15/08/2019 06:01 GMT+7

Cha mang tiếng 'thằng tù giết người', gia đình tan nát

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Không chỉ sự thờ ơ của các cơ quan tố tụng trong việc truy tìm hung thủ để vụ án hết thời hiệu mà còn có dấu hiệu khởi tố, bắt giam oan một người dân. Hậu quả làm cả một gia đình người này tan nát, con cái thất học, gia cảnh xác xơ...

Cha mang tiếng thằng tù giết người, gia đình tan nát - Ảnh 1.

Anh Võ Ngọc, con trai ông Võ Tê, bên căn nhà chất chứa nhiều kỷ niệm buồn của gia đình mình - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Cha tôi qua đời với nỗi oan khuất không thể nào nguôi. Bị hàng xóm xa lánh, bị họ hàng ở quê không nhìn mặt. Ông chết đi với sự ghẻ lạnh của nhiều người. Đó là nỗi đau không thể nào nói hết. Tôi mong muốn các cơ quan có trách nhiệm làm rõ để minh oan cho cha tôi. Chúng tôi đều không được học hành đến nơi đến chốn, cũng không có điều kiện đi kêu oan cho cha.

Anh VÕ NGỌC

Người đó là ông (sinh năm 1932, ngụ thôn 3, xã Tân Minh, huyện Hàm Tân, Bình Thuận). Ông Tê bị khởi tố, bắt giam và mang thân phận bị can 39 năm qua, đến khi chết đi vẫn chưa được rửa oan.

Chỉ vì biết chữa bệnh mà thành kẻ giết người

Ngay sau khi vụ giết bà Phan Thị Khanh xảy ra, cơ quan điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam ông Võ Tê. Tuy nhiên, sau 5 tháng tạm giam, ông Tê được thả về nhà với thân tàn ma dại, hàng xóm xa lánh vì cho rằng ông là kẻ giết người cướp của.

Bệnh tật, nghèo khó và mặc cảm, ông Tê chết trong buồn tủi.

Căn nhà nhỏ cách hiện trường nơi xảy ra vụ án không xa, hơn nữa ông Tê lại là người biết lấy thuốc nam, cắt lể cạo gió chữa bệnh nên thường được hàng xóm nhờ giúp mỗi khi có người bị cảm mạo, thương hàn.

Tối hôm xảy ra vụ án mạng, ông Tê đang ngồi trong căn nhà tranh uống rượu thì nghe tiếng người la khóc inh ỏi. Rồi ông Bồi (hàng xóm) nói: "Chú ra gấp, chị Khanh bị trúng gió".

Ông Tê, với thói quen của thầy thuốc, liền bật dậy hớt hải chạy đến chỗ bà Khanh. Lúc ông Tê tới đã thấy mẹ bà Khanh và ông Phan Thanh (em ruột bà Khanh) cùng vài người ở đó.

Lúc này ông Thanh kêu lên: "Trời ơi, chị tôi bị chém rồi, máu không". Rồi ông Thanh nhặt cây rựa dính máu đưa cho ông Tê cầm xem. Sau đó, ông Tê bắt mạch, sờ vào bụng nạn nhân và lắc đầu nói bà Khanh đã chết rồi.

Lúc này, bà Hồng, mẹ nạn nhân Khanh, ôm thi thể con gái khóc, tay còn dính máu thì chồm sang ôm vào chân ông Tê nói: "Nhờ chú cứu lấy con Khanh". Do vậy, ống quần ông Tê cũng dính máu. Ông Tê không ngờ đó là vết máu định mệnh của đời ông.

Tối đó, sau khi về đến nhà thì công an tới bắt ông và hỏi về vết máu trên ống quần. Rồi họ đưa ông lên xã, từ xã lên huyện.

Rất nhanh, một ngày sau (1-8-1980), đồng thời với việc khởi tố vụ án, Công an huyện Hàm Tân khởi tố bị can và tạm giam ông Tê để điều tra về hành vi giết người, cướp tài sản.

Cha mang tiếng thằng tù giết người, gia đình tan nát - Ảnh 3.

Di ảnh ông Võ Tê. Đến chết ông vẫn mang thân phận bị can - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Đến lời khai giết người cướp của, hiếp dâm

Ngay từ khi bị bắt, ông Tê đã khai chiều hôm đó ông cùng hai con trai (Võ Ngọc, 16 tuổi và Võ Cường, 8 tuổi) đi câu ở suối gần nhà. Mấy cha con chỉ câu được mấy con cá nhỏ đem về nướng ăn bữa cơm tối và ông Tê ngồi nhắm rượu. Miếng cá nuốt chưa xong thì xảy ra chuyện.

Ông Tê bị bắt, cả hai con ông cũng bị nhốt ở công an huyện một ngày, không được ăn uống gì.

"Mẹ có mang lên cho tôi ít bắp luộc, nhưng tôi không được ăn. Tôi bị nhốt một ngày một đêm và bị bắt viết đi viết lại lời khai nhiều lần. Viết sao họ cũng không vừa lòng. Họ hỏi tại sao ba cha con đi câu mà mỗi người đi một hướng? Tại sao cần câu lại nhỏ như thế này? Ba cha con câu được mấy con cá, tại sao lại ít như thế?

Bố tôi không thể ngờ được vì biết bốc thuốc cứu người, vì muốn cứu người mà cả gia đình phải chịu những năm tháng tủi nhục như vậy" - anh Võ Ngọc nói.

Không chỉ bắt ông Võ Tê, mà căn nhà lợp bằng lá buông cũng bị gỡ từng nắm lá xuống để tìm vàng, tiền. Tủ quần áo, thùng đựng gạo, bắp, mì khô trong nhà cũng bị đổ hết ra lục lọi.

"Không một ngóc ngách nào trong nhà không bị đào bới lên. Bữa đó, mấy mẹ con vừa bưng mâm cơm lên chưa kịp ăn thì họ đổ cả nồi cơm ra đất, khoắng cả nồi canh lên, bới từng tí tro than trong bếp. Cha bị bắt, nhà tan hoang" - con gái ông Võ Tê vừa nói vừa khóc.

Lúc mới bị bắt, ông Tê một mực kêu oan, nói mình không giết bà Khanh. Tuy nhiên, sau nửa tháng bị bắt giam, ông Tê thay đổi lời khai và nhận mình chính là hung thủ.

Lời khai của ông Tê tại cơ quan điều tra thể hiện: Khoảng 17h chiều 31-8-1980, ông đi câu cá, đến khoảng 18h về dọc đường lộ lên rẫy rình bắt kẻ trộm mía nhưng không phát hiện ai nên đi về nhà.

Trên đường về, thấy chị Khanh gánh bắp ra gần đường lộ, ông Tê hỏi: "Bẻ bắp hết rồi hả Khanh?", rồi đưa tay phải sờ vào âm hộ chị Khanh. Chị Khanh gạt tay ông Tê ra và la lớn, rồi bỏ gánh bắp xuống, dùng đòn gánh đánh ông Tê.

Ông Tê liền chụp lấy cây rựa ở đầu gánh bắp chém tới tấp vào người chị Khanh, rồi bỏ về nhà.

Sau khi ông Tê nhận tội, ông được đưa về Công an tỉnh để tiếp tục điều tra nhưng sau khi lên tỉnh, ông Tê không nhận tội nữa mà khai lại như lời khai ban đầu.

Căn cứ kết quả khám nghiệm tử thi, hiện trường và các chứng cứ thu thập được, Công an tỉnh cho rằng không đủ cơ sở để kết tội ông Tê nên ngày 30-12-1980, ông được lệnh tạm tha.

Cha mang tiếng thằng tù giết người, gia đình tan nát - Ảnh 4.

Anh Võ Ngọc - Ảnh: HOÀNG ĐIỆP

Trở về trong đau ốm và tủi nhục

Sau 5 tháng bị giam và được tạm tha kèm lời dặn bất kể khi nào gọi cũng phải trở lên công an, ông Tê trở về nhà với tiếng tăm là kẻ giết người, cướp của và có ý định hiếp dâm nạn nhân Khanh.

"Năm đó tôi đang học lớp 7, từ nhà đến trường toàn gặp những ánh nhìn dè bỉu vì mình là con của kẻ giết người. Ba bị bắt, nhà đã nghèo càng nghèo hơn, nên cuối cùng tôi nghỉ học, các em cũng nghỉ học" - anh Võ Ngọc, cựu chiến binh chiến trường Campuchia, cay đắng kể.

Căn nhà nhỏ của ông Tê hiện không có người ở, do con út của ông đi làm ăn xa. Giữa nhà có chiếc ban thờ đặt di ảnh vợ chồng ông.

"Ba tôi đã sống những năm tháng cuối đời đầy tủi nhục và cay đắng. Ông kể 5 tháng ở trong tù ông bị biệt giam, chân tay bị cùm cả ngày, khắp người lở loét. Khi được thả về, ông không đứng nổi.

Quãng đường từ tỉnh về nhà chừng 60km mà ông phải đi trong nhiều ngày, vừa đi vừa ăn cỏ cây dọc đường rồi mới về đến nhà" - anh Ngọc kể.

Nỗi đau của gia đình ông Võ Tê không chỉ dừng lại ở việc con cái thất học, gia cảnh tan hoang, xơ xác... mà "án treo" giết người, cướp của còn đeo đuổi con cái ông đến tận tuổi trưởng thành.

Anh Võ Ngọc sau khi nghỉ học đã xung phong đi bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Anh nghĩ đó là con đường để mọi người có cái nhìn thiện cảm hơn với gia đình anh.

Chiến trường K., nhiều đồng đội đã hi sinh, anh may mắn sống sót trở về. Thế nhưng khi tìm hiểu và yêu một người con gái ở xóm khác thì bị người ta dị nghị: "Lấy chi con thằng giết người".

Chị Chung Thị Hạnh, vợ anh Ngọc, nhớ lại: "Lúc ấy nghe người ta dị nghị vậy nhưng người anh họ của tôi đi nghĩa vụ cùng ảnh nói người ta nói vậy thôi chứ ba nó không giết người đâu, nó tốt lắm. Cha mẹ tôi cũng thương nên không ngăn cản".

Từ trại giam trở về, ông Võ Tê cũng ít tiếp xúc với hàng xóm, hằng ngày ông đi rẫy hoặc đi câu con tôm con cá để cải thiện bữa ăn. Từ đó, ông cũng không dám đi chữa bệnh cho ai nữa.

Năm 1994, ông Võ Tê qua đời và đến nay vẫn mang thân phận bị can.

Nhận định gây nhưng không giải oan

Trong báo cáo số 1103 gửi Bộ Công an ngày 3-7-2019, Công an Bình Thuận nhận định rõ: "Việc khởi tố, bắt giam ông Võ Tê về tội giết người cướp của" là không đủ chứng cứ. Theo quy định hiện hành là oan sai.

Trong khi đó, anh Võ Ngọc nói bản thân anh và gia đình đều nghĩ rằng nếu cha anh có tội thì người ta không thể thả ra như vậy. Nhưng không ai nói với gia đình anh là cha anh có tội hay không, nên đến khi chết cha anh vẫn mang tiếng là thằng tù giết người.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: oan sai án oan Võ Tê
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp