Các em học sinh trung học Hàn Quốc tới động viên các anh chị lớp lớn trong kỳ thi đại học ở Seoul, Hàn Quốc - Ảnh: Reuters
Là một trong những nước dẫn đầu về điểm số Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA), Hàn Quốc là nước được giới nghiên cứu giáo dục rất quan tâm tìm hiểu. Một trong những "bí quyết" của họ: khi dạy con, cha mẹ hãy là "huấn luyện viên" chứ không phải "người cổ vũ" con mình.
Đây là điều đã được tác giả, nhà báo Amanda Ripley (người Mỹ) nghiên cứu đúc rút và chia sẻ lại trong cuốn sách Những đứa trẻ thông minh nhất thế giới (The smartest kids in the world) của bà.
Để có được những chia sẻ này, bà Ripley theo chân ba học sinh người Mỹ tới ba nước Phần Lan, Hàn Quốc và Ba Lan trong một năm để tìm hiểu cách những nền giáo dục này dạy trẻ em của họ tư duy.
Cuộc đua giành "tấm vé vàng"
Hàn Quốc, Phần Lan và Ba Lan là ba nước liên tục có thành tích tốt trong các kỳ thi PISA. Điều đáng nói, vài thập kỷ trước họ không có được nhiều đứa trẻ thông minh như bây giờ. Họ đã thay đổi, hay nói cách khác, giáo dục của họ đã thay đổi.
Ở bài viết này, chúng ta chỉ tập trung vào câu chuyện giáo dục của Hàn Quốc, sự tham gia góp sức của gia đình, cụ thể là cha mẹ, trong việc tạo nên những đứa trẻ "thực học" như thế nào.
Trước hết phải thừa nhận ở Hàn Quốc, sức ép học hành, thi cử là rất lớn. Học sinh phổ thông ở đây ngoài giờ học chính khóa từ sáng đến chiều, các em còn phải tiếp tục học thêm 5 tiếng nữa để chuẩn bị cho cuộc thi đại học vô cùng khắc nghiệt. Trung bình, mỗi em học sinh Hàn Quốc dành tới 15 tiếng mỗi ngày để học.
Bất kể luật giới nghiêm đặc biệt, cảnh sát sẽ tuần tra tại các trung tâm luyện thi (tiếng Hàn là "hagwon") để nghiêm cấm việc dạy và học sau 11h đêm, các trung tâm vẫn tìm cách lách luật. Bản thân học sinh vẫn có thể học tiếp sau giờ này ở nhà bởi được sự khuyến khích của chính cha mẹ.
Sở dĩ việc học trở nên "ám ảnh" với cả học sinh lẫn cha mẹ như thế là bởi tại Hàn Quốc, gần như mọi công việc danh giá, có thu nhập cao đều do những người tốt nghiệp từ một trong số ba trường ĐH danh giá nhất đảm nhiệm.
Ba trường đó được gọi tắt là "SKY", một từ viết tắt được dùng phổ biến tại Hàn Quốc cả trên truyền thông đại chúng cũng như của chính các trường này. Trong đó "S" là Seoul National University (ĐHQG Seoul), "K" là Korea University (ĐH Hàn Quốc) và "Y" là Yonsei University (ĐH Yonsei). Điều này cũng có nghĩa, nội việc đỗ vào SKY thôi cũng đã là "tấm vé vàng" để có một cuộc sống phong lưu, thoải mái.
Theo lẽ tự nhiên, cuộc đua tranh giành những "tấm vé vàng" ấy vô cùng khốc liệt, chỉ 2% thí sinh xuất sắc nhất trúng tuyển. Bởi vậy, nhiều bậc cha mẹ Hàn Quốc dù không thích hệ thống giáo dục cũng như áp lực học quá lớn với con vẫn phải nỗ lực thích ứng vì phần tưởng thưởng cho những nỗ lực ấy quả thực quá hấp dẫn tới mức khó từ chối.
"Huấn luyện viên" chứ không phải "cổ động viên"
Cũng bởi thực tế này, không ngạc nhiên khi cha mẹ Hàn Quốc là những người nổi tiếng vì luôn tận tụy trong việc đồng hành với con, thúc đẩy (và cả thúc ép) sát sao để con họ đạt được kết quả học tập tốt nhất có thể.
Song, điều quan trọng và đáng học hỏi hơn là cách chọn trở thành những "huấn luyện viên" trong cuộc sống của con khi chúng còn nhỏ. Trên thực tế, họ coi việc giáo dục con là một phần công việc làm cha mẹ.
Các nghiên cứu cho thấy họ dạy con theo cả cách không chính thức (kiểu như khảo bảng cửu chương trong lúc làm việc nhà) lẫn cách chính thức và có hệ thống như dành toàn bộ thời gian buổi tối để dạy con đọc hay làm toán, hướng dẫn con làm bài tập về nhà...
Theo bà Amanda Ripley, thực tế này rất khác so với các ông bố, bà mẹ Mỹ điển hình. Họ thường ngại phải cùng con học theo cách này, hoặc thường cảm thấy con họ nên học thông qua chơi thay vì phải chịu quá nhiều áp lực.
Phụ huynh Mỹ cũng thường khen ngợi con ngay cả với những thành công nhỏ nhất để tăng lòng tự tin cho chúng. Nói cách khác, họ là những "người cổ vũ" nhiệt thành với con. Trên thực tế, một nghiên cứu cho thấy 85% cha mẹ Mỹ cảm thấy cần khen ngợi con thông minh để chúng tin là mình đúng như vậy.
Nhưng lại cũng có nhiều nghiên cứu khác chỉ ra phương pháp làm "huấn luyện viên" của con sẽ mang lại nhiều lợi ích hơn cho trẻ. Những em được cha mẹ dành thời gian bảo ban học hành khi còn nhỏ thường sẽ có kết quả học tập tốt hơn ở trường.
Thêm nữa, theo bà Amanda Ripley, cách dạy con của "người cổ vũ" có thể gây tác động tiêu cực đến trẻ. Không ít nghiên cứu chỉ ra việc khen ngợi không đúng hoặc thái quá có thể khiến trẻ tự mãn, không còn muốn nỗ lực thêm nữa.
Vì sao điểm số PISA được đánh giá cao?
Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) do nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) phát triển ra đời năm 2000 nhằm đánh giá năng lực của học sinh 15 tuổi ở ba lĩnh vực: đọc, làm toán và khoa học.
Khác với nhiều cuộc đánh giá có trước, bài thi PISA được thiết kế đặc biệt để đánh giá khả năng tư duy phân tích và kỹ năng giải quyết vấn đề của học sinh hơn là những gì chúng học thuộc lòng trên lớp. Chẳng hạn, các em được cấp cho công thức toán trong khi thi, nhưng phải hiểu và phân tích được các thông tin từ sơ đồ, bảng biểu, sử dụng thông tin đó để giải quyết những vấn đề các em chưa từng gặp trong lớp học.
Các nhà kinh tế học sau này đã chứng minh bằng dữ liệu thống kê cho thấy có một mối liên hệ qua lại giữa điểm số PISA và tốc độ tăng trưởng kinh tế dài hạn của một đất nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận