Ông Hồ Quang Cua trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ Online ngay khi đáp chuyến bay và về Việt Nam - Ảnh: CHÍ QUỐC
Chiều tối 14-11, ngay khi vừa đáp chuyến bay xuống TP.HCM rời cuộc thi mà giống ST25 được công nhận là "gạo ngon nhất thế giới". "Cha đẻ” giống gạo này: Anh hùng lao động Hồ Quang Cua đã trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ Online ngay.
Ông Cua cho biết đây là lần đầu tiên sau 11 năm tổ chức, giống gạo của VN mới đoạt giải nhất. Và để có kết quả này tôi và các cộng sự đã mất hơn 20 năm ròng rã âm thầm lội ruộng, nghiên cứu, lai tạo...
- Xin chúc mừng ông và các cộng sự. Xin ông chia sẻ cụ thể để có kết quả hôm nay hành trình hạt gạo ST25 từ khi phôi thai tới khi được công nhận là ngon nhất thế giới?
Đọc lại sử liệu VN giai đoạn đầu thế kỷ 20 chúng ta sẽ thấy rằng hạt gạo Gò Công và gạo Bãi Xào trên trăm năm trước đã nổi tiếng ở thị trường Hương Cảng (Hong Kong) và châu Âu. Còn tại Sóc Trăng, 3 năm sau khi nước ta bắt đầu xuất khẩu gạo, giống lúa KDM trồng ở vùng nước lợ ven biển đã thu hút ghe tàu nườm nượp đến thu mua vào mỗi mùa lúa chín.
Mặc dù là giống lúa thơm mới du nhập nhưng năng suất giống này còn cao hơn cả giống lúa chịu mặn bản địa được tuyển chọn từ thời Nam Kỳ còn là thuộc địa của Pháp. Hai sự kiện cách nhau gần 80 năm minh chứng cho điều kiện thổ nhưỡng đất Sóc Trăng phù hợp cho cây lúa thơm.
Ông Hồ Quang Cua chia sẻ độc quyền với Tuổi Trẻ Online chiều 14-11 - Ảnh: CHÍ QUỐC
Cách đây hơn 20 năm, Thái Lan công bố đã lai tạo được hai giống lúa thơm không cảm quang mà họ gọi là hạt vàng. Tôi suy nghĩ tại sao họ làm được còn mình lại không? Thế là trong đầu tôi suy nghĩ đến giống lúa thơm cho VN và đầu thế kỷ 21, nhóm nghiên cứu lúa Sóc Trăng (ST) được hình thành và tồn tại từ tới ngày hôm nay.
Công việc chúng tôi là vừa làm vừa học, và đến năm 2003 đã có 3 thạc sĩ. Việc lai tạo giống tiến hành từ năm 2002, sau khi đã thu thập được tương đối đủ giống bố mẹ.
Như vậy, đây là cuộc hành trình dài, rất dài. Nếu lấy mốc tận mục sở thị hai giống lúa thơm mới ở Bangkok ngày 1-5-1998 thì đã gần hai mươi năm. Còn nếu lấy mốc ngày lai tạo để chọn ra ST24, ST25 thì cũng gần 12 năm. Nhưng không sao, phải có người mở lối, lâu dần mới thành đường.
Kỹ sư Hồ Quang Cua
Vừa lai, chọn vừa rút kinh nghiệm để xây dựng các tổ hợp lai mới. Vật liệu lai tạo được sưu tầm từ nhiều nguồn, trong nước lẫn nước ngoài. Giống bố mẹ thu thập từ Đài Loan, Bangladesh, IRRI (Viện Nghiên cứu lúa quốc tế), Thái Lan, Bắc Bộ, Nam Bộ... Các tổ hợp được lai phức hợp gồm nhiều giống bố mẹ (ST20 có 7 bố mẹ) và đến ST24, ST25 còn nhiều hơn.
Lai phức hợp làm cho việc cho ra dòng ổn định cần thời gian dài hơn lai đơn rất nhiều (thường là 11-12 vụ) và quy mô khu chọn giống rất rộng vì các con lai phân ly rất mạnh và kéo dài, nhưng cuối cùng sẽ có nhiều dòng đạt chất lượng theo mục tiêu đề ra.
Giống lúa và gạo ST25 vẫn đang trong giai đoạn thăm dò thị trường - Ảnh: Ông Hồ Quang Cua cung cấp
Rút kinh nghiệm từ năm 2002, mãi đến năm 2004 mới có tổ hợp lai chọn ra được giống tốt và phóng thích năm 2009, sau đó được công nhận, đoạt giải thưởng Bông lúa vàng.
Năm 2008, hai tổ hợp lai mới được thực hiện chọn, đến năm 2014 thì ổn định và khảo nghiệm, rồi đến năm 2016 xong. Năm 2017, giống lúa ST24 đoạt giải nhất trong cuộc thi Festival lúa gạo tổ chức ở Sóc Trăng, và đến cuối năm đó giống này lọt vào top 3 thế giới trong một sự kiện tổ chức tại Macau (Trung Quốc).
Năm 2018, giống này lại đoạt giải trong Festival lúa gạo VN lần thứ 3. Năm 2019, giống ST24, ST25 được Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tuyển chọn dự thi quốc tế lần thứ 11 ở Manila (Philippines) và cả hai cùng lọt vào tốp đầu thế giới và ban giám khảo chọn ST25 để trao giải nhất như mấy hôm nay truyền thông đăng tải.
- Tiêu chí chấm giải của cuộc thi này ra sao? So với các cuộc thi lần trước thì lần này có gì đặc biệt hơn không, thưa ông?
Cuộc thi được Tổ chức Thương mại lúa gạo thế giới tổ chức hằng năm từ năm 2009 và liên tục tổ chức mỗi năm 1 lần đến hôm nay là năm thứ 11.
Qua danh sách các giống đã đoạt giải có thể thấy đều là lúa thơm cổ truyền, hạt gạo trắng, trong, thơm, cơm ngon, mềm. Tiêu chí dự thi là phải nộp 2 túi gạo, mỗi túi 2kg cùng bảng mô tả 200 chữ, cho biết tỉ lệ nước, gạo phù hợp để nấu cơm ngon.
Ngoài yếu tố chất lượng họ còn cho điểm hình thức. Ban giám khảo là đầu bếp chuyên nghiệp và đẳng cấp trên thế giới.
Gạo ST25 được đóng gói tại TP Sóc Trăng - Ảnh: KHẮC TÂM
Còn so với lần trước, lần này có gì đặc biệt không? Điểm đầu tiên là VFA lần đầu tiên đã tổ chức cuộc thi trong nước để tuyển chọn giống gởi đi thi trên danh nghĩa hiệp hội này. Điểm thứ hai là địa điểm thi được tổ chức ở Manila nơi mà dù cho 60 năm trước Viện Lúa quốc tế được thành lập và đóng trụ sở, cơ sở nghiên cứu tại đây nhưng nước này vẫn là nước nhập khẩu nhiều gạo mà trong đó doanh nghiệp VN là nhà xuất khẩu chủ yếu.
Cho nên cuộc thi năm nay được rất nhiều doanh nghiệp VN chứng kiến vì họ vừa đi dự hội nghị vừa đi thăm khách hàng của họ.
Mua "gạo ngon nhất thế giới" ở đâu?
- Thưa ông, người tiêu dùng nội địa muốn mua "gạo ngon nhất thế giới" của ông thì có thể mua ở đâu? Giá cả thế nào?
Từ hai năm nay, sau khi gạo ST24 đoạt giải top 3 gạo ngon nhất thế giới tại Macau, người tiêu dùng cả nước ít nhiều đều có tiếp cận loại gạo này.
Đặc biệt, thị trường Hà Nội rất ưa thích gạo này vì dạng đẹp, trắng trong, cơm thơm ngọt, rất mềm. Tại Hà Nội, dự án gạo Việt, Công ty cổ phần lương thực Thủ đô có bán loại gạo này. Đặc biệt là với phương thức gởi hàng qua bưu điện, gạo thơm được lưu hành một cách dễ dàng.
Tại Sóc Trăng, giá mỗi bọc 5kg tại các đại lý là 100.000 đồng, tại Cần Thơ là 120.000 đồng. Giá cả có chênh lệch chút ít ở các thị trường khác nhau do chi phí vận chuyển.
Đối với gạo ST25 là loại gạo mới được khảo nghiệm xong và đang trong giai đoạn thăm dò thị trường. Gạo này cũng thơm, trắng, đẹp như ST24 nhưng hạt cơm dẻ hơn, phù hợp hơn cho người trẻ tuổi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận