Phóng to |
95% người dân vạn đò trong xóm tái định cư vạn đò Lại Tân, xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) không biết chữ nên giấy tờ đều nhờ ông Kèn viết rồi họ chỉ việc điểm chỉ vào - Ảnh: Tiến Long |
Đó là cha con ông Võ Văn Kèn và Võ Văn Thương ở khu định cư vạn đò tại thôn Lại Tân, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
“Văn phòng” ông Kèn
Đầu giờ chiều ngày đầu năm, nhà ông Võ Văn Kèn tấp nập người ra vào. Lúc đến, mỗi người đều cầm trên tay một túi hồ sơ lỉnh kỉnh nhiều loại giấy tờ. Như thói quen, ông Kèn nhận hồ sơ, phân loại rồi cặm cụi ngồi viết từng lá đơn. Người dân chỉ việc thảnh thơi đứng chờ đến khi đơn viết xong thì dùng tay điểm chỉ vào. Cứ thế, mỗi lá đơn được ông Kèn viết trong vòng vài ba phút. Trời chạng vạng tối, người cuối cùng mới ra về. Ông Kèn phân trần: “Người dân ở đây không biết chữ, có ngày mô tui không phải viết đơn cho họ mô”.
Trước giờ người dân phải làm bao nhiêu thủ tục, giấy tờ, trong khi phần lớn họ không biết chữ. Cả xóm vỏn vẹn chưa đầy 5% người biết chữ. Nhà ông Kèn trở thành “văn phòng” soạn thảo giấy tờ, đơn thư cho người dân. Hơn 30 năm qua, chính ông Kèn cũng không nhớ nổi mình đã viết mấy ngàn mẫu đơn. Chỉ nhớ lúc đầu ông phải mày mò, học hỏi viết từng loại đơn, giấy tờ cho đúng. Viết nhiều thành quen, giờ đây người dân đưa hồ sơ đến chỉ cần trình bày qua là ông cầm bút viết ngay một mạch. Lau ngón tay còn dính mực đỏ vừa điểm chỉ, anh Lê Văn Lai, một người dân vạn đò, nói: “Ở xóm ni ai cũng tin và quý bác Kèn. Giấy tờ chi cũng nhờ bác viết. Nhiều lúc giữa trưa bác đang ngủ, có người đến gõ cửa nhờ bác cũng vui vẻ, không chút khó chịu”.
Chúng tôi biết ông Kèn từ khi ông còn làm tổ trưởng xóm vạn đò khu vực 7, phường Vỹ Dạ, TP Huế. Hồi đó, mỗi lần nhắc đến xóm vạn đò mọi người đều bày tỏ nghi ngại về tình trạng mất trật tự. Tại nhiều xóm vạn đò, chuyện vợ chồng bất hòa, gây lộn, đánh nhau, con cái chơi bời lêu lổng, rượu chè, trộm cắp xảy ra như cơm bữa. Riêng ở xóm vạn đò ông Kèn yên ổn hẳn.
Ông Lê Bá Tuấn, trưởng Công an phường Vỹ Dạ (nơi ở cũ của xóm tái định cư vạn đò Lại Tân), kể: “Ông Kèn nắm rõ hoàn cảnh các gia đình trong xóm vạn đò từng chân tơ kẽ tóc. Trong xóm, từ việc nhỏ đến việc lớn ai cũng nhờ ông Kèn nên tiếng nói của ông được bà con lắng nghe. Người nào có biểu hiện trộm cắp, gây lộn là ông đưa vào diện theo dõi. Sau vài lần nhắc nhở không được, ông bắt quả tang thì không còn chối cãi. Phần lớn chuyện bất hòa, gây rối, trộm cắp trong xóm ông Kèn đều ngăn chặn, giải quyết ngay”.
Người đặt tên cho cả xóm
Ông Kèn cho biết bốn đời nhà ông sống trên đò nên ông hiểu rất rõ con người nơi đây. Người vạn đò vốn hiền lành chất phác, chỉ vì đói khổ, thiếu học nên sinh ra bao nhiêu chuyện rắc rối. Họ thật thà đến mức như chuyện chăn gối vợ chồng hay chuyện “cơm không lành canh chẳng ngọt” cũng hỏi ông Kèn. Khi nghe ông giảng hòa, vợ chồng mới cười xòa xấu hổ. “Cũng vì mù chữ mà ra” - ông Kèn thở dài.
Ông Nguyễn Văn Khoai, một cư dân xóm định cư ở thôn Lại Tân, tâm tình rằng chuyện ông Kèn giúp đỡ dân vạn đò kể mấy cũng không hết. Chỉ riêng cái tên của bọn trẻ trong xóm thì đến 95% do ông Kèn đặt. Ông Khoai tâm sự dân vạn đò không được học hành tử tế, đã vậy còn sinh nhiều con. Đến khi làm giấy khai sinh cứ con trai đặt tên cu, con gái thì tên bé. Con nhiều đứa mà cứ gọi cu anh, cu em, bé chị, bé em... cho đến đứa cu út, bé út. Thậm chí, cha mẹ còn không biết tên thật của con. Ông Kèn phải đặt tên cho từng đứa. Đã thế ông còn phải nhớ tên từng đứa con của họ để đặt cho khỏi trùng. “Đặt tên cho một vài đứa còn khó, huống hồ cả xóm ti tỉ con nít. Con trong nhà mà tui còn khó nhớ tên đứa ni đứa tê, rứa mà ông Kèn gặp là đọc tên tụi hắn rành rành” - ông Khoai tấm tắc kể. Cũng nhờ ông Kèn mà năm đứa con ông Khoai đều mang những cái tên thật đẹp: Trà My, Thùy Trang, Thu Sương... Ông Kèn chia sẻ: “Cha mẹ chúng đã đeo đẳng với cái tên thằng cu con bé, chừ tui cố nghĩ cái tên đẹp đặt cho bọn nhỏ, mong chúng có chút đổi thay”.
Cha truyền con nối
Khi xóm vạn đò lên bờ tái định cư, ông Kèn được bầu làm trưởng thôn. Hai năm nay, anh Võ Văn Thương (con ông Kèn), sau khi tốt nghiệp Trường đại học Nông lâm Huế cũng về làm cán bộ hành chính tại UBND xã Phú Mậu, kiêm luôn bí thư chi bộ thôn Lại Tân. Bận bịu công việc ban ngày, nhưng vào mỗi buổi tối anh Thương vẫn mở lớp dạy miễn phí cho các em trong xóm - công việc được anh duy trì từ khi còn là sinh viên đại học. Anh Thương kể khi còn sống trên đò cuộc sống khổ cực, việc học của anh cũng thua kém xa bè bạn. May mắn trong nhà chỉ có hai anh em nên mới được cha mẹ gắng sức cho theo học hết đại học.
Vừa đậu đại học, anh Thương đã mở lớp tình thương dạy cho trẻ vạn đò quanh xóm. Đến khi cả xóm lên tái định cư trên bờ, việc đầu tiên anh nghĩ đến không gì khác là mở lớp dạy học. Hiện tại lớp học của anh thu hút được gần 30 em từ lớp 6-9 tham gia. Mới năm trước hai em Lê Thị Nô và Nguyễn Văn Hùng được anh luyện thi, một người đã đậu đại học, một đậu cao đẳng. “Từ dưới nước lên bờ bà con như được thay máu một lần, giờ chỉ mong các em được học tập giỏi giang thì xem như người vạn đò có cuộc thay máu lần hai” - anh Thương cười hiền.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận