Song cũng có ý kiến phản biện rằng cách lý giải ấy chưa thật thuyết phục bởi nếu chỉ vì thế mà sẵn sàng hăm dọa "từ mẹ, từ cha" - những người cần lao một đời - vì đã ngăn cản thể hiện tình cảm với thần tượng.
Còn một số fan tiếp tục khẳng định những chỉ trích của người lớn chỉ khiến họ bất bình, mất lòng tin và chỉ thôi thúc họ thêm yêu quý thần tượng hơn.
Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến và chia sẻ quan điểm riêng.
Phóng to |
Một fan kiệt sức trong chương trình có sự xuất hiện của Big Bang tại TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Mồ hôi mẹ cha không so được với mồ hôi thần tượng?
Tôi xin phản biện ý kiến của bạn Song Nhi. Bạn viết: "Những giọt nước mắt, nỗi đau mà thần tượng của tôi phải chịu đựng trong hơn 5 năm là thực tập sinh rồi lịch luyện tập, lịch biểu diễn dày đặc, nhưng họ vẫn biểu diễn với nụ cười của mình... làm tôi thật sự yêu họ". Vậy cho tôi hỏi ba mẹ bạn đã phấn đấu cả đời, khổ nhọc sinh ra bạn, nuôi nấng, cho bạn ăn học, lo cho bạn từng miếng cơm manh áo như vậy bạn có thấy thương và thần tượng ba mẹ mình không?
Sự vất vả làm việc của cha mẹ để có số tiền cho bạn mua vé bạc triệu đi xem "thần tượng" so với sự phấn đấu 5 năm luyện tập của thần tượng, cái nào lớn hơn?
Thần tượng yêu thương chúng tôi nhiều hơn người lớn
Trong 6 năm qua, chưa lần nào Big Bang đến Việt Nam. Soundfest vừa rồi là cơ hội hiếm hoi cho fan Việt nhìn thấy những con người chúng tôi đã theo dõi suốt ngần ấy năm, thử hỏi sao không quá khích, không loạn cho được?
Mọi người có thể nảy sinh tình cảm với ai đó qua cái nhìn đầu tiên, có thể đêm ngày nhớ về anh ta, cô ta; có thể khóc lóc, đau khổ vì ai đó đã kết hôn... Nhiều người đang nuôi tình yêu trong ảo tưởng, vậy sao chúng tôi không thể?
Mọi người không còn việc nào khác để làm ngoài phê phán fan chúng tôi sao? Rõ ràng người lớn chỉ khăng khăng khẳng định suy nghĩ mình là đúng mà không hề nghĩ đến việc đang làm chúng tôi tổn thương. |
Những fan sùng bái quá mức như người viết báo kể chỉ là thiểu số. Chúng tôi vẫn học tập, vẫn vui chơi bình thường. Nói là hâm mộ Big Bang nhưng không phải lúc nào chúng tôi cũng chỉ biết đến Big Bang. Mọi người chưa thử sống như chúng tôi mà chỉ vịn vào Soundfest để nói về chúng tôi.
Sau đêm diễn Big Bang còn lo lắng cho fan Việt. Mọi người có thể coi đó là những lời nói bình thường nhưng đến cả điều bình thường như thế mà nhiều người ở xung quanh chúng tôi cũng không nói được. Big Bang còn yêu thương chúng tôi nhiều hơn!
Sau những việc như thế này chúng tôi đã mất dần niềm tin với người lớn, mất dần niềm tin với báo chí. Càng không tôn trọng chúng tôi thì chúng tôi lại càng yêu mến thần tượng mình nhiều hơn, vì ít ra họ còn có thể nói "I love you" với chúng tôi.
Phóng to |
Một bạn gái ngất xỉu khi theo dõi chương trình có Big Bang biểu diễn tại TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Đừng hâm mộ thiếu văn hóa
Tôi rất tán thành và đồng ý với những bài viết gần đây của tác giả về phê phán thoái hư tật xấu của những "fan cuồng". Tuy nhiên, tôi cũng rất thông cảm, chia sẻ với những những fan biết hâm mộ và tôn vinh thần tượng một cách có văn hóa, chân chính, có mục đích, lý tưởng, không đánh mất lòng tự trọng của mình.
Có thể nói hành vi của các fan như hôn ghế thần tượng, bỏ ăn bỏ uống, bỏ học, bỏ làm việc, thậm chí trở thành ngơ ngáo như kẻ mất hồn, có những hành động quá khích, gây lo lắng, hoang mang cho gia đình và xã hội... Quả thật đó là những fan không bình thường.
Nếu là người Việt Nam chân chính, có bản lĩnh thì lại càng không cho phép tự hạ thấp bản thân, tôn vinh một cách mù quáng, không làm chủ được bản thân.
Dù vô tình hay cố ý gì thì những hành động hâm mộ của họ như đã miêu tả cũng làm mất đi nhân cách, hành ảnh đẹp đẽ, trong sáng của chính bản thân xét về hình thức lẫn nội dung.
Sự hâm mộ không cần phải thể hiện bằng những hành động thiếu văn hóa. Hãy nghĩ đến việc chúng ta cần làm gì, phấn đấu như thế nào để đạt được mục đích, lý tưởng sống tốt đẹp cho chính chúng ta và cộng đồng. Hãy là những fan có hiểu biết, có văn hóa hưởng thụ chân chính, có lý tưởng, mục đích đúng đắn.
Phóng to |
Hình ảnh vất vả của một fan trong chương trình có sự xuất hiện của Big Bang tại TP.HCM - Ảnh: Thuận Thắng |
Chúng tôi không thể hét: "Con yêu bố mẹ!" Song sau khi xem các bài viết của cá trang báo mạng hậu sự kiện SoundFest cũng như các kỳ nghệ sĩ Hàn qua Việt Nam biểu diễn, tôi cảm thấy fan chúng tôi không được xem trọng bình đẳng giống các fan khác. Thứ nhất, tôi có cảm giác dòng nhạc Hàn ở Việt Nam không được xem trọng. Đa số đều phán xét cứng nhắc rằng nghe làm gì khi không hiểu nội dung bài hát. Thời đại xã hội hội nhập, thông tin bài hát tràn ngập. Có rất nhiều bạn trẻ tâm huyết với nhạc Hàn đã làm hẳn những clip phụ đề tiếng Việt. Nếu mọi người thật sự quan tâm thì chưa đầy 5 giây đã có thể hiểu nội dung bài hát. Chưa kể chúng ta cứ nói âm nhạc không khoảng cách, không biên giới. Nếu cứ chú trọng việc hiểu câu chữ thì âm điệu của bài nhạc được tạo ra làm gì? Chẳng phải có rất nhiều bài nhạc không lời? Rất nhiều bài hát tiếng Anh mà chắc gì mọi người đã hiểu hết? Thứ hai, đừng lên lớp những fan Kpop bằng những từ ngữ nặng nề và nghiêng về phía tiêu cực đến tồi tệ như thế. Không phải fan Kpop chỉ toàn những em bé cấp II cấp III. Còn có rất nhiều sinh viên năm cuối, rất nhiều người đã đi làm, đã có gia đình vẫn thích nghe nhạc Hàn, vẫn còn thần tượng. Vậy cớ gì cứ mỗi lần nghệ sĩ Hàn qua đây lại lên lớp nói tuổi trẻ này nọ? Chúng tôi cũng có suy nghĩ của riêng mình, và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước những hành động chúng tôi làm. Chúng tôi không bắt mọi người gánh vác những hành động của chúng tôi, thế nên mọi người, nhất là những người luôn túc trực trên mạng đừng nên bắt bẻ sửa lưng chúng tôi.
Thứ ba, vì sao chỉ có chúng tôi bị những lời lẽ đó? Chẳng phải những lúc Westlife, Backstreet Boys.... hay các cầu thủ nước ngoài qua đây, cũng có rất nhiều fan đứng đợi, khóc la, ngất xỉu? Những lúc ấy chẳng thấy ai nói năng gì họ cả. Thậm chí còn dùng nhiều từ ngữ nhẹ nhàng khen ngợi. Trong khi họ có khác gì chúng tôi, những fan từng ngày mong ngóng thần tượng của mình. Vì sao mỗi lần như thế lại nói chúng tôi lai căng, lại nói chúng tôi như thể chúng tôi là những cặn bã của xã hội, là những thành phần bất trị, điên khùng? Cái nữa đừng so sánh thần tượng với gia đình. Với cha mẹ, chúng tôi có những cách bày tỏ khác nhau. Chúng tôi không thể ngày nào cũng hét vào lỗ tai bố mẹ rằng chúng tôi yêu họ, chúng tôi không thể nhảy tưng tưng khi gặp bố mẹ ngoài đường. Bố mẹ và thần tượng hoàn toàn khác nhau. Cách thể hiện yêu cũng thế. Vì vậy đừng trách rằng nếu bố mẹ chúng tôi có mất thì chúng tôi có khóc thế không. Hoàn cảnh khác nhau, con người khác nhau. Mọi người vội vã trách chúng tôi mà có bao giờ nghĩ rằng chúng tôi đã phải đau đớn thế nào không? Cuối cùng, chúng tôi có lí trí và suy nghĩ để biết đặt trái tim yêu mến vào ai. Chắc chắn chúng tôi không thể yêu loại nghệ sĩ suốt ngày lấy xìcăngđan làm cần câu cơm, chúng tôi càng không thể yêu thương loại nghệ sĩ khoe khoang, đùa giỡn tình cảm, từ bỏ trách nhiệm... Khi chúng tôi đã thần tượng, nghĩa là chúng tôi đã trải qua quá trình tìm hiểu và theo dõi. Họ phải làm cái gì đó để chúng tôi tình nguyện bỏ tiền mua đĩa, tình nguyện đội nặng, tình nguyện chờ đợi hàng giờ... họ xứng đáng được điều đó. Chuyện chúng tôi tiết kiệm, nhịn ăn nhịn mặc để có tiền đi xem thần tượng thì có gì sai? Chúng tôi không cướp ngân hàng, chúng tôi chẳng tham nhũng, chẳng lừa lọc gì xã hội, thế vì sao cứ đè đầu chúng tôi ra mà lên lớp trách móc? Gia đình có điều kiện, bố mẹ đồng ý thì tại sao những người xa lạ lại có quyền cấm cản chúng tôi? Chưa bao giờ tôi cảm thấy tội nghiệp fan Kpop ở Việt Nam đến thế này. Niềm vui của họ trụ chưa được bao lâu thì hàng trăm hàng ngàn lời chỉ trích cứ nhè lấy họ mà đay nghiến, mà xé xác. Chúng tôi có đáng bị thế không? Những trường hợp hôn ghế này nọ chỉ là một phần rất nhỏ. Vì sao mỗi lần nói thì cứ quy chụp tất cả cho chúng tôi? Mệt mỏi, đau đớn và thật sự dần cạn kiệt niềm tin vào truyền thông. Có mấy ai chịu khó lắng nghe chúng tôi, thật sự quan tâm đến cái gọi là tình cảm của chúng tôi? Hay chỉ chà đạp lên tình yêu của chúng tôi? Xin đừng nhìn bề ngoài để phán xét ai đó. Hãy suy nghĩ trước khi viết nhận xét cái gì đó. Lời nói, bài viết của mọi người hoàn toàn có thể giết chết lòng tin của chúng tôi. Hãy công bằng và khách quan đánh giá. Chân thành cảm ơn Tuổi Trẻ - tờ báo luôn có cái nhìn khách quan về mọi việc - đã mở diễn đàn về chúng tôi. |
Bạn nghĩ gì về việc một số người trẻ yêu cầu truyền thông và mọi người nói chung cần tôn trọng cảm xúc với thần tượng của họ? Theo bạn, liệu có "bình thường" không khi một số người trẻ làm fan... cuồng đến mức coi thường cả sức khỏe, tính mạng? Gia đình ở đâu khi fan yêu thần tượng đến quên cả bản thân? Mời bạn chia sẻ trong phần Ý kiến bạn đọc dưới đây hoặc gửi về email [email protected] (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt). |
Các bài viết liên quan đến chủ đề "fan cuồng": | | | | | | | | | | | | | ? | | | | | | | | |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận