- lò thuốc phiện khét tiếng trước năm 1975 - Ảnh: QUỐC VIỆT
Ngập khói thuốc phiện
Đó là những hình ảnh vẫn còn ám mãi trong trí nhớ cựu binh Tsan Thành, một người Nùng ở biên giới Móng Cái ly hương vào sống ở khu từ năm 1955 đến tận năm 1976, trước khi ông đi kinh tế mới ở Hồng Ngự, Long An.
"Hồi mới vào đến xóm mới này tôi đã 14 tuổi, vẫn nhớ hết mọi chuyện. Ban đầu hầu hết người đồng hương của tôi đều đi làm thuê kiếm sống, nghèo và lương thiện. Nhưng sau đó, không phải ai cũng chịu đi làm xây nhà, bốc vác hay chạy xe nữa. Dựa hơi uy thế của Vòng A Sáng, rồi thói quen nhiều đời sử dụng thuốc phiện đã khiến họ dần chuyển sang nghề bán thuốc phiện" - ông Thành kể.
Sau thành tích... giang hồ đập lộn, tiếng tăm Cây Da Sà được lan truyền bằng khói thuốc phiện! Không chỉ bán thuốc gây nghiện cho khu vực Phú Lâm, xa cảng miền Tây và lính Mỹ trại rađa ở đây, các trùm thuốc phiện Cây Da Sà còn liều lĩnh tỏa vào tận địa bàn Minh Phụng, Bình Tây, Chợ Lớn...
Đặc biệt, nhiều ngôi nhà lụp xụp ở ngay khu Cây Da Sà cũng nhanh chóng trở thành chốn giường chiếu, điếu đóm cho những kẻ nghiện ngập nàng tiên nâu.
Khách hàng đầu tiên của họ chính là dân tại xóm, những người Nùng vốn đã đắm chìm với thuốc phiện từ hồi còn sinh sống ở vùng biên viễn Việt - Trung. Về sau, dân nghiện người Hoa các nơi nghe tiếng đồn đổ tới, ăn dầm nằm dề ngày qua ngày cho đến khi rỗng túi ở đây...
Tuy không được cao cấp như khu ăn chơi Đại Thế Giới, tiếng tăm về thuốc phiện ở Cây Da Sà vẫn lan truyền "uy tín" trong giới giang hồ nhờ giá rẻ mà chất lượng vẫn bảo đảm.
Nguồn cung cấp thuốc phiện lớn nhất cho Sài Gòn lúc ấy là Lào. Và những tay buôn lậu phù dung có thể lừa ai, nhưng không thể qua mặt được các ông trùm Cây Da Sà vốn nhiều đời ở quê hương miền núi đã trồng và sử dụng nó như rau cỏ trong nhà.
Đặc biệt, nhiều người Hoa Sài Gòn thuở ấy có một lý do để đến Cây Da Sà, đó là tìm phê trong hương khói phù dung. Ông Tsan Thành kể: "Dân nơi khác chỉ nghe tiếng đất dữ Cây Da Sà đã ngán ngại, không muốn lai vãng. Nhưng ai từng vào đây để mua thuốc phiện hay gì đó mà không có ý gây chuyện thì lại rất khoái. Xe cộ, thậm chí là tiền bạc cứ để bừa ra đó, đảo đảm không ai đụng ngón tay vào.
Nhưng cũng chớ dại mà gây sự hay máy mó vào bất cứ thứ gì của dân ở đây. Chỉ cần một người hô lên là cả xóm xúm lại. Còn máu đập lộn của giang hồ Cây Da Sà thì cả Sài Gòn quá biết".
Là một cựu lính dù quân đội Sài Gòn, Tsan Thành kể ngoài sự "bảo kê" của Vòng A Sáng, thực lực giang hồ của khu Cây Da Sà hoàn toàn có thật. Dân khu này đi lính rất nhiều, toàn "thứ dữ" như lực lượng biệt kích, nhảy dù. Thứ nhất là theo lời kêu gọi của Vòng A Sáng và sau đó là dân ở đây nghèo, suy nghĩ rất đơn giản rằng: "Đã đi lính thì lính nào cũng chết. Vậy, thà đi nhảy dù, vừa được tiền vừa được tiếng".
Nhiều người Hoa Sài Gòn thuở ấy có một lý do để đến Cây Da Sà, đó là tìm phê trong hương khói phù dung
Các đệ tử của thuốc phiện tại Cây Da Sà - Ảnh tư liệu
Những tay trùm
Những người ở tuổi ngoài 70 như ông Thành, ông Phước vẫn còn nhớ các tên A Hào, A Lình, Vòng A Chảy... một thời gắn liền với những lò thuốc phiện khét tiếng Cây Da Sà.
Tuy đã lìa bỏ những cánh đồng anh túc, họ vẫn có đường dây cung cấp thuốc phiện đảm bảo không bao giờ "đứt hàng". Thậm chí đủ nhựa thẩu là "thuốc sống" để các lò thuốc phiện tại Cây Da Sà chưng cất thành thuốc phiện theo bí quyết đặc biệt của người Nùng.
"Những năm cuối thập niên 1950, tôi vẫn còn nhớ lò thuốc của Vòng A Chảy. Nghe đồn gã này là con rơi của Vòng A Sáng với một cô gái Việt hồi ông ta tụ quân ở biên giới Móng Cái. Sự thật không biết đúng không, nhưng Vòng A Chảy cứ úp mở mình là người của Vòng A Sáng nên không ai dám đụng vô gã.
Đặc biệt, gã lại còn có mấy người anh đều là lính dù nhảy toán, thứ dữ nhất trong lực lượng này nên ai cũng chạy mặt, kể cả cảnh sát quốc gia" - Tsan Thành kể.
Tsan Thành nhớ có lần chuyến thuốc phiện của A Chảy đi máy bay từ Lào về vô tình bị cảnh sát bót Phú Lâm bắt vì gây tai nạn với người dân. Tang vật là cả lô thuốc phiện sau chưng cất cả 100kg.
Đại tá Nguyễn Văn Y, giám đốc Cảnh sát công an quốc gia, đã điều quân tới Phú Lâm để vào Cây Da Sà bắt Vòng A Chảy. Tuy nhiên, ông ta chưa thể vào ngay vì biết "tiếng dữ" vùng này.
Đến khi nắm chính xác thân phận A Chảy có anh em là lính dù thuộc hạ tướng tư lệnh dù Nguyễn Chánh Thi, đại tá Y quyết định cho dừng lại, xin ý kiến tận ông Ngô Đình Nhu. Cuối cùng, ông Y không đụng tới Cây Da Sà.
Sau trận này, Vòng A Chảy "vang danh" giang hồ. Gã lên ngồi chiếu trên cùng các ông trùm thuốc phiện ở khu Hoa kiều Chợ Lớn. Có đường dây lớn, buôn "hàng chuyến" về tận các khu người Hoa ở Bạc Liêu, Châu Đốc, Hà Tiên, gã say chiến thắng mà quên mất mình đã đi quá đà, đụng chạm đến nồi cơm lớn của các trùm thuốc phiện Chợ Lớn.
Một đêm năm 1965, sau cuộc sát phạt đỏ đen và vui vẻ với mỹ nữ khu Đại Thế Giới, A Chảy bị ném lựu đạn chết trong xe hơi riêng trên đường về đến Phú Lâm.
Đàn em kiêm lái xe cho Vòng A Chảy thoát chết, nhưng bị thương nặng rồi biến thành tâm thần, không thể hé lộ được cho giới giang hồ Cây Da Sà biết thủ phạm là ai để trả thù. Nhiều người nghi ngờ Tín Mã Nàm - trùm thuốc phiện và bài bạc khu Chợ Lớn - đã ra tay.
Các con hẻm nhỏ chằng chịt ở khu Da Sà - một thời là “căn cứ địa” của dân chơi ma túy - Ảnh: QUỐC VIỆT
Xóm liều mạng
Cái chết của A Chảy rơi vào khoảng đen bí ẩn. Cây Da Sà mất một đại ca lớn có thể "chơi tay đôi" với các tên tuổi hắc đạo ở Sài Gòn.
Tuy nhiên, các lò hương khói phù dung ở đây vẫn ngang nhiên tồn tại, vẫn rộng cửa đón tiếp khách nghiện. Đầu lĩnh Vòng A Chảy chết, nhưng vẫn không kẻ nào bên ngoài dám đến gây sự với Cây Da Sà.
Những năm đầu thập niên 1970, tức hồi cuối cuộc chiến, cái xóm nhỏ phía sau Phú Lâm này ngày càng nhiều lính tráng tụ về. Đó là những người không còn lành lặn từ các chiến trường. Và Cây Da Sà lại càng nổi tiếng với những kẻ thạo súng đạn, liều mạng, trở về từ cõi chết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận