Danh sách các mạnh thường quân giúp đỡ người nghèo ở Cây Da Sà - Ảnh: Q.V.
Tôi luồn lách khắp hẻm hóc, rồi chụp hình, bắt chuyện với dân địa phương. Cũng có những cặp mắt dò xét, trả lời nhát gừng, nhưng tuyệt đối không có lời đe dọa hay hành động nguy hiểm nào.
Cho dù hiện nay vẫn còn tội phạm lén lút, vẫn còn dân nghèo, nhưng hai chục năm qua tôi đã chứng kiến xóm Cây Da Sà dần hồi sinh. Và tôi tin cuộc đổi thay sẽ tiếp tục...
Tsan Mai Phú
Thay da đổi thịt
Khác hẳn tình trạng những năm trước 2000 mà chính một cựu công an khu vực phải kể: "Người lạ vào đây coi chừng bị trùm bao bố đánh. Và cũng không cần trùm bao bố đâu. Họ đập thẳng vào mặt đấy. Ai dám gây với họ"...
Tôi tìm đến hai tổ trưởng từng nhiều năm bám trụ ở Cây Da Sà là ông Võ Văn Phước và bà Ngô Thị Thu. Kể về khu phố này, họ có rất nhiều chuyện để tâm sự.
Từ giữa thập niên 1980, chính quyền từng nhiều đợt mạnh tay xử lý tội phạm, tệ nạn nhưng không thể thành công. "Cuộc chiến" giằng co. Hễ chính quyền có đợt mạnh tay thì giới giang hồ Cây Da Sà xẹp xuống, nhưng lơi chút là họ lại bùng lên. Bởi những năm trước 2000, con nghiện ở đây quá nhiều!
Đời cha nghiện thuốc phiện, đời con say ma túy. Nhiều dân không nghề nghiệp đổ về đây, lay lắt sống bằng ghi số đề, canh sòng bài, cho vay nặng lãi và chứa chấp gái làm tình hình phức tạp thêm...
Đầu thập niên 2000, bước ngoặt trật tự an ninh lớn của thành phố đã tác động đến mảnh đất này. Trùm Năm Cam và nhiều đồng phạm bị bắt, đền tội đã làm rúng động giới hắc đạo khắp nơi, trong đó có cả Cây Da Sà. Tình hình phức tạp giảm xuống. Đặc biệt là lực lượng chính quyền và công an liên tục thực hiện nhiều biện pháp rắn lẫn mềm để chuyển hóa địa bàn. Những cảnh sát khu vực về đây đều là người giỏi và dày kinh nghiệm, khắc tinh của tội phạm.
Dân nghiện tiếp tục bị soi, lên danh sách đưa đi tập trung cai nghiện dài hạn. Tội phạm buôn bán ma túy Cây Da Sà đều bị theo dõi gắt gao và lần lượt tra tay vào còng. Chính quyền lập chốt dân phòng trực 24/24 giờ ở ngay đầu các con hẻm. "Từ những năm 2000, tình hình ma túy khu này giảm dần, rồi giảm hẳn. Chợ ma túy Cây Da Sà khét tiếng gần như bị dập tắt. Một số đối tượng còn lay lắt bám lại phải lén lút, không còn dám lộ liễu, nghênh ngang như trước đây" - tổ trưởng tổ 151 Võ Văn Phước nhớ lại.
Theo những người cao tuổi trải đời ở Cây Da Sà, ngoài lực lượng công an trực tiếp trấn áp tội phạm, mảnh đất này dần dần đổi thay còn nhờ một nguyên nhân quan trọng khác. Từ một xóm "ổ chuột" chật chội, tả tơi sau chiến tranh và thời bao cấp nghèo khó, gần đây các con đường, hẻm hóc khu Cây Da Sà đều đã được đầu tư làm mới khang trang hơn hẳn.
Bà Ngô Thị Thu, tổ trưởng tổ 153, cho biết hồi trước hầu như cứ mưa là cả xóm chìm ngập trong nước đen, rác rưởi. Giờ thì những con đường đã đổ bêtông kiên cố, sạch sẽ. Dân tại chỗ vừa hết ngập vừa được hệ thống nước sạch thủy cục dẫn đến từng nhà. Rồi hệ thống điện cũng vậy...
"Những ai nhiều năm sinh sống ở Cây Da Sà đều hiểu giá trị sự đổi thay này quan trọng với từng phận người như thế nào. Chỉ riêng chuyện thiếu nước sạch suốt hàng chục năm trời đã làm người dân vô cùng khốn khổ. Từ khi có nước thủy cục, bệnh tật đỡ hẳn" - ông Phước nói.
So với các nơi khác, Cây Da Sà hiện nay vẫn còn nghèo, thậm chí có hộ rất nghèo. Nhưng nếu so với chính nó cách đây 10 năm, 20 năm, sự thay đổi đã rõ rệt. Những căn nhà 16m2 vẫn còn đó, nhưng bây giờ một số gia đình đã cất cao thêm được 1, 2 tầng. Dẫu sao không gian ở của dân Cây Da Sà ngày nay cũng không đến nỗi bị gọi là "ổ chuột" như ngày xưa...
Hai tổ trưởng gắn bó với Cây Da Sà - ông Võ Văn Phước và bà Ngô Thị Thu - Ảnh: Q.V.
Lớp trẻ của ngày mai
Những ngày đi thực tế từng ngõ ngách mảnh đất một thời tiếng tai này đủ để tôi cảm nhận cả cảnh nghèo lẫn sự đổi thay và khát vọng nhọc nhằn vươn lên. Buổi tối, ở miếu Cây Da Sà, cô giáo Đan Thùy đang dạy kèm chữ cho gần 20 trẻ. Lớp học thêm nhưng giống lớp tình thương, nhiều phụ huynh suốt cả mấy tháng chưa trả cho cô giáo đồng nào mà cô vẫn dạy.
Cô Thùy cho biết bản thân cô từng có tuổi thơ ở đây nên thấu hiểu sự thiệt thòi của các em. Nhà nghèo, cha mẹ là người Hoa tộc Nùng ít chữ, nên chuyện học hành của các bé vất vả. Dù lấy chồng nơi khác nhưng tối tối cô vẫn về xóm giúp dạy dỗ các bé. "Thật sự tôi cũng vui, vì thấy cha mẹ ở đây đã ý thức hơn trong việc cho con cháu học hành. Ngày xưa làm gì có cảnh các bé tự động vui vẻ đến lớp học tối thế này" - cô Thùy nói về thời thơ ấu của mình...
Hai thập niên gần đây, Khu công nghiệp Tân Tạo, Nhà máy Pouyuen được mở ở Cây Da Sà đã giúp nhiều người dân ở đây có việc làm. Cha mẹ có công việc ổn định, con cái cũng đỡ khổ, được chăm lo tương lai hơn.
Ông Trịnh Chí Phước, chủ sự miếu Da Sà, nói: "Chính thời buổi này giúp dân Cây Da Sà đổi thay. Thanh niên giờ hễ chịu đi làm là có việc. Nó khác hẳn với ngày xưa cứ lê la trong hẻm ngoài đường từ sáng đến đêm, không hút xách nghiện ngập cũng đánh lộn đánh lạo, trộm cắp, bài bạc".
Một buổi tối, tôi tình cờ có cuộc trò chuyện khá lâu với anh Tsan Mai Phú, chủ tiệm ăn Hùng Ký đông khách ở khu vực này. Chỉ riêng hai tiệm của Phú đã giúp được 60 người dân Cây Da Sà có việc làm với quỹ lương 300 triệu mỗi tháng. Phú bảo mình sinh ra và lớn lên ở đây, ngày ngày chứng kiến cảnh nghiện ngập và bạo lực, nhưng cha mẹ vẫn vất vả cho anh đi học để có việc làm đàng hoàng như hôm nay.
Hiện nay, những người bền chí làm ăn lương thiện mỗi tháng đều tự nguyện góp tiền, góp gạo vào miếu Cây Da Sà để san sẻ cho hàng xóm. Họ gìn giữ mầm thiện lương, ánh sáng tốt đẹp giữa bóng đen một thời bao phủ đất này.
Lớp học tối của trẻ nghèo ở Cây Da Sà - Ảnh: Q.V.
69 hộ nghèo
Vùng lõi Cây Da Sà hiện có hơn 300 hộ dân với 69 hộ còn thuộc diện nghèo và cận nghèo. Nghề lâu năm nhất ở đây là làm bánh bò bánh tiêu, còn lại buôn bán lặt vặt trong chợ hẻm và làm công nhân. Những năm gần đây, các vụ án hình sự băng nhóm khu này giảm hẳn. Năm 2016 chỉ xảy ra vụ Sỳ Vĩnh Sáng, tức A Tày, cùng người của mình mang dao kiếm đâm chém đối thủ trong Bệnh viện Quốc Ánh. Đầu năm 2017, tòa đã xử Sáng 8 năm tù.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận