01/07/2017 17:13 GMT+7

​Cha mẹ giúp con phát triển tư duy, cảm xúc

THẢO NHƯ - TR.N.
THẢO NHƯ - TR.N.

TTO - Cảm xúc đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển của trẻ nhỏ và làm cách nào để giúp trẻ nhỏ phát triển tối ưu cả hai chỉ số thông minh (IQ) và trí tuệ cảm xúc (EQ) ngay từ nhỏ?

Nhà báo Hoàng Nguyên, đại diện ban biên tập báo Tuổi Trẻ, tặng hoa cho các diễn giả dự tọa đàm - Ảnh: HỮU KHOA

Các chuyên gia về sức khỏe và dinh dưỡng có mặt tại tọa đàm “Để thành công trong tương lai trẻ em cần được chuẩn bị những gì?” do báo Tuổi Trẻ tổ chức sáng 1-7 đã đưa ra nhiều giải pháp đáng quan tâm dành cho cha mẹ có con nhỏ.

EQ song hành với IQ giúp trẻ thành công

Tham dự tọa đàm, nữ diễn viên Ốc Thanh Vân - một người mẹ có ba con nhỏ - chia sẻ: “Trước đây, tôi nghe mọi người nói nhiều đến tư duy, trí thông minh IQ và cũng rất quan tâm đến phát triển IQ cho con. Gần đây, tôi tò mò, chú ý tìm hiểu rất nhiều về EQ và nhận thấy EQ thật sự quan trọng cho sự thành công của con sau này”.

Ốc Thanh Vân cho rằng: “Cha mẹ có trách nhiệm đồng hành cùng con nâng cao chỉ số cảm xúc, chủ động tạo ra một môi trường tràn ngập yêu thương, giúp con có thói quen chia sẻ cảm xúc, nhận ra và thấu hiểu xúc cảm của con”. Cô cũng rất quan tâm tìm hiểu “làm sao để theo dõi đánh giá cũng như phương pháp nào thích hợp cho việc nâng cao chỉ số EQ của con trẻ từ sớm”.

Diễn viên Ốc Thanh Vân: “Là người mẹ, tôi ý thức được rằng chỉ số cảm xúc của con trẻ nếu được hình thành và dung dưỡng từ sớm là yếu tố quan trọng với sự thành công về sau” - Ảnh: HỮU KHOA

 

Thạc sĩ Trần Đình Dũng - một chuyên gia nghiên cứu về EQ và là tác giả cuốn sách “Món quà của bố” - gợi mở: “Chúng ta có thể gieo và kích hoạt cảm xúc tích cực cho con trẻ. Ví như con có thể gọi tên sự vật sai nhưng đó là cảm nhận ta tôn trọng và khuyến khích bé nói về điều đó, trước hết ta nên là người nói với con về cảm nhận và suy nghĩ của mình. Điều quan trọng hơn hết là phải dành thời gian trò chuyện với con mình. Thậm chí người bố và người mẹ phải có “giáo trình riêng” bàn bạc và phối hợp để đồng hành cùng con”.

Thạc sĩ Trần Đình Dũng: “Nhiều phụ huynh chỉ quan tâm chuyện nuôi con sao cho lên cân, học thật nhiều chứ ít biết cách giúp trẻ phát triển tối ưu 3 kỹ năng giao tiếp, sự hợp tác và sự đồng cảm” - Ảnh: HỮU KHOA

Chuyên gia Trần Đình Dũng đánh giá: “IQ và EQ đều đặc biệt quan trọng cho nền tảng thành công của trẻ về sau. Tiến sĩ Travis Bradberry, tác giả những công trình nghiên cứu và những quyển sách bán chạy nhất thế giới về trí tuệ cảm xúc đã thống kê: 90% người thành công hàng đầu đều có trí tuệ cảm xúc rất cao; người có trí tuệ cảm xúc cao luôn có mức thu nhập cao hơn so với người có trí tuệ cảm xúc thấp; và trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng đến 58% những thể hiện trong công việc.

Nếu như IQ liên quan mật thiết đến ba kỹ năng: tư duy phản biện, khả năng tập trung, khả năng giải quyết vấn đề; thì EQ liên quan trực tiếp và giúp trẻ phát triển tối ưu ba kỹ năng quan trọng khác: khả năng giao tiếp, sự hợp tác và sự đồng cảm”.

“Rõ ràng nếu EQ được phát triển song song với IQ thì trẻ không chỉ thông minh mà còn dễ thành công hơn, dễ hạnh phúc hơn trong cuộc sống” - ông Dũng kết luận.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn: “Cha mẹ cần nuôi dưỡng trẻ với chế độ dinh dưỡng thật hợp lý trong “1.000 ngày đầu đời” của con, giúp trí não con phát triển lẫn phòng ngừa những bệnh mãn tính về sau” - Ảnh: HỮU KHOA

 

Dinh dưỡng cho trí não của trẻ rất quan trọng

Tham dự tọa đàm, PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn (phó chủ nhiệm bộ môn nhi, ĐH Y dược, TP.HCM) cũng chia sẻ về tầm quan trọng của trí thông minh cảm xúc trong sự phát triển của trẻ nhỏ.

Bác sĩ Tuấn nói: “Các bà mẹ có thể hình dung: Nếu như IQ & EQ là phần mềm thì não bộ chính là phần cứng. Để phát triển IQ & EQ cho bé, không thể thiếu công việc quan trọng là phát triển não bộ. Có thể nói, 5 năm đầu đời chính là giai đoạn quan trọng nhất ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển trí tuệ của trẻ về sau. Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển trí não trong đó bao gồm di truyền, môi trường xung quanh bao gồm môi trường giáo dục và đặc biệt chế độ dinh dưỡng”.

Tiếp lời bác sĩ Tuấn, bác sĩ Hoàng Thị Tín (trưởng khoa dinh dưỡng Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM) cho biết: “Năm năm đầu đời của bé là giai đoạn não bộ bé phát triển nhanh nhất. Não của bé cần có dinh dưỡng hợp lý để cung cấp năng lượng hợp lý cho sự phát triển đó. Não bộ của bé cần có chất dinh dưỡng phù hợp để phát triển tối ưu, đặt nền tảng cho sự phát triển trí não, tư duy cũng như cảm xúc”.

Bác sĩ Hoàng Thị Tín (bìa phải): “Chế độ dinh dưỡng có vai trò hết sức quan trọng nhằm phát triển toàn diện IQ lẫn EQ cho trẻ” - Ảnh: HỮU KHOA

Các bác sĩ khẳng định nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất và được quan tâm hơn hết là nguồn sữa mẹ vốn là “thức ăn hoàn hảo” nhất dành cho trẻ giai đoạn đầu. Từ xưa đến nay, các nhà nghiên cứu thường nỗ lực tìm ra các loại công thức sữa “gần với sữa mẹ nhất”, sản xuất các sản phẩm chứa các thành phần dinh dưỡng tương tự, nhằm cố gắng cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự phát triển IQ lẫn EQ của trẻ.

Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn nhắc đến dưỡng chất DHA có từ 15 năm qua hay một thành phần dinh dưỡng mới nhất được phát hiện có tầm quan trọng không kém cho việc thúc đẩy phát triển trí não ở trẻ là MFGM (Milk Fat Globule Membrane - màng cầu chất béo trong sữa)...

Bác sĩ Hoàng Thị Tín cho biết thêm: “Bằng hàng loạt nghiên cứu khác nhau, các nhà khoa học nhận ra rằng sữa công thức kết hợp DHA và MFGM kết hợp giúp các tế bào não tăng kết nối gấp 2 lần so với chỉ chứa DHA riêng lẻ. Khi trẻ được cung cấp đầy đủ hàm lượng DHA theo khuyến cáo, bộ não sẵn sàng cho việc kích thích các tế bào thần kinh liên kết với nhau tạo thành một hệ thống khá hoàn chỉnh. Còn MFGM giúp não hoạt động tốt hơn, tăng cường khả năng miễn dịch giảm nguy cơ trẻ bị sốt, viêm tai giữa và tiêu chảy”.

THẢO NHƯ - TR.N.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp