17/04/2021 14:20 GMT+7

Cầu xây xong không có đất làm đường dẫn

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Cầu hàng trăm tỉ đồng đã xây xong nhưng không qua được, đường dẫn lên cầu chưa biết khi nào xong vì... thiếu đất đắp. Chuyện về cầu Sông Rin và cầu Nước Rạc (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi).

Cầu xây xong không có đất làm đường dẫn - Ảnh 1.

Cầu Sông Rin hoàn thành nhưng không thể đưa vào sử dụng vì chờ đất đắp làm đường - Ảnh: TRẦN MAI

Sự việc càng gây bức xúc hơn khi Sơn Hà là huyện miền núi lại không có đủ đất cho công trình trọng điểm rút ngắn khoảng cách giữa huyện Sơn Hà và Sơn Tây. Nhiều tháng qua, dự án "đứng bánh" chờ đất để tiếp tục thi công.

Dự án cầu Sông Rin có tổng chiều dài toàn tuyến 3.561m, hạng mục chính là cầu Sông Rin dài 319m, cầu Nước Rạc dài 43m và đường dẫn nối hai cây cầu vào quốc lộ 24B. Công trình có tổng vốn 245 tỉ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.

Lâu nay trong mùa mưa bão, nước dâng cao, hai huyện bị cô lập. Dự án này còn là đường tránh tạo điều kiện cho huyện Sơn Hà mở rộng không gian đô thị về phía tây. Dự án được quyết định đầu tư từ năm 2018. Đến nay, hai cây cầu đã hoàn thành nhưng các hạng mục còn lại đang phải tạm dừng do thiếu nguồn đất đắp ở các bên đầu cầu và đường dẫn.

Người dân sống ở đây sốt ruột khi nhiều dự án cũng đắp đất thi công mặt bằng cùng thời điểm tại huyện Sơn Hà đã "về đích", chỉ riêng dự án cầu Sông Rin là mãi chưa xong. "Ai cũng mong cầu mới, đường mới. Không biết tới mùa mưa công trình có kịp xong để dân an tâm qua lại sông Rin không".

Phía đơn vị thi công cũng "than trời". Theo nhà thầu, nếu có đủ đất dự án đã hoàn thành từ tháng 10-2020. "Khối lượng đất đắp chỉ khoảng 30.000m3, nếu có đất khi làm xong 2 cây cầu, chúng tôi thi công ngay đường dẫn, nay người dân đã có cầu đi, đơn vị thi công cũng đỡ chi phí bảo trì thiết bị", đại diện đơn vị thi công nói.

Chờ mỏ đất

Ông Lê Tới, phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Ngãi, cho biết dự án công trình cầu Sông Rin đáng ra đã xong trước tháng 3-2021. Trước tình hình này, đơn vị chủ đầu tư đã xin gia hạn đến ngày 30-8.

Vì sao để bị động như hiện tại? Ông Tới cho biết khi bắt đầu lập dự án, chủ đầu tư có làm việc với địa phương và các bên liên quan xem xét ở khu vực dự án có mỏ đất hay không, xác định cự ly vận chuyển, tính vào giá trị công trình. Lúc đó đã có mỏ đủ điều kiện. "Tuy nhiên, khi triển khai thi công thì mỏ này bị dừng, dự án gặp khó", ông Tới nói.

Được biết, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nhiều lần bổ sung mỏ đất để phục vụ dự án. Tuy nhiên, phía huyện Sơn Hà vì nhiều lý do khác nhau không đồng ý những mỏ đất này. Hiện UBND tỉnh Quảng Ngãi đã cấp giấy phép cho Công ty TNHH MTV xây dựng và dịch vụ thương mại Trường An tiến hành đo đạc chất lượng mỏ đất để phục vụ dự án này. Một lãnh đạo huyện Sơn Hà cho biết hiện mỏ đất Nước Rạc (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) được cấp phép để phục vụ dự án.

Tuy nhiên, việc sử dụng mỏ đất Nước Rạc còn phải chờ báo cáo chất lượng đất. "Nếu đảm bảo chất lượng đất, chúng tôi thi công nhanh chóng sớm đưa dự án vào hoạt động trước mùa mưa lũ. Nếu không đạt yêu cầu sẽ báo cáo UBND tỉnh Quảng Ngãi có phương án giải quyết. Dự án trên núi mà thiếu đất dẫn đến chậm tiến độ là vô lý hết sức", ông Tới nói.

Vụ đường dẫn lên cầu vượt cao tốc nứt toác, giám đốc BQL dự án nói gì? Vụ đường dẫn lên cầu vượt cao tốc nứt toác, giám đốc BQL dự án nói gì?

TTO - Giám đốc BQL dự án đường cao tốc Đà Nẵng lý giải vị trí đường dẫn lên cầu vượt cao tốc bị sụt lún, nứt toác là do nhà thầu chỉ mới làm tạm chứ chưa thi công đúng như thiết kế vì người dân cản trở thi công.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp