mỏ. "Nhiều người Việt đã có cuộc sống ổn định sau đó nhờ việc kinh doanh nhỏ lẻ. Người Việt ở Tân Đảo ban đầu làm nông, trồng rau ra chợ bán rồi có cuộc sống khá giả nhờ mở cửa hàng tạp hóa hoặc buôn bán thực phẩm, mở nhà hàng", bà Raymonde (Nguyệt) Đặng kể lại.
"Nhưng cha tôi không chọn con đường đó dù khi nhỏ từng phụ mẹ bán đồ ăn vặt ở rạp hát mỗi tối để giúp mẹ nuôi em. Cha tôi thể hiện tài năng kinh doanh ở lĩnh vực khác. Ông cạnh tranh được với cả người Pháp", bà Nguyệt kể về cuộc chinh phục mảng kinh doanh xe hơi ở Tân Đảo vốn chỉ dành độc quyền cho các thương hiệu của Pháp.
Sau khi học xong phổ thông, ông Đặng xin đi làm ở công ty nicken SLN mà cha mẹ ruột từng làm khi trước. Rồi ông sớm lập gia đình như nhiều người Việt khi đó. Có công việc, có gia đình, có con cái, rồi tìm cách mua nhà cửa… Gần như đó là khuôn mẫu cuộc sống của người Việt vốn chăm chỉ làm việc, nhất là khi ở xứ lạ quê người.
Bốn đứa con lần lượt chào đời (một trong đó mất sớm). Một gia đình lớn phải lo cho đôi vợ chồng vừa qua tổi đôi mươi. Ông Đặng nhận thấy công việc hiện tại ở công ty hầm mỏ không phải là điều ông mong muốn cho tương lai bởi không chỉ bị hạn chế vì là người Việt mà còn vì trình độ kiến thức chỉ hết phổ thông.
Đó là chưa kể nỗi đau ông phải chứng kiến tận mắt mỗi ngày đi làm. Doanh thu từ những vỉa quặng "vàng xanh" lấy lên từ lòng đất ngày một cao ngất ngưỡng do giá nicken thế giới tăng nhanh theo nhu cầu của chiến tranh thế giới lẫn nhu cầu tiêu dùng hàng hóa nói chung, nhưng đời sống người phu mỏ vẫn khốn khổ như thời các chủ Pháp thuê người đến làm nhiều chục năm trước.
Chàng trai trẻ họ Đặng tuy không phải sống như cha mẹ mình thời trước nhưng vẫn thường đến thăm người nhà còn làm phu mỏ. Anh đã thấy các phu người Việt phải sống chui rúc trong các dãy lán trại. Đó là dãy buồng chật hẹp sát vách nhau, mỗi gian có hai giường tầng, giữa là lối đi hẹp mà người ở trong đó đôi khi dùng làm chỗ nấu nướng. Không có chỗ ăn uống, thường khi họ phải bưng nguyên phần ăn ngồi lên chỗ ngủ để quơ quào cho nhanh lấp đầy cái bụng đói. Ở mỏ thì bụi mù, lắm khi bát cơm phủ đầy bụi mịn mà phải cố nuốt.
Hai nữ nhà báo Pháp từng gặp lại ông Gaston Hmeun - người bản địa Kanakcó thâm niên làm công đoàn ở Tân Đảo. Ông kể rằng không bao giờ quên được cảnh cả ngàn, hàng ngàn phu người Việt chen chân làm việc. Có những phụ nữ phải địu con trên lưng để làm việc vì khi ấy làm gì có nhà trẻ. Đến giờ cho con bú thì các cô lại tìm một góc tương đối kín đáo để vạch áo cho con trẻ dứt cơn khát sữa, dù khi ấy công trường bụi mù.
Phận phụ nữ luôn khổ sở nhất vì tiền công thấp hơn nam giới, chỉ được chọn cho làm các việc vặt. Môi trường xung quanh đầy các mối đe dọa, từ chủ Tây, từ những người đàn ông thiếu thốn sống xung quanh. Thường khi họ chọn một người đàn ông cho mình để có sự bảo về và khi có con cái thì lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn mới.
Thực tế là cho đến đầu những năm 1960, chế độ lương bình đẳng vẫn chưa thực hiện tại Tân Đảo. Tính cùng vị trí và loại công việc thì lương trả cho người Pháp vẫn trung bình cao hơn 30% so với những nhóm người màu da khác. Điều đó càng khiến chàng thanh niên họ Đặng quyết chí thay đổi cuộc sống hiện tại, làm được hơn cả việc học giỏi nổi tiếng thời phổ thông.
Nhờ là một người trẻ có tiếng học giỏi, chăm làm, ông Đặng lọt vào mắt xanh của nghị sĩ Maurice Lenormand. Ông Lenormand là chính trị gia cấp tiến rất có uy tín với cộng đồng người Kanak bản địa và những cộng đồng dân nghèo. Ông được bầu làm Chủ tịch Hội đồng toàn vùng Tân Đảo nên ở vị trí này ông đã can thiệp tìm một học bổng du học sang Pháp cho ông Đặng vào năm 1958.
Trước khi lên đường sang Marseille, ông Đặng từng dừng chân tại Sài Gòn. Quả thật cuộc đời ông luôn gặp nhiều thử thách. Tại Sài Gòn ông từng bị bắt giữ vì bị nghi ngờ là "trốn quân dịch". Phải đến khi đại sứ quán Pháp can thiệp thì ông mới được tự do để lên đường sang thành phố Marseille ở miền Nam nước Pháp học ngành kỹ sư cơ khí.
Nhờ sự chăm chỉ, ham học hỏi, ông Đặng cũng tiến bộ nhanh trong thời gian ngắn học tập tại Pháp và được đề nghị vị trí trưởng chi nhánh hãng xe Citroen ở Marseille. Nhưng nghe lời vợ ông quay về lại Tân Đảo. Hãng Citroen đề nghị với ông một vị trí mới: trợ lý cho Giám đốc Citroen tại thủ phủ Nouméa. Tài năng của ông được bộc lộ nhanh chóng với giám đốc Edouard Pentecost vốn cũng là một người rất tài năng.
Có được nhân hòa, bộ đôi còn có được thiên thời địa lợi là khi đó giá nicken lại gia tăng nhanh chóng, đem lại nguồn tiền lớn cho Tân Đảo. Trong những năm 1969-1972 có đến 35.000 người từ nhiều nơi khác tìm đến miền đất hứa này, nơi mà theo bà Nguyệt là "ra vườn nhà cũng nhặt được nicken".
Người đến, dân bản xứ nhiều tiền nên nhu cầu xe cá nhân tăng lên rõ rệt. Bên cạnh đó hoạt động khai thác mỏ gia tăng nhanh chóng, kéo theo nhu cầu xe tải dùng cho việc chuyên chở. Việc kinh doanh của bộ đôi Pentecost - Đặng lên như diều gặp gió. Họ không chỉ nhập xe Citroen mà còn mở ra thêm nhiều nhãn hiệu châu Âu khác. Ông Đặng nhanh chóng trở thành cánh tay phải đầy đắc lực và hiệu quả của Pentecost.
Nhưng chuyện gì phải đến đã đến. Pentecost chuyển giao việc điều hành công ty cho hai con của mình và họ luôn hục hặc nhau. Ông Đặng thấy đã đến lúc phải ra đi vì ông cũng nhận ra mình có thể tự kinh doanh với kinh nghiệm đã học được và nguồn vốn cá nhân tích lũy trong mấy năm trước đó.
Không thể biết nghề dạy nghề để ông Đặng nhanh chóng trở thành tay buôn xe hàng đầu hay con người tháo vát đó đã làm thay đổi nghề kinh doanh ở Tân Đảo bởi ông có tài năng kinh doanh thấm đẫm trong máu huyết.
Rất nhiều người từng làm việc với André Đặng đều nhìn nhận ông mát tay, đụng vô việc nào là thành công việc đó. Nhiều người vẫn nhắc về chuyện khi còn là cậu bé con ông đã nghĩ ra những món độc đáo để bán hàng lấy tiền đô từ mấy anh lính Mỹ đổ bộ lên Tân Đảo. Ví dụ là những cành san hô dạt trên bãi biển bỏ vào lọ thủy tinh dùng lại nhưng kèm vào mấy con kiến địa phương cho sống động.
Nhưng ngoài khả năng "nhìn đâu cũng thấy có thể kinh doanh có lãi" thì các đối tác, thân hữu hay đối thủ, đều phải nhìn nhận ở ông Đặng sức làm việc dẻo dai, không bao giờ chịu đầu hàng trước khó khăn hay thách thức.
"Cha tôi là thiên tài trong kinh doanh". Không ít lần trong các cuộc nói chuyện, bà Nguyệt vẫn dùng cụm từ "nhà kinh doanh thiên tài", "nhà kinh doanh đặc biệt" để kể về cha mình. Ba chị em của bà đã học rất nhiều và được thừa hưởng rất nhiều từ người cha cả đời cặm cụi làm việc.
Người Pháp khi đó đã thống lĩnh đặc quyền thị trường xe hơi và xe tải ở Tân Đảo nên ông Đặng chọn ngách thị trường khác cho mình. Ông đã mất 10 năm để làm được việc đó. Bắt đầu là việc vào làm công cho gia đình buôn xe Édouard Pentecost. Phải nói rằng vào làm ở đây ông được như cá gặp nước bởi sự hiểu biết và tầm nhìn của ông chủ.
Chỉ sau ba tháng vào làm việc, chàng trai trẻ Đặng đã ngồi vào bàn quản lý của ga-ra sửa xe của nhà Pentecost. Ông chủ nhanh chóng cất nhắc bởi thấy rõ những sáng kiến nổi bật từ chàng kỹ sư người Việt học ở Pháp về.
Vừa làm việc ở công ty, ông Đặng vừa duy trì việc sửa xe ở nhà đã mở trước khi làm cho Pentecost. Sân vườn sau nhà ông trở thành một gara đúng nghĩa dành cho những xe gặp tai nạn và được bên cảnh sát báo cho biết. Vợ ông, bà Bùi Thị Én, cũng không nề hà gì chuyện nơi ở chẳng khác nhà xưởng. Thậm chí không ít lần giữa đêm khuya khoắt bà vẫn thức dậy đi cùng chồng kéo những chiếc xe hỏng về gara nhà để sửa.
Đôi vợ chồng trẻ đồng sức, đồng lòng và đều mê say công việc. Đồng nghĩa với việc tốt là thu nhập tốt. "Cha tôi kể từng dùng bàn là để ủi tờ tiền đầu tiên hai vợ chồng kiếm sau khi mới lấy nhau", bà Nguyệt nhớ lại. Thật ra khi ông Đặng đi học, bà Én cũng đã một nách ba con và vừa mở kinh doanh nhỏ tại nhà. Khoản tiền từ hai nhà hàng nhỏ và xưởng may của bà sau này cũng đã góp phần giúp ông mạnh dạn ra kinh doanh riêng.
Khi ông Đặng chia tay gia đình Pentecost, không ít lời gièm pha cho rằng hai bên hục hặc vì ông Đặng quá khôn ngoan, qua mặt chủ để tư túi. Có thể đó sẽ là chuyện bí mật giữa hai người nhưng một người bạn của Édouard Pentecost sau này có kể khi họ trà dư tửu hậu, có lúc Édouard nửa đùa nửa thật "Anh ta (André Đặng) dù có lừa tôi đôi chút thì tôi vẫn còn lãi chán".
Chia tay gia đình Pentecost, ông Đặng gom góp tiền của hai vợ chồng mua lại đại lý xe hơi hiệu Toyota cũng của một người Việt vừa rao bán ở Tân Đảo do gặp khó khăn. Để sống sót và vươn lên ở thị trường mà chính quyền chỉ ưu ái cho các thương hiệu xe Pháp và đã tồn tại những tên tuổi lớn kinh doanh hàng đầu như Pentecost, ông Đặng chọn thị trường ngách cho mình: những người bản địa Kanak.
"Tôi là một người bán hàng giỏi vì tôi luôn luôn đi tới đích", ông Đặng từng nói về mình như thế. Thời may cho ông làm giàu chính là việc người bản địa khi ấy cũng có nhiều tiền hơn nhờ thu nhập từ nguồn mỏ nicken. Người nào ít tiền thì ông cho bán trả góp với dòng xe bán tải. Thế là họ chịu bỏ tiền mua xe. Bà Én từng kể hai vợ chồng từng nhận được những tờ tiền như ẩm mốc và dính cát vì người dân bản địa có thói quen cất tiền để dành vào lon sữa rỗng và chôn dưới đất vườn sau nhà.
"Cha tôi tổ chức các giải đua xe ở địa phương vào cuối tuần và thậm chí đích thân ông cầm lái để mọi người thấy chất lượng của xe Nhật", bà Nguyệt tiết lộ cách cha bà quảng bá thương hiệu xe Nhật mà ông đang kinh doanh. Hay hơn nữa là ông nhắm đến nhóm khách hàng nữ người bản địa vốn xưa nay e dè chuyện xe cộ. Ông cho họ lái xe thử, ông mở lớp dạy lái xe miễn phí hoặc phí tượng trung để họ có được bằng lái, kèm điều kiện họ cam kết mua xe ông Đặng. Thế là ông có được nhóm khách hàng mới mà các đại lý lâu đời ở Tân Đảo từng bỏ qua.
Khó khăn chưa hết. Do để bảo hộ hàng Pháp, nhà nước mẫu quốc áp đặt quota ngặt nghèo về số lượng xe hơi các thương hiệu khác được phép nhập vào Tân Đảo. Ông Đặng phát hiện ra cách vượt qua trở ngại này: mở các công ty khác nhau để nhập nhiều dòng xe nhằm tăng số lượng xe ngoại được nhập vào. Thậm chí có lúc chưa có điều kiện mở thêm mặt bằng kinh doanh thì ông biết cách thay biển quảng cáo mỗi khi có đại diện hãng xe đến điều nghiên điểm bán của mình. Chẳng hạn bình thường đại lý của ông giới thiệu 5 biển quảng cáo của 5 loại xe đang bán. Khi biết phải đón đại diện 1 hãng sang thì ông cho người làm hạ bớt 4 bảng quảng cáo các hãng kia.
Nhờ tiền lời từ kinh doanh xe, chỉ hơn một năm sau, vợ chồng ông Đặng mua lại cửa hàng xăng dầu cũng thuộc hàng lớn nhất, ngay cửa ngõ ra vào thủ phủ Nouméa. Thời đó, xe bắt đầu nhiều lên, người ta đi lại nhiều lên và đương nhiên lại ghé cửa hàng xăng nhà ông Đặng. Kề bên lại sẵn có ga ra xe của nhà ông Đặng sẵn sàng xem xét lại những hỏng hóc có thể có trước khi xe đi đường xa. Tiền cứ thế đẻ ra tiền.
Đến khi có điều kiện kinh doanh thuận tiện, ông mở các đại lý độc quyền cho từng dòng xe Nhật. "Sau này khi chuyển sang làm cho công ty mỏ, cha tôi bàn giao việc quản lý các đại lý bán xe cho ba đứa con của mình. Đến khi chúng tôi đến tuổi hưu thì cũng bắt đầu bán lại dần các đại lý. Hiện trong gia đình chỉ còn một đại lý của Toyota do cháu nội của cha tôi đang quản lý", bà Nguyệt cho biết.
Nhưng cũng chính việc kinh doanh thành công nhanh chóng ở lĩnh vực xe hơi vốn là đặc quyền của người Pháp hoặc người Caledonie mà gia đình ông Đặng gặp biến cố. Nhiều người cho rằng biến cố đó có phần xuất phát từ sự ghen tức với thành công kinh doanh của gia đình ông Đặng.
Năm 1984 xảy ra biến cố lớn với việc kinh doanh của gia đình ông Đặng. Từ những tranh chấp chính trị liên quan chiến dịch đòi quyền độc lập cho Tân Đảo, xảy ra những cuộc nổi loạn, đụng độ giữa hai bên và sau đó là đốt phá cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Đặng.
Đó là một biến cố mà bà Nguyệt không thể nào quên. Việc xử trí nó đã cho thấy lòng can trường của gia đình họ Đặng. Có thể nói sự dũng cảm, làm việc quên mình của ông André Đặng đã được truyền đến các con của mình.
"Đó là những ngày đêm đầy căng thẳng cực độ. Cha mẹ tôi đang ở nước ngoài, không thể về kịp. Là chị cả trong nhà tôi liên lạc với cha qua điện thoại và phải xử trí trực tiếp các việc liên quan đến việc tấn công vào cơ sở kinh doanh của gia đình mình", giờ đây, ở Mũi Né yên bình của Việt Nam, bà Nguyệt vẫn không thể nào quên những ngày tháng khói lửa ở Tân Đảo.
Khi đó người phụ nữ 30 tuổi ở nhà cùng hai em trai quán xuyến việc kinh doanh của gia đình khi cha đưa mẹ lần đầu đi nước ngoài sau nhiều năm dành hết thời gian cho việc phát triển kinh doanh và nuôi dạy con cái. "Có những tối tôi phải ngủ với khẩu súng ngắn để ngay đầu giường. Ban ngày thì không biết bao cuộc điện thoại gọi vào đường dây của nhà chửi rủa, hăm dọa buộc gia đình chúng tôi phải rời Tân Đảo…", bà Nguyệt nhớ lại.
Mẹ bà Nguyệt khi đó ở Nhật cùng chồng dự một triển lãm của ngành xe hơi theo lời mời của hãng Toyota lo lắng không ngớt cho tính mạng các con. Bà đã khóc nhiều lần và nói chồng tìm cách đưa con ra nước ngoài để đảm bảo an toàn tính mạng. Nhưng người con gái lớn quyết định ở lại Tân Đảo để bảo vệ gia sản. "Chúng tôi là người kinh doanh. Chúng tôi phải vượt qua thử thách. Nhẫn nhịn là giải pháp đầu tiên. Chúng tôi tìm cách xin lỗi qua báo chí", bà Nguyệt nhớ lại.
Sự vụ khởi nguồn từ một bài báo vô trách nhiệm của Jean-Yves Boulic - nhà báo từ Pháp của tuần báo Le Point - đến đưa tin về tình hình chính trị đầy căng thẳng lúc đó ở Tân Đảo. Ông này chỉ nghe ngóng những thông tin trà dư tửu hậu từ những nguồn tin được giới thiệu trước đó (một cách có chủ ý) mà không kiểm chứng rồi viết lên bài báo nói rằng "doanh nhân Đặng đã tài trợ cho đảng đòi độc lập của người bản địa" với tấm ngân phiếu bằng chứng lên đến 4 triệu CFP (franc Thái Bình Dương). Sau này nhà báo Boulic cùng tuần báo Le Point đã thua kiện nhà ông Đặng trước tòa án của Pháp và phải bồi thường danh dự cho ông André Đặng 500.000 CFP.
Bài báo của Boulic trên tuần báo Le Point đăng ngày 3-12-1984 thực sự là một mồi lửa cho quả bom căng thẳng chính trị vốn đã âm ỉ nhiều năm trời tại Tân Đảo từ khi có phong trào đòi độc lập của người bản địa. Đau đớn là bài báo đó lại khơi mào sự hằn thù của người Caldoche (tức những cư dân Tân Đảo gốc Pháp hoặc thân Pháp) đối với ông Đặng mà họ gọi là "tên phản bội da vàng, bạn của người Kanak".
Đến bây giờ, khi mọi việc đã yên và ông Đặng đã trở thành một người được xem như anh hung trong mắt người bản địa Kanak, bà Nguyệt vẫn đoan chắc: "Cha tôi là một nhà kinh doanh thuần túy. Ông không tham gia chính trị. Chắc chắn ông không bao giờ cho ai số tiền lớn như thế. Bài báo là chuyện hoàn toàn bịa đặt nhằm thực hiện mưu đồ đen tối".
Nhưng vào thời điểm đó, nó là mổi lửa bén, rất bén. Khi tờ tuần báo đến được Tân Đảo vào ngày 5-12 thì nó nhanh chóng trở thành cái cớ để những người căm ghét xem ông Đặng và gia đình ông như bung xung trút giận. Cũng phải hiểu thêm rằng việc kinh doanh thành đạt của ông Đặng ở lĩnh vực vốn là cái bánh ga tô ngon lành lâu năm của bao gia đình quyền lực tại Tân Đảo từ nhiều năm đã trở thành cái gai trong mắt nhiều người. Với họ, những người nhập cư da vàng chỉ nên làm ở những lĩnh vực vừa phải như bán tạp hóa, hàng ăn…
Thậm chí xa hơn chút thì phong trào phân biệt đối xử với người gốc Việt hoặc người Việt đã xuất hiện từ khi nhiều người Việt chăm chỉ dựng cơ ngơi kinh tế, cho con cái học hành tốt hơn nhiều nhóm dân khác. Rồi thì thất bại của Pháp quốc ở trận chiến Điện Biên Phủ cũng bị xem như nỗi nhục của những người Pháp và thân Pháp trên đảo hải ngoại này.
Vì thế những dòng chữ nhắm vào ông Đặng và gia đình ông xuất hiện nhanh chóng trên nhiều bức tường của thủ phủ Nouméa ngay sau bài báo của Boulic. "Đặng, mày sẽ phải chết!", "Đặng, cút khỏi đây ngay!"… Cái tên André Đặng nằm ở hàng đầu bản danh sách đen của phe chống độc lập cho Tân Đảo.
Ngày 11-1-1985, bạo lực bắt đầu bùng nổ từ những vụ giết người qua lại giữa phe chống độc lập và phe đòi độc lập của người Kanak (mà đúng hơn từ nhánh chủ trương dùng bạo lực). Lực lượng chức năng của Tân Đảo cũng không thể ngăn cản nổi những nhóm chủ trương bạo lực của cả hai bên.
Cuộc canh tranh chính trị bị đẩy đến đụng độ bạo lực đường phố. Thiệt hại lớn lại rơi vào các cửa hàng kinh doanh của gia đình ông Đặng (lúc này ông cùng vợ đang ở Nhật). "Đêm 11-1, các phần tử cực dùng gậy đập phá cửa hàng bán xe, ga ra sửa xe rồi ném bom xăng vào trong làm cháy rất nhiều xe. Nhưng điều khiến chị em tôi lo sợ nhất là trạm bán xăng khi đó còn mấy chục ngàn lít, rồi còn cả chục ngàn lít dầu, các bình gas", bà Nguyệt nhớ lại.
Em trai bà cùng một số người thân cận đã dũng cảm ra đi ngay trong đêm để tìm cách bảo vệ tài sản của gia đình. Họ giữ được 70 chiếc xe. "Cũng may là khi đó khách hàng của gia đình là các chính trị gia, chưa kể lực lượng cảnh sát địa phương xin mua xe gấp của gia đình để làm công cụ làm việc nên số xe được bảo vệ tốt hơn", bà Nguyệt kể.
Sóng gió qua đi, bà Nguyệt cùng chồng và gia đình một người em ở lại khôi phục cơ sở kinh doanh của gia đình. "Gì thì gì, gia đình tôi là gia đình kinh doanh. Phải vượt qua những biến cố như thế", bà Nguyệt khẳng định.
Nhưng cha mẹ bà, do tình hình còn đầy biến động khi đó ở Tân Đảo, buộc phải chọn cách không quay trở về. Họ sang sống lưu vong ở Úc.
Ông Đặng từng trở về Việt Nam vào năm 1978 để tìm mẹ ruột. Tình cảm của ông với quê cha đất mẹ càng thêm nảy nở. Khi tình hình tại Tân Đảo không thuận lợi, từng có lúc ông muốn về Việt Nam kinh doanh theo lời mời của hãng Toyota.
Ông André Đặng cùng vợ phải sống lưu vong ở Úc trong sáu năm nhưng ở Tân Đảo, các con ông vẫn duy trì hoạt động kinh doanh và vẫn tiếp tục phát đạt qua sự tư vấn của cha. Trong thời gian ở Úc, ông Đặng vẫn chứng tỏ mát tay trong việc làm giàu. Ông từng kể: "Khi tôi mới tới đây, ngân hàng Westpac chấp nhận cho tôi vay 100.000 đô la Úc, hai năm sau tôi đã có tài khoản lên tới 20 triệu đô la".
Vẫn từ bài học của người Việt "người sinh thêm chứ đất không sinh thêm", ông Đặng đầu tư vào đất đai, rồi cho người khác thuê trồng hoa hồng và dâu tây, rồi mua đi bán lại. Tiền cứ thế đẻ ra tiền. Bởi vậy không ít người đã cho rằng ông có "bàn tay vàng" chạm vào đâu cũng thành công, cũng ra tiền. "Đến giờ cha tôi vẫn còn nhiều gia sản bên Úc", bà Nguyệt, con gái ông Đặng, tươi cười cho biết.
Từ năm 1978, ông Đặng đã quay trở về Việt Nam để tìm mẹ và gia đình của mẹ. Khi đó ông đã có tính toán kinh doanh ở Việt Nam. Đối tác bán xe Nhật của ông cũng mong muốn điều tương tự. Họ chọn ông vì nói tiếng Việt, có kinh nghiệm kinh doanh tốt ở Tân Đảo và Việt Nam khi đó là một thị trường rất mới. Một nhà thầu Nhật đã đi cùng ông Đặng trong chuyến đi dài gần ba tuần khi đó. Nhưng các mong muốn kinh doanh của họ sau đó không thành.
Đến năm 1988, khi vẫn đang làm ăn tốt ở Úc, ông Đặng lại nung nấu ý định quay về làm ăn ở Việt Nam. Ông từng đề nghị với hãng Toyota xây dựng một mạng lưới bán xe hơi ở Việt Nam. Ông đến TP.HCM trong sáu tháng liền để thăm dò thị trường, lựa chọn địa điểm. "Mọi chuyện khi đó rất thuận lợi vì cha tôi được hãng của Nhật rất tin tưởng. Nhưng rồi số phận một lần nữa đã buộc cha tôi quay về Tân Đảo", bà Nguyệt kể về cha mình. Bà chứng thực rằng cha bà rất muốn kinh doanh ở Việt Nam vì ông cũng đã bỏ tiền đầu tư một số mảnh đất ở đây.
Sự lựa chọn quay trở lại Tân Đảo vào thời điểm đó cũng là một quyết định đầy khó khăn khiến nhà kinh doanh tài ba người Việt suy nghĩ nhiều đêm liền bởi miền đất đó là nơi ông lớn lên, là nơi ông có bạn bè. Chính tình bạn của ông với một thủ lĩnh của người bản địa Kanak tên Jean-Marie Tjibaou đã khiến ông lựa chọn quay về lại nơi ông sinh ra để giúp đỡ họ vào năm 1990.
Theo hai nhà báo Pháp nhận định trong cuốn sách "Mystère Dang", tình bạn của ông Đặng với Tjibaou vô hình trung gắn với các lợi ích mà mỗi người đang theo đuổi: Lợi ích của người Kanak muốn thoát khỏi sự bảo hộ của nước Pháp và lợi ích của ông Đặng muốn chứng tỏ vị thế trong một đất nước từng đuổi mình đi. Sự tín nhiệm mà Tjibaou (đã bị ám sát vào ngày 4-5-1989) đặt vào người bạn Việt và được các lãnh đạo Kanak kế nhiệm tiếp tục duy trì đã cho phép ông Đặng thực hiện được những tham vọng và nhất là đem thành đạt của mình vượt lên trên số phận.
Dù cuộc đời trải qua nhiều biến cố đầy thử thách khiến người khác phải gục ngã - trong đó đầy những thử thách xuất phát từ màu da vàng, mái tóc đen - nhưng ông Đặng chưa bao giờ phủ nhận nguồn cội Việt. Trung thành với các giá trị của người Việt Nam, coi trọng gia đình và của cải trong nhà là hai cột trụ của sự thành đạt, có thể nói ông Đặng đã làm việc cả đời để những người thân trong gia đình không phải thiếu thốn.
Những người con của ông cũng học hỏi tính chăm chỉ và cần mẫn từ cha mẹ. Ba người con nhanh chóng hỗ trợ việc kinh doanh của cha khi còn rất trẻ. Bà Nguyệt kể bản thân bà khi không hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xe của gia đình thì bà chuyển sang kinh doanh tranh vẽ, đồ thủ công mỹ nghệ của các nhóm dân tộc thiểu số tại Tân Đảo. Còn hai năm qua, khi trở về Việt Nam, bà Nguyệt kinh doanh resort tại Mũi Né. Máu kinh doanh và làm việc thấm đẫm trong gia đình này.
"Gia đình tôi có tiền, nhiều tiền và cũng đóng góp rất nhiều cho cộng đồng người Việt lẫn các nhóm dân tộc thiểu số", bà Nguyệt kể. Bởi thế nếu có ai đó ghen tị với sự thành công của gia đình họ Đặng thì cũng không ít người đã phải cảm ơn sự hào phóng của gia đình này cho hoạt động cộng đồng.
Bà Bùi Thị Én - vợ ông Đặng là sáng lập viên của hội Phật tử Tân Đảo, và gia đình ông Đặng đãquyên góp khoản tiền không nhỏ để xây dựng ngôi chùa trên đảo và đến giờ vẫn là ngôi chùa Phật duy nhất của người Việt. Với Hội Ái hữu người Việt thì gia đình góp tiền xây dựng một sân quần vợt, sân bóng đá...
Theo bà Nguyệt, khi việc đi lại dễ dàng hơn sau dịch COVID-19, cha của bà sẽ lại về Việt Nam. Ông sẽ ghé về resort ở Mũi Né nơi con gái cả của ông cảm thấy "sống bình an hơn cả ở Tân Đảo".
Khi được hỏi ông Đặng có phải có 6 tỉ USD không, bà Nguyệt nửa đùa nửa thật: "Cha tôi không có đồng nào trong túi". Rồi thì sau đó bà lại nói: "Thật ra cha tôi có nhiều hơn con số đó".
Đối với ông, chỉ có độc lập về kinh tế mới là nền độc lập có giá trị hơn cả. Từ rất sớm, ông hiểu rằng tương lai không phải là khép mình lại mà là phải thắt chặt quan hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Ông đã đặt mối quan hệ rộng rãi với các đối tác toàn cầu lên trên mối quan hệ chật hẹp giữa thuộc địa và chính quốc. Trong mối quan hệ với đối tác toàn cầu, ông có tài nghệ bậc thầy.
Ông Etienne Dutailly - chủ biên nguyệt san trào phúng Le Chien Bleu ở Tân Đảo - từng trả lời phỏng vấn trên truyền hình: "Có lần tôi hỏi ông ấy tại sao ông nói tiếng Việt dở, nói tiếng Pháp dở, nói tiếng Anh dở, mà ông lại gặp nhiều tổng thống, lại đi đàm phán với nhiều doanh nghiệp lớn? Ông ấy nói khi đàm phán thì phải biết người ta cần gì. Và ông ấy biết đối tác cần gì".
Sự thật thì tất cả đối tác lẫn đối thủ đều không biết ông Đặng sẽ làm gì, bởi ông có cách tính toán rất riêng của mình. Hai nhà báo Pháp viết cuốn Mystère Dang thì đánh giá cách làm ăn của ông Đặng "như chơi cờ vây, ông xây dựng địa bàn, đặt quân cờ, đánh lừa đối phương.
Những kẻ gièm pha thì khẳng định hệ số thông minh của ông ngang mức những kẻ bất lương, gian dối, còn những người bênh vực ông thì lại ca ngợi ông là một thiên tài".
Tin ở bản thân mình, André Đặng không thích ủy quyền cho người khác hoặc chia sẻ trách nhiệm với ai mà chỉ tin vào một nhóm nhỏ những người thân cận, nhiều khi là thành viên trong gia đình.
Tại Công ty SMSP của mình, không có một quyết định nào không có sự bảo lãnh trách nhiệm của ông. Để củng cố quyền lực tuyệt đối, ông đặt ra những rào chắn không thể vượt qua giữa các kế hoạch do ông xây dựng.
Ông toàn quyền quyết định mọi việc dù nhỏ nhất. Điều hành một công ty có nhiều chi nhánh quốc tế như một người cha trong gia đình, ông càng có tầm nhìn hiện đại và tiên phong, đối với thế giới kinh tế thì ông lại càng chứng tỏ tinh thần bảo thủ trong công việc quản lý hằng ngày tại doanh nghiệp.
Luôn luôn đề phòng cảnh giác, ông suy nghĩ thật chín các ý tưởng của mình bằng cách lắng nghe người khác và những người thân cận của ông bằng lệnh phải báo cáo lại cho ông mọi thông tin bổ ích dù là nhỏ nhất. Nhờ những mạng lưới quốc tế và nhờ trực giác rất hiếm khi phản lại ông mà ông xây dựng những chiến lược táo bạo, loại bỏ những thói quen cũ kỹ.
Ông không chịu thua cuộc bao giờ. Không khi nào ông ngã lòng, chịu khuất phục trước khó khăn trở ngại. Đối với ông, dù đường đi nước bước phải thế nào thì ông không quản ngại, miễn là đạt được mục tiêu đã định. Điều đó đã khẳng định qua việc ông làm giàu nhanh chóng khi phải sống lưu vong ở Úc trong vài năm.
Trên thương trường, các đại gia ngành nickel phải ngã mũ thán phục những bước đàm phán của ông. Ông tung hỏa mù, ông đàm phán quyết liệt đến tận giờ chót với những điều kiện đặt ra không hề thay đổi. Chính vì vậy cũng có thể thấy người bản địa Kanak đã chọn đúng ông để làm việc cho họ.
Bản thân ông Đặng cũng dốc lòng dốc sức đem lại nhiều lợi nhuận nhất cho người Kanak, bởi trong thâm tâm ông, đó như một sự đáp trả cho những người thấp cổ bé họng. Ông đã làm việc nhiều năm trong công ty mỏ rồi nâng nó lên tầm cỡ tập đoàn. André Đặng có sức chịu đựng dẻo dai về thể chất ít người sánh kịp, một sức làm việc miệt mài đến mức trở thành ám ảnh.
Ông luôn làm hết sức mình. Ngoài một vài buổi đi chơi golf, ưu tiên vì mối quan hệ làm ăn, ông Đặng hiếm tự cho mình có quyền nghỉ ngơi. Ông làm việc không có giờ giấc và áp đặt nhịp độ ngặt nghèo đó cho những người thân cận của ông. Ở tuổi 70 mà ông vẫn thức giấc từ lúc ba giờ sáng để theo dõi chỉ số chứng khoán và chuẩn bị hồ sơ làm việc.
Chính vì vậy, sau thời gian ông làm việc không cần lương vì bản thân ông đã giàu có, những người Kanak đã nghĩ đến việc trả công cho ông bằng 8% cổ phần trong tập đoàn mỏ nickel. Tính theo giá trị nickel tăng vòn vọt thời gian gần đây vì nhu cầu rất cao của thế giới thì tài sản đó phải tính đến con số chục tỉ USD.
"Thế nhưng gần đây cha tôi đã chia phần tài sản đó cho ba người con", bà Nguyệt cho biết. Vì lẽ đó, theo bà, cha bà chẳng khác "một tỉ phú không tiền". Thật sự nhiều lúc ông không có một đồng xu dính túi, thậm chí là cả tấm ngân phiếu.
Ông giao phó mọi chi tiêu hậu cần cho người vợ. "Tôi là một người bán hàng giỏi vì tôi luôn luôn đi tới đích, nhưng tôi là một người mua tồi" - ông vẫn thường nói vui như thế. Nhưng mọi người đều hiểu rằng trong con người ông là sự tiết kiệm gắn bó từ tuổi thơ nghèo khó.
Bà Nguyệt vẫn thường kể về tấm ảnh chụp cha bà treo ở nơi làm việc trong tập đoàn mỏ nickel. Tấm ảnh treo trên tường là hầm mỏ nơi cha ông Đặng từng làm phu và thiệt mạng. Bà Nguyệt nói nó phản ảnh "sự trớ trêu của số phận", bởi giờ ông Đặng lại nằm trong ban lãnh đạo của khu hầm mỏ này.
Ông Đặng không bao giờ giấu nguồn gốc người Việt của mình, nhưng khó ai biết ông nghĩ gì về hoàn cảnh tuổi thơ. Chỉ biết rằng, giờ đây mỗi khi có dịp đi lên khu mỏ phía bắc đảo, ông đều ghé ngang khu nghĩa trang ở Voh, nơi cha mình nằm lại sau tai nạn lao động thương tâm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận