Không mẹ, thói quen tự học được Cường rèn cho mình từ khi còn nhỏ - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Tôi không nghĩ mình sẽ làm được như Cường nếu rơi vào hoàn cảnh đó. Với những khó khăn mà cuộc sống này trui rèn thì tôi tin Cường sẽ sớm thành công.
Thầy NGÔ KHẮC VŨ
Đó là câu chuyện của chàng tân sinh viên ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) Phan Hùng Cường. Hành trang rời xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi) vào TP.HCM nhập học do Cường tự tay gói ghém chỉ vỏn vẹn ba bộ quần áo đã ngả màu. Chính cái nghèo đã khơi lên trong cậu giấc mơ đổi đời bằng sự học.
Ngày thành trẻ mồ côi
Ánh nắng chiều xuyên thẳng vào khu ký túc xá của trường, là nơi mà Cường cùng nhóm bạn hiện đang trọ học. Nét mặt chàng trai 18 tuổi này vẫn còn đó những nỗi lo cho các ngày kế tiếp.
Cường nhớ về chuỗi ngày đau buồn trên chính vùng đất hứa mà mẹ con cậu đã từng trải qua. Nhiều năm về trước, việc rời mảnh đất cằn vào TP.HCM tìm việc là cách duy nhất mà mẹ cậu có thể nghĩ đến để thoát khỏi sự bủa vây của cái nghèo. Cuộc sống lầm lũi bán từng tấm vé số, kiếm từng đồng bạc lẻ cứ thế trôi qua với mẹ Cường cho đến ngày cậu được sinh ra.
Mong muốn mang lại cho đứa con cuộc sống ấm no hơn là điều mẹ Cường vẫn lấy đó là kim chỉ nam cho mỗi sáng thức dậy. Mẹ Cường quyết sinh thêm một người em là Phan Hùng Phát để cậu không phải sống cảnh côi cút.
Chàng tân sinh viên ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) Phan Hùng Cường - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Mang họ mẹ, ký ức về cha trong hai anh em xưa nay vẫn chỉ là một con số 0, hai anh em chơi cùng nhau trong căn trọ ẩm mốc. Chín năm kể từ khi sinh ra Cường mới có dịp được về quê, nhưng không phải để thăm mà nghiệt ngã là đưa mẹ về sau tai nạn giao thông.
Chứng kiến máu của người mẹ nghèo đổ xuống đường ở TP.HCM, Cường lúc đó mới 9 tuổi chỉ biết khóc và khóc.
Nhiêu đó khó khăn không đủ khuất phục ý chí thoát nghèo trong họ, sau ba năm điều trị tại quê nhà, ba mẹ con quyết kìm lấy cơn đau để quay lại TP.HCM. Khu nhà trọ dột nát vỏn vẹn vài mét vuông ở quận Gò Vấp tiếp tục là nơi thắp lên trong họ một hi vọng mới về sự đổi thay. Nhưng tai họa một lần nữa ập đến rồi dập tắt đi những tia hi vọng ấy.
Cuộc gọi trong một đêm tháng 7 cách đây năm năm ám ảnh lấy Cường. Cường vẫn nhớ như in giọng nói lớn của một người phụ nữ đứng tuổi ở đầu dây bên kia: "Mẹ con bị xe đụng phải, xếp ít áo quần chuẩn bị sẵn rồi đợi cô".
Nghèo khó là "chuyến tàu" đưa họ đến với TP.HCM, để rồi tai họa lại đưa họ trở về nơi bắt đầu trong tình thế khó khăn hơn trước. Cường mãi mãi mất đi chỗ dựa cuối cùng của đời mình.
Đan chặt hai bàn tay vào nhau để tìm chút hơi ấm khi nhớ về căn nhà quạnh hiu ở quê cùng tháng ngày mà ba mẹ con đã trải qua là cách mà Cường vẫn thường làm mỗi đêm trằn trọc không ngủ.
"Tưởng như việc quay lại TP.HCM sau lần tai nạn đầu sẽ giúp mẹ đỡ khổ hơn trước. Nào ngờ tai họa lại cứ nhắm vào mẹ. Nếu hôm đó mình nghỉ học đi cùng mẹ thì có khi mọi chuyện đã khác" - Cường dằn vặt, khóc.
Điểm tựa cho người em
Mồ côi từ tuổi 13 khiến Cường trưởng thành hơn so với đám bạn cùng trang lứa. Gia công nịt, bưng cà phê, phụ việc nhà... là những việc mà Cường làm để có tiền ăn học trong suốt nhiều năm qua. 12 tấm bằng khen khá giỏi là hành trang của cậu con trai "ốm nhom ốm nhách".
Với số điểm 24,9, Cường chính thức trở thành tân sinh viên ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng (thuộc khoa cơ khí Trường ĐH Bách khoa TP.HCM). Trước mắt, học phí cho đợt nhập học đã được đóng đủ nhờ số tiền do nhiều người thân, nhà hảo tâm cùng một ít tiền mà Cường làm thêm dịp hè tích góp được. Hiện Hùng Phát đang được cậu ruột của mình là Phan Tấn Phúc nhận nuôi.
"Mọi thứ đều là thử thách". Đó là dòng chữ đã phai nét được ai đó ghi lại trên thành giường nơi Cường nằm trong phòng ký túc xá. Đó cũng là nơi cậu thường đưa mắt tìm về mỗi khi buồn tủi. Với Cường, dòng chữ đó vô hình tạo nên một nguồn động lực cho mình. Nó giúp cậu không còn cảm thấy đơn độc như trước.
"Nó tạo cho mình cảm giác như có ai đó đang đồng hành cùng. Hoặc ít ra ngay tại chiếc giường này cũng từng có ai đó lâm vào hoàn cảnh như mình. Nhưng rồi họ cũng đã vượt qua bởi mọi thứ đều là thử thách" - Cường bộc bạch.
"Mọi thứ đều là thử thách" - là dòng chữ đã phai nét trên thành giường nơi Cường nằm trong phòng ký túc xá - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Chẳng nói trước được gì, nhưng việc Cường đặt chân được đến cánh cổng đại học đã là một bước đột phá tạo tiền đề cho cả hai anh em. Và dù biết trước còn nhiều khó khăn, nhưng giờ đây Cường vẫn tin rằng mình có thể tự nuôi bản thân đến khi ra trường.
Dự định cuối tháng khi bắt kịp được môi trường học tập ở giảng đường Cường sẽ xin đi làm thêm tại các nhà hàng, tiệc cưới gần trường để kiếm tiền trang trải cho việc học.
Hồ Văn Hòa, một người bạn chung phòng với Cường, cho biết dù chỉ mới tham gia học được hơn một tuần nhưng Cường đã phát huy khá tốt năng lực tự học. "Ngoài lúc sinh hoạt chung với mọi người trong phòng thì Cường luôn sắp xếp thời gian để tự học. Có khi Cường học đến một hai giờ sáng vẫn chưa đi ngủ" - Hòa chia sẻ.
Một người thầy
Vốn không cha nay còn mất mẹ, cuộc sống hai anh em Cường nhiều khi như rơi vào bế tắc. Đó là cuộc sống mà theo Cường là tiếp tục không được nhưng dừng lại thì không đành. Và rồi, để tiếp sức cho Cường đi qua những khó khăn và biến cố ấy phải kể đến thầy Ngô Khắc Vũ - giáo viên Trường THPT số 2 Mộ Đức (Quảng Ngãi).
Cường kể thầy từng là người vực mình dậy trước những lần định buông xuôi. Ngoài tiền học, tiền sách vở thì thầy luôn là người kèm cặp, hỏi han hai anh em nhiều nhất. Cường nói đầy dứt khoát: "Nếu mọi thứ chỉ là thử thách thì nhất định tôi sẽ vượt qua như cái tên của chính mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận