Phóng to |
Cha con hòa đàn |
Phóng to |
Anh em hòa đàn |
Phóng to |
Buổi thuyết trình của TS Trần Quang Hải |
Bị thấp khớp hơn sáu năm qua, từ lâu GS Trần Văn Khê không còn chơi đàn trước công chúng. Ông chia sẻ vì bệnh tật, ngón tay không cho ông bấm phím đàn như ý muốn, cái tai không nghe rõ thanh âm cần nghe, thành thử lâu nay ông chỉ thi thoảng lặng lẽ chơi đàn một mình cho thỏa.
Lần này, nhân dịp con trai là TS Trần Quang Hải về nước dự hội thảo khoa học về hát ví, dặm do tỉnh Nghệ An tổ chức, trong suốt ba ngày trước buổi sinh hoạt nghệ thuật, GS Trần Văn Khê đã luyện lại ngón đàn kìm để có thể hòa đàn với con.
GS Trần Văn Khê cho biết ông đã rất cố gắng vượt qua đau đớn bệnh tật, để được cùng con trai làm lại một việc hai cha con đã làm từ năm 1978: hòa chung một bản đàn.
Tiếng đàn kìm của GS hôm nay không thể giống với tiếng đàn 36 năm trước. Bản gõ muỗng của TS Trần Quang Hải cũng không như ngày ấy, nhưng sự ngẫu hứng và tương tác ý vị giữa hai cha con thì vẫn đậm đà chất “đờn ca tài tử”. Chỉ một cái liếc mắt của người này, người kia đã hiểu ý để đẩy nhanh hay kéo chậm lại tiết tấu hòa chung.
Cũng tại buổi sinh hoạt âm nhạc, TS Trần Quang Hải đã có bài thuyết trình sinh động, bổ ích về đàn môi của Việt Nam và thế giới. Ông đã cho người nghe hiểu thêm về các loại đàn môi, cấu tạo, chức năng và sự ứng dụng đa dạng của đàn môi trong nghệ thuật cũng như đời sống. Người xem bật cười thích thú khi ông dùng đàn môi “nói chuyện” với những câu ví dụ như “Hôm nay tôi đi chơi vui ghê”, “a lô, a lô”…
Với phần lớn công chúng Việt Nam, đàn môi là nhạc cụ còn tương đối xa lạ. Nhiều người cũng như KTS Nguyễn Hữu Thái nghĩ chơi đàn môi hẳn không dễ. Nhưng TS Trần Quang Hải cho biết nếu được chỉ đúng cách, chỉ vài phút là có thể chơi được. Ông chứng minh thuyết phục điều đó khi mời em trai là KTS Trần Quang Minh lên hòa chung một bản đàn môi. Ông Minh cũng chỉ mới học chơi đàn môi sáng hôm đó.
Theo TS Trần Quang Hải, đàn môi chỉ là một trong số hơn 250 loại nhạc cụ của Việt Nam. Do đó, còn rất nhiều việc nữa cần làm để phổ biến các giá trị âm nhạc cổ truyền dân tộc. Vốn là thành viên sáng lập của Hội Đàn môi quốc tế ra đời năm 2002 tại Na Uy, TS Trần Quang Hải mong muốn góp phần thúc đẩy việc ra đời một trường phái đàn môi tại Việt Nam.
Để làm điều này, ông đã và đang đào tạo, hướng dẫn nhiều bạn trẻ ở Việt Nam loại hình nghệ thuật này. Những tiến bộ vượt trội “hơn cả thầy” như của bạn trẻ Đặng Văn Khai Nguyên ở Đồng Nai tại buổi sinh hoạt âm nhạc chính là cơ sở để “giấc mơ lớn” về đàn môi của TS Trần Quang Hải trở thành hiện thực.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận