Người dân ngang qua các tuyến phố Tam Bạc, Thế Lữ thuộc quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng bày tỏ thích thú với những hàng cây ăn quả xanh mướt và quả sai chi chít. Tuy nhiên, không ít bạn đọc bày tỏ lo ngại.
Đa dạng cây xanh đô thị bằng mít, xoài
Theo người dân khu vực, hàng mít được trồng dọc hai bên sông Tam Bạc từ năm 2022 nhằm thay thế cho cây dương liễu bị chết khô tại tuyến phố đi bộ Thế Lữ và Tam Bạc thuộc quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
Hiện nay, hai bên vỉa hè quanh bờ sông dài hơn 1km trên phố Thế Lữ và Tam Bạc có khoảng 150 cây mít và không ít cây đã cho trái từ năm 2023. Ngoài ra, xoài, mít còn được trồng dọc tuyến phố trung tâm Lê Hồng Phong xen lẫn với những cây xanh đô thị khác.
Đây là những loại cây mới được trồng theo từng khu vực, thử nghiệm hiệu quả để nhân rộng nhằm mang lại sự đa dạng cho hệ thống cây xanh của thành phố.
Tản bộ tập thể dục trong buổi chiều hè trên tuyến phố Thế Lữ, ông Trần Văn Cừ (85 tuổi, trú tại phường Hạ Lý, quận Hồng Bàng) đánh giá việc trồng cây ăn quả không chỉ tạo bóng mát mà còn lấy được quả là rất tốt.
Cũng theo ông Cừ, cây mít ít bị lá rụng hơn cây khác nên gần như quanh năm đều có bóng mát, tán xanh. Đặc biệt cây mít cũng cho loại gỗ quý nên việc nhân rộng trồng trên phố là hợp lý.
"Dọc tuyến phố như được thay áo mới với những hàng mít chi chít quả xen kẽ phượng vỹ rất đẹp. Tản bộ trên tuyến phố thấy người thư thái hơn", ông Cừ chia sẻ.
Thời gian gần đây, trên mạng xã hội cũng có nhiều ý kiến trái chiều liên quan việc trồng cây ăn quả tại một số tuyến phố của Hải Phòng. Người ủng hộ cho rằng chính quyền đã rất thực tế khi lựa chọn loại cây phù hợp thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên. Thực tế, việc trồng cây ăn quả ở đường phố cũng có rất lâu ở các nước như: Trung Quốc, Singapore...
Tuy nhiên, những người phản đối lại cho rằng việc trồng cây ăn quả làm gia tăng nguy cơ gãy cành, bật gốc và quả rơi rụng trúng người đi đường gây nguy hiểm.
Chị Nguyễn Thị Loan (công nhân có 11 năm gắn bó với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Phòng) cho biết việc trồng cây ăn quả như mít, xoài giúp việc chăm sóc đơn giản hơn những cây hoa lâu năm khác.
Theo chị Loan, từ năm 2023, nhiều cây mít dọc phố Tam Bạc và Thế Lữ đã có quả nhưng không được thu vì người dân đã "lấy hộ" hết. "Trồng cây ăn quả này chủ yếu để đa dạng hạ tầng cây xanh thành phố. Chúng tôi cũng không mong chờ sẽ được thu hoạch quả", chị Loan chia sẻ.
Cân nhắc kỹ trồng loại cây ăn quả nào
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online liên quan việc trồng cây ăn quả trên một số tuyến phố, bà Ngô Thị Thanh Thủy - trưởng phòng hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hải Phòng - cho biết qua theo dõi từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn các quận có khoảng 30.000 cây xanh đô thị. Trong đó, chủ yếu là phượng vỹ với 15.395 cây (chiếm 44,3%), còn lại là các loại cây khác như: muồng vàng, muồng đen, bằng lăng, long não, hoa sữa...
Cũng theo bà Thủy, tiêu chí đô thị loại 1 thì đất cây xanh toàn đô thị là 10m2/người nhưng hiện nay thành phố mới đạt khoảng 5m2/người nên việc trồng bổ sung, thay thế cây xanh trên vỉa hè, dải phân cách các tuyến đường đô thị, khu công viên là rất cần thiết.
Do đó, Sở Xây dựng đã tham mưu UBND TP Hải Phòng triển khai trồng thêm trên 10.000 cây xanh các loại bằng nguồn xã hội hóa, trong đó có 500 cây mít.
Lý do đề xuất trồng mít và một số loại cây ăn quả khác, bà Thủy cho biết thành phố đã cân nhắc, xem xét đánh giá kỹ lưỡng và có quyết định phê duyệt những loại cây được trồng rất cụ thể.
Theo đó, mít là loại cây phổ biến ở Việt Nam, thuộc loại cây gỗ nhỡ cao từ 8-10m và trồng khá đơn giản, không mất nhiều thời gian chăm sóc, có thể sống từ 20-100 năm hoặc lâu hơn.
Đặc biệt, cây mít có tán xòe rộng, tuổi thọ cao và là cây gỗ quý cũng như bộ rễ ăn sâu xuống đất, thích nghi tốt với điều kiện môi trường khắc nghiệt nên có khả năng chống chịu gió bão, rất phù hợp với điều kiện tự nhiên của Hải Phòng.
Bà Thủy cho biết thêm Sở Xây dựng sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá sự phát triển của các cây xanh hiện có để lên phương án trồng bổ sung, thay thế các cây bị sâu bệnh, có nguy cơ gãy đổ.
Trước mắt, việc trồng cây ăn quả sẽ giới hạn trên một số tuyến phố đang trồng ở Tam Bạc, Thế Lữ và Lê Hồng Phong cùng một số khu công viên, cây xanh trên địa bàn.
Nói về công tác thu hoạch, bà Thủy cho biết phần lớn quả đều sẽ được người dân lấy từ khi "gần chín" nên đơn vị không phải tốn thêm chi phí cho việc thu hái.
Hạ Long trồng cây ăn quả từ năm 2018
Tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, cây xoài được trồng dọc vỉa hè hai bên tuyến đường 10 làn xe từ đường nối cao tốc Hải Phòng - Hạ Long đến cầu Bãi Cháy từ năm 2018.
Hiện những cây xoài được trồng đều xanh tốt, tỏa bóng và giúp công nhân chăm sóc giảm công chăm bón so với nhiều cây khác.
Thăm dò ý kiến
Gần đây, trên một số tuyến phố trung tâm của Hải Phòng, Quảng Ninh… trồng những hàng cây ăn quả như mít, xoài trĩu quả, gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo bạn, mô hình này nên:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận