Nhiều phụ huynh ở TP.HCM sốt ruột khi "con nhà người ta" 5 tuổi đã đọc thông, viết thạo. Họ nóng lòng vì "con người ta đã học trước cả rồi, con mình không học chương trình lớp 1 từ mầm non thì vào lớp 1 sẽ mất tự tin, không thể theo kịp bạn bè".
Với những lý do như vậy, nhiều cha mẹ tại TP.HCM đang đổ xô cho con đi luyện các lớp tiền tiểu học hoặc gửi con đến trung tâm để học trước chương trình lớp 1.
Tuy nhiên, theo chuyên gia, việc dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ 5 tuổi lại có nhiều tác dụng ngược.
Phòng giáo dục mầm non - Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có đề nghị gửi đến tất cả các trường mầm non trên địa bàn yêu cầu đảm bảo không dạy trước chương trình lớp 1 cho trẻ lớp lá.
Nguyên nhân, việc chuẩn bị cho trẻ sẵn sàng vào học lớp 1 phải đảm bảo phù hợp với sự phát triển của trẻ em theo lứa tuổi, đồng thời tôn trọng khả năng, thiên hướng của từng em.
Ví dụ, hoạt động dạy học cho trẻ lớp lá không thể yêu cầu trẻ phải ngồi học suốt 1 giờ liền mà nên chia ra ít nhất 2 - 3 hoạt động học. Mỗi hoạt động kéo dài từ 5 - 20 phút, sau đó sẽ để cho trẻ nghỉ ngơi để chơi một trò chơi nhỏ khoảng 5 phút rồi mới bắt đầu vào đợt học thứ 2, thứ 3.
Việc dạy trẻ trước chương trình học lớp 1 không phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ dưới 6 tuổi và hoạt động chủ đạo của trẻ mầm non. Điều đó ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện của trẻ.
Vì thế, phòng này yêu cầu các trường đảm bảo thực hiện chương trình giáo dục mầm non để trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, bảo vệ và giáo dục để phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm, thẩm mỹ.
Trẻ cần được học tập an toàn, thân thiện, giàu cảm xúc, có ý nghĩa đối với sự phát triển trẻ em. Theo Phòng giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, đó là những tiền đề cần thiết để trẻ vào học tập tốt ở lớp 1, không phải là dạy trước chương trình lớp 1.
Chương trình lớp 1 không thiết kế dành cho sự phát triển của trẻ mầm non
Trẻ mầm non 5 đến dưới 6 tuổi sẽ có những khác biệt về tâm lý, tình cảm và yêu cầu đòi hỏi phát triển khác với trẻ từ 6 tuổi trở lên. Trong các hoạt động dạy học, trẻ 5-6 tuổi cần được dạy khác với học sinh lớp 1.
Ví dụ, trong hoạt động giúp trẻ phát triển ngôn ngữ, trẻ 5-6 tuổi phát triển ngôn ngữ thông qua hoạt động vui chơi cùng nhau, đặc biệt là trò chơi đóng vai theo chủ đề kích thích trẻ phải sử dụng ngôn ngữ.
Theo đó, mối quan hệ xã hội của trẻ mở rộng, được tiếp xúc với nhiều người lớn, với các bạn, trẻ được người lớn hướng dẫn sử dụng ngôn ngữ: từ vựng, ngữ âm, ngữ điệu, ngữ pháp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận