22/10/2018 09:04 GMT+7

Câu vọng cổ trong lòng người trẻ Sài Gòn

TRỌNG NHÂN - VŨ THỦY
TRỌNG NHÂN - VŨ THỦY

TTO - Giữa thành phố hiện đại vẫn vang lên những câu ca vọng cổ mùi mẫn từ những tâm hồn trẻ trung, như một mạch ngầm âm thầm chảy giữa cơn lốc "triệu view" của nhạc trẻ.

Vọng cổ Dệt chặng đường xuân

Những câu hò - xự - xang - xê - cống đã sống hàng thế kỷ ấy đang được nâng niu qua tiếng đờn, giọng ca của những bạn trẻ tuổi đôi mươi.

Câu vọng cổ trong lòng người trẻ Sài Gòn - Ảnh 2.

Một buổi biểu diễn đờn ca của các bạn trẻ - Ảnh: Fanpage CLB Giai điệu phương Nam

Chất tài tử của "Giai điệu phương Nam"

Dù xuất thân từ gia đình nhà nòi hay không, dù mỗi người theo đuổi một công việc khác nhau, tất cả đều có chung đam mê sâu sắc với bộ môn - cải lương truyền thống.

Đến Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM vào những ngày cuối tuần, bạn sẽ gặp nhóm bạn trẻ của CLB Giai điệu phương Nam ngồi quay quần bên nhau cùng đờn hát, vui đùa trong những điệu lý, câu hò. Hết điệu Nam Ai rồi đến Xàng Xê, hết điệu Tây Thi sang Chiêu Quân, rồi lại lên câu vọng cổ ngọt lịm, ai thuộc thì hát chung, ai chưa biết thì chăm chú nhẩm theo.

Câu vọng cổ trong lòng người trẻ Sài Gòn - Ảnh 3.

Các bạn sinh viên còn học chơi cả nhạc cụ, đàn, sáo, nhị cho các buổi biểu diễn - Ảnh: Fanpage CLB Giai điệu phương Nam

Mỗi buổi, các thành viên cùng nhau ca những bài bản mới, những điệu lý lạ. Người đã biết hướng dẫn cho người chưa biết, người có kinh nghiệm chỉ cho bạn mới vào. Cứ thế, những buổi gặp mặt của câu lạc bộ tính đến nay đã duy trì được 2 năm.

Trần Dương Dừa (28 tuổi, TP.HCM) - hiện công tác tại Phòng cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt TP.HCM - là một trong những thành viên gắn bó với câu lạc bộ từ ngày đầu thành lập, và gần như góp mặt đầy đủ trong những buổi sinh hoạt.

Gia đình không ai theo văn nghệ nhưng đều có máu mê cải lương, Dừa sống trong không gian của những bài ca cổ từ tấm bé. Cách đây 5 năm, do quá đam mê, anh quyết định đăng ký học đàn tranh để đánh được những bài ca cổ thường nghe, sau đó lại có cơ hội dùng ngón đờn đệm hát cho các thành viên.

"Lúc học, mình có đam mê nên học rất dễ. Giờ đây dù không ca giỏi nhưng nhờ biết nhịp nhàng, mình có thể hướng dẫn cho các thành viên mới vào những kiến thức cơ bản" - anh Dừa nói.

Giống như những nghệ sĩ từ trước đến nay, phong cách sinh hoạt của CLB Giai điệu phương Nam cũng rất "tài tử" - vừa phóng khoáng, vừa thấm đẫm cái tình.

Câu ca ngân xa

Trần Phương Linh (21 tuổi, Bình Định), phó chủ nhiệm CLB Giai điệu phương Nam, kể cách đây khoảng 5 năm, cô cùng một số bạn góp sức trong nhóm văn nghệ Tài năng hè phố của khoa Lịch sử, ĐH Khoa học xã hội Nhân văn TP.HCM, với mục đích giới thiệu làn điệu vọng cổ trong môi trường sinh viên.

Đến năm 2016, Nhà văn hóa sinh viên TP.HCM tình cờ biết thông tin nhóm và hỗ trợ thành lập CLB Giai điệu phương Nam. Từ một vài thành viên ban đầu, đến nay nhóm đã có khoảng 60 thành viên từ 19-30 tuổi. Một số bạn trẻ ở các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang cũng cố gắng sắp xếp thời gian đến tham gia trong những đợt họp mặt câu lạc bộ.

Câu vọng cổ trong lòng người trẻ Sài Gòn - Ảnh 4.

Những buổi gặp mặt, sinh hoạt của các bạn trẻ với những điệu vọng cổ - Ảnh: Fanpage CLB Giai điệu phương Nam

Không chỉ sinh hoạt với nhau, CLB thường tổ chức những chương trình nhằm lan rộng tình yêu vọng cổ đến khắp nơi, nhất là giới trẻ. Những buổi biểu diễn mang tên Nam Xuân và Giai điệu quê hương thường diễn ra một tháng một lần, là nơi các bạn tái hiện lại không gian đờn ca tài tử miệt vườn giữa lòng thành phố.

Các "thầy đờn" mặc trang phục truyền thống, ngồi xung quanh ấm trà rồi rao đờn cho các nghệ sĩ trong và ngoài CLB thử giọng. CLB còn tổ chức các sự kiện đưa âm nhạc dân tộc vào học đường, với các mục đích hướng dẫn những bài ca, điệu lý cho học sinh và sinh viên.

Câu vọng cổ trong lòng người trẻ Sài Gòn - Ảnh 5.

Thành viên CLB Giai điệu phương Nam thường đi chiêu mộ thành viên - Ảnh: Fanpage CLB Giai điệu phương Nam

"Tùy vào đối tượng, bọn mình sẽ lựa chọn những bài bản phù hợp. Chẳng hạn đến trường tiểu học, mình sẽ dạy và hướng dẫn viết lời cho bài Lý cây bông, đến trường trung học bọn mình sẽ mang theo bài Lý đất giồng. Có lần bọn mình hướng dẫn các em bài Lý con khỉ, các em tròn mắt hỏi con khỉ cũng có lý nữa sao?" - Phương Linh cười.

"Tụi mình chỉ cần đi diễn là vui, dù lên sân khấu hay đứng bên dưới phụ hậu cần. Còn mỗi khi đến các trường, thấy các em hào hứng, bọn mình như được tiếp thêm sức mạnh, vì vọng cổ cải lương được các em nhỏ nghe là quý rồi, đằng này còn hào hứng nữa".

Mời bạn đăng ký thành viên để tham gia bình luận trên trang Tuổi Trẻ Online.
Nghe đờn ca tài tử giữa lòng Sài Gòn

TTO - Một nhà hàng trong hẻm nhỏ trên đường Điện Biên Phủ (quận 3, TP.HCM) tổ chức biểu diễn đờn ca tài tử cho thực khách trong và ngoài nước.

TRỌNG NHÂN - VŨ THỦY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp