Phóng to |
Hệ thống nhà hàng - bar Vân Bình phát triển mạnh ở Warsaw |
... Những năm của thập niên 1990 có thể nói là giai đoạn vàng son của những quán ăn Việt trên khắp đất nước Ba Lan. Người ta nhẩm tính vào thời kỳ cao điểm, riêng ở thủ đô Warsaw có không dưới 300 nhà hàng lớn nhỏ của người Việt ngày đêm nổi lửa. Chính vì thế không thể tính nổi mỗi ngày các đầu bếp Việt cho ra đời bao nhiêu chiếc “Saigonki” - món ăn khoái khẩu phục vụ các thượng đế người bản xứ.
Vì sao là Saigonki?
Cuối năm 1989, tôi sang Ba Lan theo diện thực tập sinh. Trước khi ra sân bay, không hiểu ai mách nước vợ tôi nhét cố vào vali hai túi bánh đa nem (bánh tráng dùng cuốn chả giò) khoảng 5kg đã được bọc gói kỹ lưỡng cùng lời dặn dò: “Địa chỉ đây nhá, cứ gặp anh D., chủ quán Bông Sen là xong việc...”.
Tới cửa khẩu Warsaw, hải quan Ba Lan khám xét qua loa, một nhân viên mở túi bánh đa nem kiểm tra xong anh ta phẩy tay, nháy mắt nhìn tôi thủng thẳng nói “Saigonki!”. Tôi ngơ ngác chẳng kịp hiểu anh ta nói gì và có lẽ đấy là từ ngữ “Saigonki” đầu tiên tôi được nghe trên đất bạn...
Câu chuyện vỡ ra theo lời kể của anh D. chủ quán: “Ông anh quan tâm làm gì, món ăn nào cũng phải có tên. Khách bản xứ khoái khẩu món nem rán VN lắm. Hồi đầu mở quán có ông khách quen vốn là nhà báo lão thành cứ nhất quyết khẳng định món nem rán này là của Sài Gòn - hòn ngọc Viễn Đông. Ông ta từng thưởng thức món ăn này từ năm 1954, khi Ba Lan là thành viên của Ủy ban Quốc tế giám sát đình chiến tại VN...
Thôi thì cũng được, cũng hay! Sài Gòn, Hà Nội cũng là đất Việt. Tụi em liền khai sinh đưa vào thực đơn: Saigonki, chữ “ki” ở cuối theo ngữ pháp Ba Lan có nghĩa số nhiều vì một suất nem thường ba chiếc”. Không biết cái tên có thật xuất xứ từ quán ăn của anh D. không nhưng kể cũng vui bởi món ăn Việt từ nay mang cái tên rất riêng vì ở nhiều nơi trên thế giới, người ta thường gọi món nem rán (chả giò) một cách ngắn gọn dễ phát âm là nem.
Chinh phục
Phóng to |
Cô Beata thưởng thức Saigonki: “Không hiểu sao giờ đây mỗi lần thưởng thức, tôi đều cảm thấy ngon hơn, tuyệt vời hơn” |
Năm 1995, tôi lại đến Ba Lan, khi ngồi trong phòng khách của khách sạn Ewa tại thủ đô Warsaw, bất ngờ đọc được mẩu tin giới thiệu trong tập san dành cho người du lịch xuất bản bằng tiếng Anh: “Bạn tới Warsaw, nếu muốn thưởng thức những món ăn mang hương vị Á đông, xin mời tới những quán bar ăn nhanh của người VN tại quảng trường Konstytucji. Ở đó bạn có thể khai vị bằng món Saigonki tuyệt vời...”.
Tự dưng thấy len lỏi niềm tự hào bởi ngành du lịch Ba Lan thường xuyên dẫn đầu về lượng khách du lịch trong khối đông Âu hồi ấy và họ xem những quán ăn nhanh của người Việt như một thứ “gia bảo” đem ra trưng bày gây sức hấp dẫn cho du khách tứ phương. Thậm chí một anh bạn sinh viên người bản xứ đang theo học khoa ngữ văn Trường Tổng hợp còn hài hước quả quyết: “Ông cứ tin đi, không bao lâu nữa trong cuốn bách khoa toàn thư của Cộng hòa Ba Lan chắc chắn phải bổ sung phần giải nghĩa sự khác biệt giữa hai từ Saigon địa danh và Saigonki nem rán!”.
Từ quán Bông Sen ngày ấy đến cả bây giờ, khách sành điệu Ba Lan thường có thói quen gọi món “Saigonki” để khai vị trong các bữa ăn. Một vài quán ăn Trung Hoa dù đã tồn tại từ lâu ở Warsaw cũng đành phải chiều lòng khách bản địa, họ phải chấp nhận đưa từ “Saigonki” bằng tiếng Việt vào thực đơn của họ như để hoàn thiện nhu cầu đòi hỏi của thực khách ưa thích nghệ thuật ẩm thực Á đông.
Món nem rán cổ truyền của người Việt đã thật sự chiếm lĩnh ngôi vị trong đời sống giao lưu ẩm thực quốc tế, đến mức không ít người trong giới trẻ Ba Lan đã hiểu lơ mơ như thể “Saigonki” chính là biểu tượng về con người VN nồng nhiệt, năng động đang hiện diện trên đất nước họ và ngược lại, VN như hình ảnh thu nhỏ trong món “Saigonki” đầy hấp dẫn lôi cuốn thực khách khắp mọi nơi.
Một phen chìm nổi
Có lẽ đến nhiều năm sau này người Việt ở Ba Lan cũng không thể quên vụ xìcăngđan tồi tệ vào những năm đầu thế kỷ 21. Khởi đầu từ việc cơ quan có trách nhiệm nước bản xứ phát hiện một vài người Việt bắt giữ chim bồ câu, vịt trời nhốt ở quán bar. Sau nhiều ngày theo dõi, họ bắt quả tang một người Việt chuyên hành nghề làm thịt những chú chó không rõ xuất xứ để kinh doanh phục vụ riêng cho đồng bào mình thèm món thịt cầy Nhật Tân.
Nhân đó, vài tờ báo, đài truyền hình tư nhân thiếu thiện ý đã cố làm rùm beng, gieo mối nghi ngờ về nguồn thực phẩm dùng trong quán ăn của người Việt lâu nay. Người dân bản xứ, dù có vô tư mấy chăng nữa, cũng không thể chấp nhận những thông tin quá tệ hại trùm lên hệ thống nhà hàng, quán bar người Việt đang hoạt động trên đất nước họ. Lập tức, thái độ tẩy chay của thực khách với những quán “Wietnamska”, nhà hàng châu Á lan truyền khắp lãnh thổ Ba Lan.
Tội nghiệp những chiếc nem rán “Saigonki”. Bỗng nhiên chúng bị vu vạ là thủ phạm chứa chấp thân xác được băm nhỏ của các chú khuyển tội nghiệp và tất nhiên những người làm ra chúng phải đón nhận một hậu quả phũ phàng, cay đắng ngay những ngày tháng sau đó. “Saigonki” được sản xuất với số lượng mỗi ngày một ít nhưng vẫn ế chỏng chơ, vài ba ngày lại đổ thùng rác trước nỗi đau não lòng của chủ nhân.
Người lao động Việt thiệt hại vô kể. Lắm người từng một thời ăn nên làm ra với nghề bỏ mối nem cho hàng quán phải về VN vì... thất nghiệp. 2-3 năm sau đó, quán ăn VN lắt lay tồn tại. Thay vào đó, ẩm thực Thổ Nhĩ Kỳ qua món bánh kẹp thịt cừu nướng Kebab bắt đầu khuynh đảo thị trường bar ăn nhanh ở Warsaw, họ đã chiếm lĩnh ngoạn mục trận địa mà người Việt bắt buộc phải rời bỏ.
Bám trụ
Sau thất bại, một số nhỏ người Việt vẫn kiên nhẫn trụ lại trong nghề kinh doanh ăn uống ở Ba Lan, họ đang nhất thời nhẫn chịu và cùng chung một nỗi niềm như vậy. Từ mùa hè 2007, tôi đã nhận thấy điều này ở vài ba quán ăn Việt mới nâng cấp tại khu kiôt đường Jana Pawla, tuy không lớn nhưng được đầu tư nội thất sang trọng, sạch sẽ. Dưới hầm nhà ga trung tâm, đối diện quán Kebab từ lâu vẫn có một bar xinh xắn mang tên “SaiGon”, trang hoàng đẹp đẽ lịch sự và tồn tại qua cơn sóng gió. Khách bản xứ mọi miền đất nước ra ga lên tàu chưa quên được “Saigonki” và những món ăn Việt.
Anh T.K., người tái lập thành công hệ thống nhà hàng - bar Vân Bình đang phát triển mạnh ở Warsaw, bộc bạch: “Tôi tin rằng nếu kiên tâm làm ăn đàng hoàng, nền ẩm thực đất Việt mình vẫn mau chóng đánh thức được sự quên lãng của người dân bản xứ. “Saigonki” nhất định trở về với chỗ đứng của nó”.
Mùa hè mới đây tôi còn lạc bước tới nhà hàng Rồng Vàng khá nổi tiếng ở tỉnh biên giới Szesczin giáp nước Đức. Mấy hôm liền ở đây người ta vẫn đang tất bật sản xuất “Saigonki” vì có khách bên nước Đức láng giềng đặt hàng. Anh Phan S. - chủ nhà hàng người Nghệ An - hào hứng cho biết nhà hàng của anh với cách làm ăn đổi mới đã lấy lại sự yêu mến, tin tưởng của khách bản xứ từ mấy năm nay và đặc biệt lượng khách trong cộng đồng EU cũng tăng mạnh. Cùng với thời gian, họ đang yên tâm tìm lại niềm vui thưởng thức món “Saigonki” của người Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận