16/04/2020 12:04 GMT+7

Cây gậy vững để vượt khủng hoảng

NGUYỄN AN NAM
NGUYỄN AN NAM

TTO - Đọc sách có lẽ là hình thức sinh hoạt văn hóa ít bị tác động bởi giãn cách xã hội trong thời gian đại dịch diễn ra, thậm chí, xét về một phương diện khác, khi con người bị buộc phải ở nhà thì sẽ có thêm nhiều thời gian cho sách.

Cây gậy vững để vượt khủng hoảng - Ảnh 1.

Banner cổ vũ đọc sách trong mùa “cách ly xã hội” của Công ty sách Phương Nam

Có lẽ đó là lý do độc giả "đổ sang mua sách online" và xu hướng tiêu dùng này có thể sẽ làm thay đổi hành vi mua sách trong tương lai gần. Đáp lại, các nhà sách online trong thời gian này cũng mở những chương trình khuyến mãi đậm, giảm giá sâu thúc đẩy cạnh tranh và kiện toàn về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ để phục vụ khách hàng tốt hơn.

Nhưng những tiện ích trong giao dịch phát hành sách trên không gian công nghệ chỉ là một phần nổi của tảng băng mà các nhà kinh doanh sách chú trọng trang bị. Việc "bù đắp" những thiếu vắng về sinh hoạt văn hóa trong đời sống của sách, các lễ hội và hoạt động truyền thông sách qua mạng đang được (và nên được) giới làm xuất bản quan tâm nhiều hơn. Những chương trình giao lưu tác giả trực tuyến mà vài đơn vị làm sách tư nhân gần đây thực hiện minh chứng rõ hơn xu hướng này. Và sắp tới, sự kiện hội sách online tầm cỡ quốc gia cũng sẽ được tổ chức.

Độc giả trên thế giới đang đón nhận xu thế tham gia các sinh hoạt sách vở như tọa đàm, giao lưu tác giả ngay từ thư phòng hay bancông nhà mình. Còn với những người viết, không phải chờ đến hội sách, một tác giả có thể dễ dàng mở một cuộc trò chuyện trực tuyến với người hâm mộ trên YouTube hay livestream trên Facebook.

Vừa qua, trong những ngày nhàn rỗi, nhiều thầy cô giáo, giảng viên đã chọn ra các tác phẩm ưng ý để đọc trực tuyến trên các kênh mạng xã hội. Các độc giả trẻ cũng kêu gọi nhau tham gia game Challenge (thử thách) đọc những cuốn sách hữu ích, giá trị và viết nhận xét về chúng..., tạo ra không khí trao đổi thú vị trên không gian mạng.

Đã đành việc đọc sách vẫn là trung tâm của văn hóa đọc, nhưng những sinh hoạt có tính tương tác của người đọc, người viết và người làm sách vẫn liên tục mở ra những điều kiện mới để duy trì cái gọi là đời sống của sách giữa xã hội, trong một hoàn cảnh mà nhiều lĩnh vực văn hóa khác phải chấp nhận ngưng trệ.

Với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, lại trong hoàn cảnh khó khăn về kinh tế do tác động bởi đại dịch, trên lý thuyết thì sách sẽ dần dần rút xa ra khỏi địa hạt của tiêu dùng thiết yếu.

Nhưng nếu nhìn vào những nỗ lực tìm cách vượt qua thử thách trong kinh doanh của giới làm xuất bản và những cố gắng giữ gìn sự hiện diện của sách vở tri thức trong đời sống của người đọc, chúng ta có thể tin vào một lý lẽ khác: rồi đây tri thức sẽ là cây gậy vững để vực dậy đời sống tinh thần của con người trong cuộc khủng hoảng về vật chất và sức khỏe.

Mùa COVID-19: Tĩnh tâm khép cửa đọc sách Mùa COVID-19: Tĩnh tâm khép cửa đọc sách

TTO - Khi thế giới chìm trong âu lo với dịch COVID-19, những người dân Ý, Vũ Hán (Trung Quốc) chọn cách hát lên để nâng đỡ tinh thần nhau. Còn ở Việt Nam, nhiều người đang chọn liệu pháp tinh thần là 'giữ lòng tĩnh lặng, đóng cửa đọc sách'.

NGUYỄN AN NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp