11/01/2025 11:17 GMT+7

Cầu Tình Thương ở miền quê Đồng khởi

Ở vùng quê này, hàng trăm cây cầu bê tông kiên cố nối liền xóm ấp có bảng lưu niệm mang tên nhà tài trợ như cầu Bà Thêu, cầu Hai Lâm, cầu Tư Khởi, đường Trịnh Đình Duyệt...

Cầu Tình Thương ở miền quê Đồng khởi - Ảnh 1.

Ông Tư Thiện (trái) và Út Dũng - đôi bạn đồng hành cùng kết nối những tấm lòng thiện nguyện xây cầu - Ảnh: LƯ THẾ NHÃ

Trong đó có cả tấm lòng của đôi bạn đồng hành đặc biệt đã tâm huyết đi vận động xây dựng từng cây cầu.

Và xã có nhiều cây cầu bê tông ghi tên nhà tài trợ đó là Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam, Bến Tre. Những cây cầu bê tông đạt chuẩn nông thôn mới góp phần xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu.

Duyên với nhà tài trợ

Xã Định Thủy có nhiều sông rạch như các địa phương sông nước khác ở Đồng bằng sông Cửu Long. Việc vận động xây cầu, đường bê tông kiên cố bắt đầu khi xã phát động toàn dân xây dựng xã nông thôn mới.

Khi đó, cầu giao thông qua những sông rạch lớn đã xây dựng xong. Xã cũng đã xóa cầu khỉ từ năm 2020 về trước, nhưng thay thế vào đó là cầu dừa, cầu bê tông nhỏ bề ngang từ 0,4 - 1m, tải trọng thấp lại không có lan can bảo vệ hai bên cầu. Và nhiều cầu đã xuống cấp, sụp, lún. Mùa mưa mặt cầu trơn trượt, không ít người đi xe máy ban đêm lao xuống nước, có người đã chết.

Theo chuẩn nông thôn mới, cầu giao thông phải bê tông kiên cố có mặt cắt từ 2,5 đến 3m. Thực lực người dân ở miền quê bị bom đạn chiến tranh tàn phá nặng nề này khó có thể đáp ứng yêu cầu một sớm một chiều được.

Trong bế tắc chưa tìm được nguồn kinh phí xây cầu, cuối năm 2019 xã đón ông Nguyễn Hoàng Thu - nhà từ thiện ở quận 6 (TP.HCM) - đến tặng quà hộ nghèo. Ông Nguyễn Tấn Thiện (tức Tư Thiện - phó chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Định Thủy, thành viên Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường tỉnh Bến Tre) và ông Lê Văn Dũng (tức Út Dũng, trưởng ấp An Thới) "làm liều" xin ông Thu giúp cho một cây cầu giao thông nông thôn.

Không ngờ nhà từ thiện này đồng ý ngay và yêu cầu ông Thiện gửi thiết kế kèm chiết tính xây cầu. Cây cầu đầu tiên mang tên cầu Tình Thương ở ấp An Quới, do ông Thu vận động nhà hảo tâm ở Bình Dương tài trợ. Cầu dài 12m, ngang 2,5m, có lan can bảo vệ hai bên.

Trong niềm vui khánh thành cầu, chi phí xây dựng được công khai minh bạch. Ông Thu tỏ bày với ông Tư Thiện và chính quyền địa phương: "Xã có nhu cầu nâng cấp cầu đường, hãy liên hệ với tôi, tôi sẽ tìm nhà tài trợ giúp". Từ đó ông Thu là đầu mối tiềm năng giúp quê hương Định Thủy nâng cấp cầu đường, làm nên cuộc "Đồng khởi mới" hạ tầng nông thôn.

Ông Tư Thiện và Út Dũng rất tốt, nhiệt tình xây cầu và đường giao thông nông thôn. Thành quả này giúp Định Thủy thay da đổi thịt, đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, kinh tế gia đình người dân phát triển.
Ông Phạm Văn Ngời (chủ tịch UBND xã Định Thủy)

Đôi bạn đồng hành

Được ông Thu mở lời, ông Tư Thiện và Út Dũng đi khảo sát khắp chín ấp của xã còn rất nhiều cầu nhỏ xuống cấp, nguy hiểm cho người xe qua lại để lên kế hoạch xây cầu kiên cố.

Mỗi lần có kế hoạch xây cầu ở đâu, đôi bạn đồng hành này mở "hội nghị Diên Hồng" bàn bạc với dân cư hai bên đường cần xây cầu. Khi được toàn dân đồng lòng, ông Tư Thiện chịu trách nhiệm tìm nhà tài trợ, gửi ảnh chụp hiện trạng cầu xuống cấp hay cầu dừa cần xây mới, kèm bảng thiết kế và chiết tính chi phí mua vật liệu thành từng mét vuông xây cầu để gửi ông Thu tìm nhà tài trợ.

Khi có nhà tài trợ đồng ý, hai ông Tư Thiện và Út Dũng lại vận động vốn đối ứng. Người dân nào biết nghề thợ hồ, đào móng thì góp ngày công xây cầu, hộ không có nghề hồ thì góp tiền thuê thợ.

Việc vận động xây cầu luôn được dân đồng lòng, tạo nên không khí "Đồng khởi mới" rất sôi nổi. Người hiến đất, đốn cây cối để mở rộng lộ nơi có cầu bắc qua, rồi người mang bánh trái, nước uống, tổ chức tiệc đãi thợ vào cuối tuần trong suốt quá trình thi công.

Khi khánh thành, người dân hai bên cầu cùng đóng góp tổ chức bữa cơm chung vui với thợ và nhà tài trợ xây cầu. Ông Tư Thiện cho biết trong các cây cầu xây dựng mới, ông ấn tượng nhất cây cầu ở ấp Định Nhơn có ông Nguyễn Văn Nữa hiến đất trước sân nhà xây cầu rồi tặng ván cốp pha, nước uống, bánh trái cho thợ xây cầu...

Trong thi công, ông Tư Thiện và Út Dũng theo suốt quá trình xây cầu, vừa làm cùng dân vừa kiểm tra việc xây dựng đảm bảo chất lượng. Các cầu bê tông mới tùy chiều ngang của xẻo, rạch mà có chiều dài từ 10 - 40m, bề ngang từ 2,5 - 3m, tải trọng từ 1,5 - 3 tấn theo chuẩn nông thôn mới. Hầu hết cầu đều có lan can bảo vệ hai tầng, sơn trắng - đỏ đồng nhất.

Với kinh phí xây cầu, có nhà tài trợ trao ngay cho chủ dự án tại thời điểm khởi công, có nhà tài trợ trao tiền khi khánh thành cầu, dựa vào chiết tính xây cầu, kèm hóa đơn mua vật liệu trao tiền cho người đại diện dự án.

Bà Lý Ngọc Đan Quyên (đại diện nhóm từ thiện chùa Phổ Giác, TP.HCM) dự lễ khởi công cầu Tâm Đức ở ấp An Quới vào tháng 10-2024, khi trao tiền xây cầu tại lễ khởi công, đã chia sẻ rằng qua các nhà từ thiện đi trước, họ rất tin tưởng ông Tư Thiện và Út Dũng nên không ngại giao đủ tiền trước khi thi công.

Ông Nguyễn Văn Bé, chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Định Thủy, cho biết nhà tài trợ rất tin tưởng ông Tư Thiện và Út Dũng do chi phí xây cầu được chiết tính chặt chẽ từng khối cát, sắt, đá, xi măng. Cầu xây chất lượng, phù hợp với xe cộ qua lại ở địa phương, khi thanh toán có công khai chi phí mọi người cùng biết.

Một điều đặc biệt ở Định Thủy là tất cả cầu đều có bảng lưu niệm và tên cầu do nhà tài trợ đặt như cầu Bà Tư Khởi, cầu Ông Nhuận, cầu Huỳnh Tô, cầu An Khang, cầu Hạnh Phúc...

Cầu Tình Thương ở miền quê Đồng khởi - Ảnh 2.

Bà Lý Ngọc Đan Quyên cùng ông Tư Thiện, Út Dũng động thổ xây cầu Tâm Đức vào năm 2024

Việc tốt lan tỏa

Việc đặt tên như vậy không những được nhà tài trợ vui mà giao thoa tình cảm giữa nhà tài trợ và nhân dân địa phương ngày thêm sâu đậm. Tiếng tốt đồn xa, Định Thủy có duyên vận động được nhà tài trợ xây cầu. Nhiều xã khác ở huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc cũng đến nhờ ông Tư Thiện vận động giúp.

Điều mọi người cảm phục là việc xây dựng cầu luôn được đôi bạn đồng hành Tư Thiện - Út Dũng này chịu khó từ khảo sát, thiết kế, giám sát công trình. Nhờ sự tận tình của họ, nhiều cây cầu bê tông kiên cố cũng được xây dựng ở các xã khác.

Ông Nguyên Văn Gô (ở tổ số 5, ấp An Quới), nhà gần cầu Bà Trang, chia sẻ rằng nhờ có cầu bê tông nên việc đi lại thuận tiện, con em tự đi học đến trường, không còn phải đưa đón. Xe ba bánh cũng đến tận vườn, chở nông sản bán buôn.

Việc xây cầu đạt chuẩn nông thôn mới đã mang lại thuận lợi để phát triển kinh tế cho người dân. Chỉ riêng ở ấp An Quới, trước đây mới có khoảng 30 xe gắn máy, nay đã có gần 300 trăm chiếc. Xe ô tô, xe vận chuyển hàng hóa trên 30 chiếc.

"Mỗi lần hoàn thành xong một cây cầu mới, nhìn bà con thong dong trên xe gắn máy, nhìn xe ba bánh chở nông sản và học sinh vui cười qua cầu là lòng tôi cùng bà con rất mừng. Chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vận động nhà tài trợ xây cầu đường", ông Tư Thiện bộc bạch.

Tính từ năm 2020 đến nay, "ăn cơm nhà làm việc hàng xóm", ông Tư Thiện và Út Dũng đã vận động xây được 420m đường bê tông nông thôn ở Định Thủy và 223 cây cầu bê tông kiên cố.

Trong đó 173 cầu ở Định Thủy và 50 cầu ở các xã thuộc huyện Mỏ Cày Nam như Tân Hội, Thành Thới B, Phước Hiệp và xã Hòa Lộc (huyện Mỏ Cày Bắc).

Cầu Tình Thương ở miền quê Đồng khởi - Ảnh 3.Chuyện không tưởng tượng nổi: những lão nông nghèo Cái Bè xây 300 cầu

TTO - Đó là những lão nông ở Cái Bè, Tiền Giang, nhiều người khó khăn, không ruộng vườn và đau yếu nhưng gần 10 năm qua, họ đã bẻ sắt, trộn hồ, vác gạch, xúc cát... xây hơn 300 cây cầu cho bà con mình.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp