Cầu thủ - doanh nhân Anh Đức đang điều hành cửa hàng - Ảnh: S.H. |
Cùng với CLB Becamex Bình Dương, tiền đạo Nguyễn Anh Đức (cao 1,79m, nặng 76kg) lập được kỷ lục bốn lần vô địch quốc gia (2007, 2008, 2014 và 2015). Ngoài ra, anh còn đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất V-League 2014 và 2015.
Tích lũy vốn liếng
Sinh năm 1985 tại Bình Dương, năm 15 tuổi Anh Đức đến với lớp năng khiếu bóng đá Bình Dương. Dù đến với bóng đá khá muộn nhưng nhờ năng khiếu và được trui rèn qua nhiều đội bóng khác nhau, Anh Đức gặt hái được nhiều thành công khi trở về đội bóng quê nhà B.Bình Dương.
Năm 2003 và 2004, từ Bình Dương, cầu thủ trẻ Anh Đức chuyển lên chơi cho đội Bưu Điện TP.HCM ở Giải hạng nhất theo hợp đồng cho mượn. Từ đây, cánh cửa bóng đá chuyên nghiệp đã mở ra với Anh Đức. Sau khi đội Bưu Điện giải thể, mùa bóng 2005, Anh Đức chuyển về Ngân hàng Đông Á thi đấu ở V-League cũng với dạng hợp đồng cho mượn. Sau ba năm “chinh chiến” xa nhà, Anh Đức trở lại Becamex Bình Dương từ mùa bóng 2006.
Thuở còn ăn tập ở đội năng khiếu, lương hằng tháng được 800.000 đồng. Về thành phố, lương của anh lên 3,5 triệu đồng/tháng. Cầm tháng lương đầu tiên, Anh Đức sướng rơn người bởi đó là lần đầu tiên trong đời anh có trong tay bạc triệu. Cái “sướng” của Anh Đức càng lớn hơn khi anh được Ngân hàng Đông Á trả lương với mức 10 triệu đồng/tháng chưa kể tiền thưởng khi thắng trận. Trở lại B.Bình Dương, dù thường xuyên ngồi ghế dự bị vì chưa thể cạnh tranh với dàn sao nổi tiếng của Becamex Bình Dương ngày ấy nhưng hằng tháng Anh Đức cũng bỏ túi 20 triệu đồng tiền lương.
Gia đình khá thành đạt trên thương trường, cha mẹ Anh Đức là chủ Công ty nông sản Mỹ Lệ ở Bình Dương. Lo cho tương lai, Anh Đức ướm lời cùng cha mẹ: “Hay là con gom góp tiền mua đất để mai này cưới vợ, xây nhà...”.
Thế là Anh Đức mang tiền đi mua đất. Thấy có lời, anh lại bán để mua miếng khác lớn hơn. Anh Đức nói: “Số tôi khá may mắn, có lẽ nhờ trời thương nên lần hồi cũng dành dụm được số vốn đủ an tâm khi treo giày...”. Sau khi bất động sản “đóng băng”, anh chia tay bất động sản để chuyển sang hướng kinh doanh khác...
Từ sân cỏ đến Anh Đức Sport
Trong giới bóng đá, chuyện cầu thủ mở cửa hàng kinh doanh dụng cụ TDTT không hiếm. Tuy nhiên sau một thời gian, nhiều cầu thủ đã phải đóng cửa vì thu không đủ chi. Biết vậy nhưng Anh Đức vẫn lao vào kinh doanh mặt hàng này vào năm 2008.
Anh Đức kể lại chặng đường kinh doanh của mình: “Tuy biết nhiều đàn anh của mình không thành công khi mở cửa hàng nhưng tôi vẫn đầu tư vì mình có cách làm riêng. Ban đầu chỉ là việc mua đi bán lại, dần dà tôi tiến tới việc tổ chức sản xuất bằng việc lập xưởng may áo quần và làm giày đá bóng trên sân cỏ nhân tạo. Mẫu mã sản phẩm do tôi và các họa sĩ thiết kế dựa trên những mẫu quần áo thời trang thể thao nước ngoài. Tiếp đó, chúng tôi thiết kế trang web để giới thiệu sản phẩm. Đến nay, tại Bình Dương, tôi có ba cửa hàng giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, các mặt hàng của tôi cũng đã có chỗ đứng tại 40 tỉnh thành trên cả nước. Doanh thu những tháng đầu vào khoảng 150 triệu đồng, sau 7 năm đứng trên thị trường, doanh thu của chúng tôi đã lên đến 2,2 tỉ đồng/tháng.
Ngoài đội Becamex Bình Dương, nhiều CLB chuyên nghiệp và Giải hạng nhất ký hợp đồng để tôi cung cấp áo quần thi đấu, tập luyện, trang phục sinh hoạt, giày và túi xách. Được vậy là do anh em yêu thương và quý mến mình nên ủng hộ. Thêm vào đó, có lẽ do giá cả và chất lượng mới là vấn đề quan trọng nhất để những bản hợp đồng ấy được duy trì hết mùa bóng này tới mùa bóng khác...”.
Thừa hưởng gen kinh doanh của gia đình
Trả lời câu hỏi: Phải tập luyện rồi rày đây mai đó để thi đấu, anh quản lý cửa hàng bằng cách nào? Anh Đức đáp: “Có lẽ thừa hưởng gen di truyền kinh doanh từ cha mẹ nên tôi không quá khó khăn trong việc quản lý. Vốn đầu tư do tôi bỏ ra, chị Ba và anh Tư giúp tôi quản lý toàn diện và được xem là cổ đông. Sau giờ tập, tôi chỉ đáo qua cửa hàng khoảng một hai giờ rồi trở lại tập luyện hay tập trung cùng CLB. Khi có chuyện cần thì mọi người liên lạc qua Facebook, điện thoại hay email. Cuối tháng mới là thời gian bận rộn nhất khi tôi phải kiểm tra sổ sách, đối chiếu hàng tồn kho, đóng thuế hay phát lương cho nhân viên hoặc giải quyết những chuyện phát sinh. Nói thì to tát nhưng thật ra mọi chuyện vẫn thuận buồm xuôi gió cho đến lúc này...”.
Anh Đức cho biết: “Bà xã tôi không làm việc ở đây. Cô ấy đang quản lý một tiệm cơm gia đình do cha mẹ ruột để lại. Đây cũng là công việc chính của cô ấy trước khi thành hôn với tôi. Đó là chưa kể phải dành thời gian chăm sóc cho cậu con trai 4 tuổi và cô con gái vừa lên 2...”.
Anh sẽ trở thành doanh nhân sau lúc giã từ sân cỏ? Anh Đức đáp: “Tôi mới 30 tuổi, vẫn còn chơi bóng đá đỉnh cao được vài mùa nữa. Có làm HLV hay không thì phải sau khi tôi hoàn tất lớp học bằng A HLV do LĐBĐ châu Á tổ chức vào năm tới sau khi đã có bằng C và B. Tôi thích mặc quần short với áo pull, làm ông chủ thì phải diện quần tây cùng áo sơmi chỉn chu, điều này xem ra không thích hợp với tính xuề xòa của tôi...”.
Chuẩn bị mở công ty Hiện tại, cửa hàng dụng cụ TDTT của tiền đạo Anh Đức có 15 nhân viên làm nhiệm vụ bán hàng, giao nhận, quản lý, thiết kế mẫu mã, sản xuất áo quần, giày đá bóng với mức lương tháng từ 3,5 đến 10 triệu đồng/người và hằng năm đều được tăng lương. Tùy theo hiệu quả kinh doanh, hằng tháng đều có mức thưởng riêng từng người. Sắp tới Anh Đức sẽ thành lập công ty sau khi tân gia ngôi nhà mới để làm nơi tiếp thị sản phẩm vào tháng 12 tới đây. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận