Minh họa: Đặng Hồng Quân
Được một năm, trong dịp tết về quê, gặp lại nhau, không hiểu sao anh chị lại liên lạc, một thời gian sau thì “tái hôn” bằng cách trở về sống chung.
Cũng chỉ được mấy tháng sau vợ chồng lại lục đục nên cả hai lại ly hôn lần hai. Ai đi đường nấy nhưng câu chuyện của anh chị trở thành đề tài cho cả xóm bàn tán, rằng sau ly hôn, rất ít cặp có thể nối lại tình xưa nghĩa cũ vì dù gì cũng đã có vết nứt ở trong lòng mỗi người.
Vì không phải tự nhiên mà trước đó kéo nhau ra tòa, mà là trong cuộc sống hằng ngày cũng đã có những hục hặc, những bất đồng.
Khi biết một người đàn ông hay đàn bà bạo hành với người đầu ấp tay gối, dù bằng lời nói hay bằng hành động tay chân, ai cũng chia sẻ kinh nghiệm: "Đã có một lần thì sẽ có lần hai và thêm nhiều lần nữa với mức độ ngày càng trầm trọng hơn, mật độ ngày càng dày hơn".
Nói điều này với người cô đã ly hôn và được xác nhận: "Đúng vậy! Khi vợ chồng không còn tôn trọng nhau hay đã chán nhau mới dùng lời cay đắng hay dùng tới cái tát, nắm đấm con à".
Rồi cô kể về những trường hợp mình gặp, với mẫu số chung là khi đó người chồng có thể đánh vợ và quen tay, người vợ có thể chì chiết chồng và quen miệng, tới khi gia đình đó giống như tù ngục, cả hai cảm thấy ngột ngạt, mệt mỏi. Đến một lúc họ sẽ không còn muốn về nhà nữa.
Chia tay là giải pháp để giải thoát cho nhau. Nó phụ thuộc vào quan điểm sống và ràng buộc quan hệ của từng người, từng gia đình. Có những người vì sĩ diện, vì sợ người thân buồn nên cố sống và giấu nhẹm chuyện "canh không lành, canh không ngọt", trường hợp này khổ nhất vẫn là họ, sau đó là con cái chung nhà.
Có những gia đình nhìn từ bên ngoài vào thấy hạnh phúc lắm, đùng một cái họ đưa nhau ra tòa khiến ai cũng ngỡ ngàng, khi đã đến nước đó ai hỏi họ mới nói, mỗi người sẽ kể xấu về người kia một cách liên tu bất tận, có lẽ vì đã dồn nén lâu ngày.
Sau ly hôn, chị có buồn không? Có lần tôi hỏi một người chị quyết định "tạm biệt" người chồng 15 năm chung sống. Chị bảo buồn, nhưng như thế vẫn đỡ buồn hơn là để một hình thức tốt đẹp, trong khi bên trong mọi thứ đã rỗng, tình thương, sự tôn trọng đã vơi cạn đến đáy rồi.
Con cái có ý kiến gì không chị? Tôi lại hỏi, chị trả lời: "Tất nhiên, không đứa con nào muốn bố mẹ ly hôn, nhưng mình sẽ nói cho con hiểu, phân tích và cho con thời gian chấp nhận, để con biết rằng dù ly hôn với bố nhưng mẹ vẫn yêu con như ngày nào, thậm chí yêu hơn".
Không còn muốn hiểu nhau, không còn có thể "chia ngọt sẻ bùi" thì việc đi xa với nhau là điều không dễ, huống nữa đi cùng nhau đến cuối đời. Nhưng, cân nhắc trước khi quyết định ly hôn, rằng có phải đã hết cơ hội?
Và nghĩ về những đứa con để cố gắng hàn gắn, nghĩ về những đứa con để tha thứ mọi lỗi lầm (nếu có) - để nếu không đi cùng nhau trọn đường dài thì cũng có thể đi cùng con qua quãng đường ngắn nào đó, khi con đã đủ trưởng thành và hiểu cha mẹ cũng có nỗi khổ riêng.
Hôn nhân còn là sự cam kết của hai người trong nhiều sợi dây gắn kết khác, với cha mẹ, họ hàng hai bên, với con cái chung nên giải quyết mâu thuẫn (nếu có) cũng cần bắt đầu bằng tình thương, và càng không nên sát phạt nhau, hăm he nhau!
Và hậu ly hôn, nếu có cơ hội tái hôn dù với người cũ hay người mới cũng cần trân trọng và rút ra bài học quý giá trước đó để không phải kéo nhau ra tòa lần nào nữa...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận