Trong khi đó, nhiều người lớn tuổi mong muốn được sống trong không khí đầm ấm của gia đình, được sum vầy với con cháu và có thể đóng góp tài chính cho con cái. Ngược lại con cái cũng mong có thêm các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi bởi hầu hết gia đình giờ đây chỉ có 1-2 con, khi cha ốm mẹ đau không có nhiều người phụ giúp. Tuy nhiên, cuộc sống hằng ngày thôi cũng có thể xuất hiện nhiều va chạm do khoảng cách tuổi tác và đặc biệt không phải con cái lúc nào cũng hiểu được tâm tính cha mẹ già.
Bà Trần Thanh Huệ (Đồng Nai) đang được cháu ngoại Lê Thị Vy chăm sóc trong lúc chữa bệnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
* Cụ Lê Trung Tấn (91 tuổi, Bạc Liêu): Làm được gì thì cố gắng để con cái bớt lo lắng
Nếu được chung sống và gần gũi với con, cháu thì thật sự không gì tốt bằng. Nhưng khi các con tôi trưởng thành và đều có gia đình riêng để lo lắng rồi thì làm cha mẹ phải chia sẻ với con cái. Vợ chồng tôi tuy già nhưng sức khỏe còn tương đối nên hàng ngày vẫn làm được những việc lặt vặt trong nhà. Hai người già hủ hỉ với nhau cũng có thể sống ổn được.
Tôi có sáu người con nhưng tất cả đều ở xa và quá bận rộn với công việc cơ quan, làm ăn sinh sống. Vì lo lắng cho vợ chồng tôi, nên một người con gái phải xin nghỉ hưu sớm để mỗi tuần chạy xuống nhà tôi hai, ba lần để thăm nom, đi chợ, làm thức ăn sẵn, dọn dẹp nhà cửa. Ngày nào không xuống nó cũng điện thoại thăm chừng. Còn các con, cháu khác lâu lâu mới về thăm. Bây giờ để các con nó phải lo, phải chăm sóc sẽ ảnh hưởng phần nào đến công ăn việc làm của con cái. Nếu con cái khá giả thì không nói chi, chứ nó nghèo túng lấy đâu bù đắp cho mình. Nếu không bù đắp cho mình thì nó áy náy, mà bù đắp cho mình nó phải gặp khó khăn. Cho nên làm cha, làm mẹ khi tuổi già về hưu, cố gắng làm được việc gì phải cố gắng tự lực để giảm phần lo lắng cho các con.
Tuy con cháu, dâu rể của tôi tới 20 người nhưng tất cả đều ở riêng và ở xa nên mâm cơm thường chỉ có hai người già thui thủi, nhà cửa cũng buồn, trống vắng. Nhưng vì hoàn cảnh con cái mỗi đứa mỗi nơi, mỗi đứa mỗi cảnh nên không thể đòi hỏi con cháu phải về ở tụ tập quanh mình được. Tâm trạng của người cha người mẹ khi về già bao giờ cũng muốn con, cháu nó quây quần bên mình nhưng hoàn cảnh con cái như vậy nên chúng tôi không đòi hỏi. Nếu con cái có điều kiện thì về thăm cũng tốt, không có điều kiện cũng không sao. Miễn là các con hiểu thảo, điện thoại thăm nom, động viên mình là đủ rồi.
Thực ra các con tôi đã bàn đưa vợ chồng tôi lên TP.HCM ở cùng nhưng chúng tôi không thể xa quê hương được. Cả đời gắn bó với nơi chôn nhau cắt rún, với mồ mả ông bà cha mẹ, bà con lối xóm, quen nếp sống quê gần gũi thân tình… nếu phải rời xa tôi cảm thấy như cái cây bị bứng ra khỏi đất.
Chưa kể, thật lòng mà nói, tôi thấy nếp sống của người già chúng tôi nhiều khi không phù hợp với nếp sống của người trẻ. Như tôi có thói quen thích câu cá, muốn trồng rau, đi tới lui làm việc gì đó cho thoải mái tinh thần, nhưng con cái lại cho rằng không cần thiết phải làm vậy mà phải ở nhà nghỉ ngơi. Nhưng người già suốt cuộc đời quen lao động chân tay rồi, bây giờ vẫn muốn làm việc lặt vặt cho chân tay đỡ bứt rứt. Như vợ tôi 85 tuổi rồi, chân tay yếu hơn tôi nên cứ nằm đọc báo suốt ngày mà không làm gì nữa cũng buồn và mệt mỏi lắm.
Người già chúng tôi còn có thói quen như đi ngoài đường gặp vật gì thấy tiện việc sau này thì hay nhặt về để khi cần sẽ lấy ra dùng. Thế nhưng tụi trẻ nó cự, rồi phàn nàn sao cái gì cũng tích trữ, rồi bảo phải vứt đi. Những lúc như vậy, tôi thấy hơi bực mình, không được thoải mái vì con cái không hiểu, bắt mình phải sống theo sự điều khiển của con cái chứ không được theo ý mình.
* Bà Lưu Thị Nguyệt (53 tuổi, TP.HCM): Cần có dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi
"Chúng tôi mong nhà nước quan tâm, có chế độ ưu đãi hơn cho người cao tuổi. Ngành y tế nên tổ chức tốt và thuận tiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Nếu có bác sĩ gia đình đến tận nhà chăm sóc sức khỏe định kỳ, đến thăm khám những khi đau ốm trở trời, đau nhức, ăn uống khó tiêu…thì rất tốt cho người cao tuổi. Họ sẽ không phải vất vả đến bệnh viện đông đúc, chờ đợi rất lâu mới được khám bệnh một cách sơ sài. Chúng tôi cũng rất mong nhà nước hoặc các tổ chức, công ty tư nhân quan tâm đầu tư xây dựng các trung tâm dưỡng lão để giúp đỡ người già cô đơn, những câu lạc bộ có hoạt động thực chất, thiết thực để người cao tuổi có nơi gặp gỡ, sinh hoạt và dễ dàng chia sẻ vui buồn với nhau" |
Người cao tuổi hiện gặp rất nhiều khó khăn do con cái bận rộn nhiều việc ngoài xã hội, không có thời gian chăm sóc trực tiếp cho cha mẹ. Cha mẹ tôi đều đã trên dưới 90 tuổi nhưng hai cụ vẫn phải tự lo cơm nước hàng ngày và chăm sóc nhau. Làm con nhưng không lo lắng được cho cha mẹ, tôi thấy rất áy náy. Dù không nói ra, nhưng tôi biết chắc chắn cũng rất buồn. Ở góc độ con cái, tôi thấy cha mẹ mình luôn mong muốn có bàn tay con cái trực tiếp chăm sóc, lo cơm nước, bữa ăn, giấc ngủ và nhiều thứ khác hàng ngày. Nhưng con cái nhiều khi lại không lo lắng được cho cha mẹ như mong muốn.
Thực tế, người già có những suy nghĩ rất khác, hiểu biết của người già có hạn chế nên nhiều khi con cái hướng dẫn, trao đổi thường không nghe. Nhiều khi con cái nói thế này nhưng cha mẹ lại nghĩ kiểu khác, rồi buồn, rồi giận… Cha mẹ có kinh nghiệm sống hơn mình nhưng kiến thức khoa học nhiều khi bị hạn chế nên có khi nói, cha mẹ không thông mà luôn cho rằng “hồi đó thế này, hồi đó thế kia”. Nhiều khi tôi phân tích cho cha mẹ hiểu thì cha mẹ không tranh luận thêm nhưng ông bà không vui.
Để sống chung và hòa hợp được với cha mẹ già là điều khó nhưng nếu có tình thương và trách nhiệm với cha mẹ sẽ vượt qua được những khó khăn này. Theo tôi, con cái cũng phải đặt mình vào vị trí của cha mẹ, phải hiểu thế hệ của cha mẹ có những suy nghĩ, nếp sống cách xa mình vài chục năm để lắng nghe và thấu hiểu tâm tư, tình cảm của cha mẹ, để thông cảm và giúp đỡ cha mẹ khi tuổi già, nhất là khi đau ốm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận