31/12/2024 09:13 GMT+7

Cây lá 'bổ dương' dùng sao cho đúng?

Nhiều quý ông ngâm rượu với cây lá như cây dâm dương hoắc uống để phòng chống các trục trặc không muốn có trong đời sống vợ chồng. Nhưng cần biết cách chế biến và sử dụng đúng để tránh gây hại, thậm chí là nguy cơ vô sinh.

Cây lá 'bổ dương' dùng sao cho đúng? - Ảnh 1.

Cây dâm dương hoắc - Ảnh minh họa

Nội tiết tố sinh dục trong thực vật

ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm khoa y học cổ truyền Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết rượu ngâm cây lá như dâm dương hoắc là loại thuốc bổ dương (bổ thận cố tinh) của y học cổ truyền.

Loại rượu này rất thích hợp trong phòng và chống các trục trặc không muốn có trong đời sống tình dục như: Bất lực, xuất tinh sớm, di tinh, giảm sút ham muốn...

Theo dược học cổ truyền, dâm dương hoắc có tác dụng bổ thận tráng dương. Kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngoài công năng cải thiện hệ thống miễn dịch, có lợi cho tim mạch và chống lão hóa, dâm dương hoắc có khả năng thúc đẩy quá trình sinh trưởng phát dục và nâng cao năng lực hoạt động của tuyến sinh dục.

Lý do cây này được gọi là dâm dương hoắc vì xưa kia người ta thường lấy lá của loại cây này cho dê ăn để làm tăng khả năng giao phối của chúng. Dâm dương hoắc là một trong những vị thuốc bổ dương của dược học cổ truyền.

Theo dược học cổ truyền, dâm dương hoắc vị cay ngọt, tính ấm; có công dụng ôn thận, tráng dương (làm ấm tạng thận và khỏe dương khí), cường cân tráng cốt (làm mạnh gân xương) và khứ phong trừ thấp.

Kết quả nghiên cứu dược lý hiện đại cho thấy, dâm dương hoắc có tác dụng tương tự như nội tiết tố sinh dục, làm tăng trọng lượng của thùy trước tuyến yên, tinh hoàn, buồng trứng và tử cung trên động vật thực nghiệm, kích thích quá trình bài tiết tinh dịch, nâng cao năng lực hoạt động của tinh hoàn, qua đó gián tiếp làm hưng phấn và tăng cường khả năng "chuyện ấy".

Dâm dương hoắc còn có khả năng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu trắng, tụ cầu vàng, phế cầu khuẩn, thậm chí cả trực khuẩn lao. Vị thuốc này cũng có tác dụng giảm ho, trừ đờm, chống co thắt phế quản, làm hạ huyết áp và bảo hộ tế bào cơ tim trong điều kiện thiếu oxy nhờ làm tăng lưu lượng động mạch vành.

Trên thực tiễn lâm sàng học hiện đại đã có những công trình nghiên cứu khảo sát khả năng trị liệu của dâm dương hoắc đối với một số bệnh lý nội khoa như cơn đau thắt ngực do thiểu năng động mạch vành, suy nhược thần kinh, viêm phế quản mạn tính, viêm khớp trẻ em, thiểu năng sinh dục...

Cây lá 'bổ dương' dùng thế nào cho đúng? - Ảnh 2.

Rượu dâm dương hoắc dùng sai có thể gây vô sinh - Ảnh minh họa

Dùng tùy tiện hại nhiều hơn lợi

ThS Toàn cho biết dâm dương hoắc còn có nhiều tên gọi như cương tiền, phương trượng thảo, thiên lưỡng kim, hoàng liên tổ, ngưu giác hoa, phế kinh thảo... Tuy là thảo dược quý nhưng không phải cứ mua lá về là ngâm mà phải biết chế biến. Theo cổ nhân, có thể dùng dưới dạng sống hoặc sao, nhưng tốt nhất là nên dùng dạng sao. Có năm cách sao:

- Sao với mỡ dê, một lạng dâm dương hoắc thường phải cần 20g mỡ dê. Ðem mỡ dê rán lấy mỡ nước, bỏ tóp rồi cho dâm dương hoắc đã thái vụn vào sao nhỏ lửa cho đến khi thấm hết mỡ là được;

- Sao với muối, thường dùng nước muối 2% với lượng vừa đủ, sao dâm dương hoắc cho đến khi khô hết nước, dược liệu chuyển màu hơi đen là được; 

- Sao với rượu, mỗi lạng dâm dương hoắc cần dùng từ 20-25ml rượu, phun đều rồi sao nhỏ lửa cho đến khi dược liệu khô là được;

- Sao với bơ, mỗi lạng dâm dương hoắc cần dùng 25g bơ, đem bơ đun nóng chảy rồi cho dược liệu vào sao cho đến khi khô là được;

- Sao thường, cho dâm dương hoắc vào chảo, sao lửa nhỏ cho đến khi chuyển màu hơi đen là được.

Sau khi sao xong thì đem ngâm với rượu, thông thường cứ 500g dâm dương hoắc thì cần 5 lít rượu gạo loại một. Ðây là công thức cổ nhân thường dùng, được ghi trong y thư cổ Thọ thế bảo nguyên.

Tốt nhất là chọn loại bình gốm miệng hẹp, lòng rộng để ngâm. Mùa xuân và mùa hạ sau 3 ngày, mùa thu và mùa đông sau 5 ngày là có thể dùng được. Mỗi ngày uống hai lần, mỗi lần từ 15-20ml.

Ðể nâng cao hiệu quả của rượu dâm dương hoắc, người ta thường phối hợp với một số vị thuốc như tiên mao, ba kích, nhục thung dung, tử thạch anh, uy linh tiên, cao lương khương, sinh khương...

Chẳng hạn phối hợp với tiên mao, ba kích và nhục thung dung nhằm nâng cao khả năng bổ thận tráng dương, phòng chống liệt dương và di mộng tinh.

Phối hợp với tử thạch anh để làm ấm tử cung, phòng chống tích cực các chứng bệnh ở phụ nữ như thống kinh, bế kinh, băng huyết, rong kinh, khó thụ thai do thận dương hư suy.

Phối hợp với uy linh tiên để tăng cường khả năng khu phong trừ thấp, phòng chống hữu hiệu bệnh lý viêm khớp do hư lạnh.

Phối hợp với cao lương khương (củ riềng) hoặc sinh khương (gừng tươi) để nâng cao khả năng trừ hàn, phòng chống tích cực bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng và đại tràng do hư lạnh.

ThS Toàn nhấn mạnh đông y quan niệm về thuốc bổ thận tráng dương không phải để sinh hoạt được nhiều. Bổ thận tráng dương là để con người khỏe mạnh. Còn sinh hoạt tình dục chỉ là một vấn đề nhỏ nằm trong đó. Không phải ai bổ thận tráng dương là sinh hoạt tình dục khỏe.

Dâm dương hoắc là một trong những vị thuốc bổ dương của y học cổ truyền. Nhưng thực tế, để cắt một thang thuốc giúp bổ thận tráng dương, bệnh nhân phải được khám kỹ để xem nguyên nhân chứ không có thuốc bổ chung chung.

Hơn nữa, dâm dương hoắc có tác dụng tương tự như nội tiết tố sinh dục nam testosterone. Chất này không chỉ ảnh hưởng đến cơ quan sinh dục của đàn ông mà còn ảnh hưởng tới nhiều bộ phận của cơ thể như hệ tạo máu, hô hấp, hệ cơ xương…

Khi thiếu hụt testosterone sẽ làm quý ông giảm ham muốn, giảm khả năng sinh con nên cần phải bổ sung. Nhưng nếu người đàn ông bình thường, hoặc "khỏe mạnh" mà dùng dâm dương hoắc bổ sung lâu dài dẫn đến dư thừa sinh rối loạn nội tiết tố nam và là nguyên nhân của tình trạng vô sinh.

Chính vì vậy mà ngay cả sách "Trung quốc Dược học Đại từ điển" cũng cho rằng vị này không phải là thuốc bổ chân nguyên, nó chỉ trị cho những người dương hư âm bại. Còn những người có: Tướng hỏa dễ động, dương vật dễ cương, di mộng tinh, tiểu đỏ, miệng khô, mất ngủ... không được dùng.

Ở một số người dùng thuốc có thể gây tác dụng phụ như váng đầu, nôn mửa, miệng khô, chảy máu mũi…

Những điều lưu ý khi dùng

Thứ nhất là không nên uống quá liều chỉ định.

Thứ hai, những người thể chất âm hư hoặc đang mắc các bệnh lý thuộc thể âm hư không nên dùng.

Bệnh cảnh âm hư được biểu hiện bằng các triệu chứng như người gầy, hay có cảm giác sốt nhẹ về chiều, lòng bàn tay và bàn chân nóng, môi khô họng khát, thích uống nước mát, trong ngực bồn chồn không yên, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ, chất lưỡi đỏ khô...

Cây lá 'bổ dương' dùng thế nào cho đúng? - Ảnh 3.Bệnh nhân suy thận nguy kịch vì tự ý uống cây lá chữa bệnh

Nhiều bệnh nhân suy thận tự ngưng điều trị và thay thế hoặc uống kèm thêm các loại lá cây như cỏ mực (nhọ nồi), đậu đen xanh lòng, cây rễ gió, cây mộc thông… khiến bệnh nặng hơn, không thể hồi phục, phải lọc máu suốt đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp