Các nhà đầu tư trao đổi tại sàn giao dịch SJC quận 1 - ẢNH : TRẤN KIÊN
Cuối tháng 5, ông Lưu Đức Khánh đã đăng ký mua nửa triệu cổ phiếu VJC của chính doanh nghiệp do ông điều hành.
Sau thông tin trên, mã VJC của VietJet bắt đầu bức phá liên tục tính từ ngày 31-5 cho đến phiên hôm nay (8-6).
Mã VJC tăng trưởng ấn tượng 6 phiên liền, trong đó, có hai đợt tăng trần liên tiếp. Suốt bốn phiên gần nhất, khối ngoại ồ ạt mua ròng cổ phiếu VJC
Trong phiên hôm nay, vượt qua "bão lửa" thị trường, VJC đứng giá ở ngưỡng 179.000 đồng/cổ phiếu. Hiện tại, vốn hóa thị trường của VJC được tăng thêm 14.443 tỷ đồng.
Ông Lưu Đức Khánh đang nắm giữ gần 380.000 cổ phiếu VJC, nếu đợt mua cổ phiếu này hoàn tất, tổng khối lượng cổ phiếu mà CEO VietJet nắm giữ là gần 880.000.
Tính theo giá chốt phiên giao dịch của mã VJC ngày hôm nay, khối lượng cổ phiếu do ông Khánh mua vào trị giá gần 90 tỷ đồng.
Trở lại diễn biến thị trường, VN Index bắt đầu làm thót tim nhà đầu tư khi lao dốc không phanh về đáy 1.025 điểm vào cuối phiên sáng. Sắc đỏ bao trùm thị trường cho đến gần 14h chiều.
Lúc 14h15, lực giao dịch mạnh nhất phiên xuất hiện, đạt trên 3,2 triệu cổ phiếu, kéo VN Index trở lại vùng xanh. Kết thúc phiên giao dịch trong ngày, VN Index chỉ tăng được 2,32 điểm, đạt 1.039 điểm, duy trì phiên tăng thứ 6 liên tiếp kể từ đầu tháng 6.
Chỉ số nhóm VN30 "đỏ lửa" với 16 mã sụt giảm nhưng không đủ sức làm cho VN Index "rớt đài". Ngành bán lẻ tăng trưởng mạnh 2,14% cùng các mã VN30 trụ cột nâng đỡ thị trường.
Mã MWG của Thế giới di động tìm lại sắc xanh vào cuối phiên chiều, bật tăng 4.600 đồng, lên 121.000 đồng/cổ phiếu. Mã FPT của Tập đoàn FPT cũng tăng 150 đồng, lên 47.950 đồng/cổ phiếu.
Bên cạnh các mã mạnh như VNM, SAB và GAS đỏ sàn, mã VIC của Tập đoàn Vingroup quay đầu tăng trưởng trở lại vào giữa phiên chiều và đứng giá 124.200 đồng/cổ phiếu khi chốt phiên.
Khối ngoại giữ vẫn giữ lực mua ròng các mã ngân hàng VN30 như BID, CTG và VCB, khiến cho ngành ngân hàng giữ được chỉ số tăng trưởng 1% và ngăn chặn đà sụt giảm của VN Index.
Mã VCB của Ngân hàng Vietcombank nhận được lực mua ròng suốt 10 phiên, phiên hôm nay tăng thêm 1.000 đồng, lên 59.700 đồng/cổ phiếu.
Mã BID của Ngân hàng BIDV tăng 300 đồng, lên 31.500 đồng/cổ phiếu. Mã CTG của Ngân hàng Vietinbank tăng 200 đồng, lên 28.550 đồng/cổ phiếu.
Trường hợp mã TCB của Ngân hàng Techcombank tăng trần phiên thứ hai liên tiếp 6.800 đồng, lên 105.200 đồng/cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư nhận định là có tác động của nỗ lực kéo giá từ "tổ lái".
Ngược chiều với Techcombank, mã MSN của Tập đoàn Masan, nơi nắm giữ 15% cổ phiếu của ngân hàng mới lên sàn này, đã có đợt suy giảm khá mạnh 1.300 đồng, còn 86.000 đồng/cổ phiếu sau khi tăng liên tiếp 6 phiên.
Thanh khoản toàn thị trường hôm nay xuất hiện dấu hiệu tụt dốc rõ rệt, khi chỉ còn 5.500 tỷ đồng, thấp hơn phiên hôm qua 500 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng phiên thứ hai nhưng giá trị không đáng kể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận