Gào mên “yêu thương” nhặt bên bãi rác của mẹ giúp Tài nuôi lớn giấc mơ - Ảnh: CHÍ CÔNG
'Con yêu cha vì cha yêu mẹ, cha yêu con. Cha luôn vĩ đại trong lòng con nhưng mà giá như bây giờ cha còn sống'. Lời tâm sự 'Tưởng nhớ cha - Người cha vĩ đại nhất đời con' của Nguyễn Hữu Tài viết ra trong những ngày cận kề kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, theo Tài là để bạn lấy động lực, niềm tin vượt qua nghịch cảnh bước vào giảng đường Đại học Cần Thơ.
Làm đủ mọi nghề để được đi học
Ngày này của 7 năm trước, Tài cũng như bao bạn nhỏ khác trong xóm có một mái ấm gia đình trọn vẹn và hạnh phúc. Có vất vả, có vật lộn mưu sinh nhưng ông Nguyễn Hữu Giang và bà Trần Thị Út Lớn (cha mẹ Tài) ở huyện Cờ Đỏ, Cần Thơ luôn để hai con được ấm no. Nhưng rồi ông Giang chẳng may qua đời sớm.
"Cha mất vì bị tai nạn giao thông, mẹ làm việc nuôi anh em mình khôn lớn", Tài kể. Bà Út Lớn thì chia sẻ: "Tôi không ngại mần bất kể việc gì. Dọn cỏ bờ, làm bao tử cá, nhặt rác... ai mướn gì tôi mần nấy, để có tiền nuôi con. Tôi chỉ tội thằng Tài mới tí tuổi đầu cũng ra bươn chải phụ mẹ nuôi em". Vừa nói, đôi mắt bà Út Lớn vừa rớm lệ.
Tài bán vé số dạo ở xóm và quanh chợ quê. Mỗi ngày bạn bán được khoảng 100 vé. Bất kể ngày mưa hay nắng gì cũng phải đi bán. Nhờ vậy, sau ba tháng hè Tài tiết kiệm cũng được 3 triệu đồng, phụ mẹ chi phí học hành. Không những thế, Tài còn làm thêm nhiều nghề như lượm hột vịt, giữ em mướn, thợ hồ, vác gạch, dọn vườn...
"Có khi dọn vườn, chân tay bị sưng và chảy máu, lúc đó em tủi thân khóc tại vườn vì nhớ đến cha, ước gì cha còn sống...", Tài vừa bật lửa thắp nén hương cho cha vừa kể lại.
Gào mên bãi rác của mẹ
Bà Út Lớn quyết định xa gia đình, làm công nhân ở Đồng Nai và TP.HCM, kiếm tiền gửi về cho anh em Tài ăn học, mỗi tháng khoảng 1-1,5 triệu đồng.
"Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, tôi thất nghiệp. Nhiều tháng liền không có tiền gửi về cho con. Ở nhà Tài và em sống kham khổ. Có bữa được một con cá lóc Tài nó kho rồi ăn nước, còn cá nhường hết cho em", bà Út Lớn nói trong nước mắt.
Còn ông Nguyễn Văn Hậu (ông nội Tài) cho biết: "Giang có vợ, tôi cũng chẳng có của cải gì cho nó mần ăn. Nó mất, để lại mấy đứa con sống lây lất, đói khổ. Tài ngoan, học giỏi. Mỗi lần đi học, Tài đem theo gào mên cơm".
Đó là gào mên mẹ lượm ngoài bãi rác, cứ 4h sáng hằng ngày Tài tranh thủ thức dậy để nấu cơm mang theo đi học. Ông nội Tài cho biết, dù gào mên của Tài có ba ngăn nhưng chưa bao giờ được đựng đầy thức ăn. Chỉ cần được học, Tài chẳng bao giờ than khổ.
Giáo viên chủ nhiệm lớp 12A5 của Tài - cô Bùi Thị Duyên nói hình ảnh Tài đem cơm theo đi học không còn xa lạ với thầy cô và bạn bè ở Trường THPT Hà Huy Giáp. "Tài có nghị lực vượt khó, là học sinh giỏi văn. Bạn bè trong lớp ai cũng thương cũng mến" - cô Duyên nói.
Chia sẻ kết quả thi đậu vào ngành sư phạm văn (Đại học Cần Thơ) của Tài, cô nói thêm: "Tôi thương Tài như con trong nhà. Giờ tôi cũng hi vọng đợt này Tài được xét và nhận học bổng của báo Tuổi Trẻ để em ấy có thêm điều kiện chinh phục chặng đường dài phía trước và trở thành người hữu ích sau này".
Một hạt gạo là một con chữ
Trên hành trình chinh phục con chữ của Tài có nhiều tấm lòng tốt giúp em vượt nghịch cảnh, trong đó có cô Quyên (mẹ của Phạm Thị Bảo Trân - bạn chung lớp 12A5 với Tài) hỗ trợ 10kg gạo/tháng và ít tiền để mua dụng cụ phục vụ học tập hằng ngày.
"Cảm hoàn cảnh của bạn Tài, cha mẹ em cũng góp chút sức gửi gạo giúp đỡ bạn Tài vượt qua khó khăn. Có gạo bạn Tài không phải chật vật chạy lo ăn hằng ngày, bạn ấy sẽ tập trung học để viết lên câu chuyện ước mơ làm giáo viên dạy văn đời mình" - Bảo Trân chia sẻ.
Tiếp sức 118 tân sinh viên tại ĐBSCL
Hôm nay 5-12, báo Tuổi Trẻ phối hợp 11 tỉnh, thành đoàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức lễ trao học bổng "Tiếp sức đến trường", là lần trao thứ 5 của chương trình "Tiếp sức đến trường" năm 2020 thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" của báo Tuổi Trẻ.
Chương trình dành 15 suất học bổng đặc biệt (mỗi suất trị giá 15 triệu đồng) và 103 suất học bổng (trị giá 10 triệu đồng/ suất) cho 118 tân sinh viên vượt khó học giỏi của các tỉnh, thành trên. Tổng kinh phí học bổng hơn 1,2 tỉ đồng do Quỹ "Đồng hành nhà nông" tài trợ.
Đặc biệt, giáo sư Phan Lương Cầm - phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - hỗ trợ chương trình 100 triệu đồng để tài trợ 10 suất học bổng cho tân sinh viên tỉnh Vĩnh Long. Công ty Nestle VN tài trợ quà tặng cho tân sinh viên.
Sau 17 năm thực hiện, học bổng "Tiếp sức đến trường" đã hỗ trợ 19.344 tân sinh viên khó khăn đến với giảng đường đại học, cao đẳng với tổng số tiền 134,9 tỉ đồng.
Năm nay, chương trình "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tiền Giang - Bến Tre, các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ, hơn 1.000 tân sinh viên cả nước được tiếp sức, với tổng kinh phí học bổng hơn 11 tỉ đồng.
CÔNG TRIỆU
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận