Phóng to |
Anh Hồ Khương, dù gia cảnh khó khăn vẫn nuôi bốn con ăn học - Ảnh: Hải Thi |
Những giọt mồ hôi đổ xuống mỗi ngày không chỉ nảy lên những mầm sống xanh tươi cây bắp, cây lúa mà còn làm tươi xanh hơn những cuộc đời trẻ, con cái họ.
Cơ cực bao nhiêu cũng chịu
Tháng 3, giữa nắng trưa oi bức tại một cơ sở điều ở xã Đức Bình, chị Hoàng Thị Kim Phượng (thôn Quảng Thuận, xã Đức Thuận, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận) miệt mài cào điều giữa sân, mồ hôi thánh thót trên gương mặt đen sạm. Chị là một trong 60 hộ nông dân nhận được vốn vay “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” dịp này. Trông chị Phượng già hơn so với tuổi vừa bước qua 40 do những bộn bề lo toan cho gia đình, đặc biệt là bốn đứa con đang tuổi đến trường. Công việc tại xưởng điều của chị là phơi điều, bóc vỏ và đóng gói với thu nhập 80.000 đồng/ngày.
Ngoài làm thuê, cuốc mướn thì thu nhập chính của gia đình chị trông cậy vào hai sào ruộng lúa cùng vườn điều quanh nhà năm được, năm mất. Anh Nguyễn Văn Hà - chồng chị - đi làm thợ hồ, thu nhập bữa đực bữa cái. Dù nghèo khó là vậy nhưng anh chị luôn tự nhủ phải nuôi bốn người con ăn học đến nơi đến chốn. Chị Phượng nói: “Mình đã nghèo, học ít nên giờ có khổ cực bao nhiêu cũng phải quyết tâm cho con đến lớp, mai này mới đổi đời được”.
Bốn đứa con chị Phượng luôn phấn đấu, học tập tốt. Nói về số tiền vay vốn không lãi của chương trình, chị Phượng vui mừng khoe dự định: “Tôi sẽ mua con heo nái và mấy con heo thịt để nuôi, kiếm thêm đồng tiền cho tụi nhỏ đến trường”.
Phóng to |
Chị Hoàng Thị Kim Phượng với công việc bóc điều hằng ngày - Ảnh: Ngô Thiên Phúc |
Oằn vai cho các con ngoan
Trong ngôi nhà trống hoác nằm chơ vơ trên cát trắng của gia đình anh Hồ Khương, xã Đức Chính, huyện Đức Linh (Bình Thuận) tài sản chẳng có gì. Ở đó chỉ thấy chồng sách vở của mấy đứa con và nhiều bằng khen học sinh giỏi.
Ở vùng đất nghèo này, bốn người con của anh Khương là Hồ Thị Kim Hoàn, Hồ Thị Kim Oanh, Hồ Anh Ninh và Hồ Thị Kim Liên khiến người làng khâm phục. Trong đó Kim Hoàn (ĐH Ngân hàng TP.HCM) không những học giỏi mà còn hoạt động năng nổ trong phong trào Đoàn - Hội, ẵm về giải nhì “Thủ lĩnh sinh viên” năm 2011, là học sinh nghèo học giỏi tiêu biểu nhận học bổng “Chung một ước mơ” (chương trình “Vì ngày mai phát triển” lần 206 do báo Tuổi Trẻ tổ chức)...
Không thua kém chị, Kim Oanh (ĐH Y dược TP.HCM) khiến niềm vui của ba mẹ nhân đôi khi đậu cùng lúc hai trường đại học danh tiếng. Em trai Anh Ninh luôn đứng trong top 5 suốt 11 năm đèn sách, bé út Kim Liên tám năm liền là học sinh khá giỏi...
Nhìn lên những tờ giấy khen trên tường, anh Khương nói: “Dường như hiểu thấu nỗi cơ cực của vợ chồng tôi, trời cho các con đều ngoan và học giỏi từ mẫu giáo”.
Để bức tường có nhiều bằng khen, vợ chồng anh chị quanh năm mướt mồ hôi trên ruộng rẫy. Chị bán mặt cho sáu sào đất trồng điều, tiêu, luân canh bắp, lúa. Anh thì nhận hết việc cuốc mướn cày thuê, ai kêu gì làm đó.
Gánh nặng càng oằn trĩu khi những năm gần đây sông La Ngà khô hạn, tiền mua giáo trình, tài liệu, sách vở của các con cứ ngày một tăng cao... Nhưng vợ chồng anh chị không nản chí chùn lòng: “Ngày xưa tôi cũng ham học, vì hoàn cảnh phải bỏ dở nên giờ cực mấy cũng phải ráng lo cho con!”.
Tiếp sức cho 60 nông dân ở Bình Thuận Lễ trao vốn không lãi suất cho 60 hộ nông dân nghèo có con vượt khó học giỏi thuộc hai huyện Đức Linh và Tánh Linh trong chương trình “Tiếp sức nhà nông cho con đến trường” sẽ diễn ra tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) vào sáng 25-3. Chương trình do báo Tuổi Trẻ cùng Hội Nông dân và Tỉnh đoàn Bình Thuận tổ chức. Tổng kinh phí hỗ trợ chương trình là 850 triệu đồng do Công ty cổ phần GreenFeed Việt Nam tài trợ. Mỗi hộ nông dân ngoài nhận được 12 triệu đồng tiền mặt còn được Công ty GreenFeed tài trợ thức ăn chăn nuôi (trị giá 2 triệu đồng) và tư vấn kỹ thuật chăn nuôi miễn phí trong hai năm. Dịp này, ban tổ chức cũng trao năm phần thưởng cho năm gia đình tiêu biểu vượt khó với trị giá 500.000 đồng/hộ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận