
Quốc Chí (phải, CLB Bắc Ninh) trong trận giao hữu với CLB Trẻ Hà Nội - Ảnh: BẮC NINH FC
Đây là mùa thứ hai liên tiếp Giải hạng nhì tràn ngập cầu thủ lớn tuổi, thay vì là nơi tạo cơ hội cho cầu thủ trẻ cọ xát.
Tràn ngập cầu thủ lớn tuổi
Với 4 suất thăng hạng nhất, các đội bóng giàu tham vọng đã tăng cường lực lượng rầm rộ ở Giải hạng nhì 2025 nhằm thực hiện mục tiêu thăng hạng. Nổi bật nhất là CLB Bắc Ninh khi đem về hai cầu thủ từng chơi ở V-League là trung vệ Phạm Hoàng Lâm và tiền vệ Nguyễn Hoàng Quốc Chí.
Đáng nói, Hoàng Lâm (32 tuổi) từng tuyên bố giải nghệ hồi tháng 3-2024 sau khi không tìm được cơ hội chơi bóng ở CLB hạng nhất Đồng Tháp. Vì vậy, thời gian qua, Hoàng Lâm chỉ chơi bóng đá phủi. Tương tự là cầu thủ 34 tuổi Quốc Chí - người từng chơi cho CLB Trường Tươi Bình Phước ở Giải hạng nhất 2023 - 2024.
CLB Quảng Ninh ngay từ Giải hạng ba 2024 đã tập hợp nhiều cầu thủ có kinh nghiệm thi đấu ở V-League như tiền vệ Bùi Văn Hiếu (36 tuổi), Đào Nhật Minh (33 tuổi), Kiều Minh Đức (32 tuổi), hậu vệ Lê Tuấn Tú (32 tuổi)...
Đây cũng là những cầu thủ đóng vai trò quan trọng của CLB Quảng Ninh cho mục tiêu thăng hạng nhất mùa tới. Mang danh Trẻ PVF-CAND nhưng đội bóng này cũng có lão tướng 37 tuổi Hoàng Đình Tùng để thực hiện tham vọng thăng hạng. Đội Hoài Đức FC cũng tăng cường Lê Văn Trường - thủ môn 30 tuổi đã thất nghiệp trong thời gian qua.
Chân đế yếu ớt
Các cựu danh thủ hay chuyên gia của các nền bóng đá lớn trên thế giới khi đến Việt Nam thường được giới truyền thông đặt câu hỏi "làm thế nào để bóng đá Việt Nam có thể thực hiện mục tiêu dự World Cup?".
Ruud Gullit - "Quả bóng vàng" năm 1987 và là đội trưởng tuyển Hà Lan vô địch Euro 1988 - khi đến TP.HCM giao lưu với người hâm mộ vào cuối năm ngoái đã chia sẻ: "Thứ nhất, bóng đá Việt Nam cần phải có nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu. Thứ hai là tập trung đào tạo trẻ".
Còn với Giám đốc marketing Bundesliga toàn cầu Peer Niclas Naubert, khi đến Hà Nội hồi tháng 2 vừa qua để ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa LĐBĐVN (VFF) và Bundesliga, nói: "Nếu tạo ra một hệ thống đào tạo trẻ phát triển, Việt Nam sẽ thấy thành công trên sân cỏ trong tương lai".
Nhưng bóng đá Việt Nam thì sao? Nhiều lò đào tạo trẻ nổi tiếng đã dần biến mất. Sự đứt gãy của một thế hệ nối tiếp lứa Quang Hải, Công Phượng... là điều có thể nhìn thấy được. Muốn phát triển,, bóng đá Việt phải làm tốt công tác đào tạo trẻ nhằm tạo ra những thế hệ cầu thủ chất lượng nối tiếp nhau. Các cầu thủ trẻ cũng cần phải được trao cơ hội thi đấu liên tục để cọ xát và trưởng thành về chuyên môn.
Nhưng các cầu thủ trẻ có quá ít cơ hội chơi bóng để trưởng thành. Ở V-League và Giải hạng nhất, cầu thủ trẻ hầu như không có nhiều cơ hội ra sân. Giải hạng ba và hạng nhì lẽ ra phải là sân chơi cho các cầu thủ trẻ thì cũng trở thành màn trình diễn chính của các cầu thủ lớn tuổi và đã qua thời đỉnh cao. Tất cả cùng nhằm phục vụ cho mục tiêu thăng hạng của các đội bóng mới thành lập và nhanh chóng muốn có thành tích, thay vì đầu tư một cách lâu dài và bền vững.
Tại Giải hạng nhì mùa trước, CLB Trẻ TP.HCM giành quyền thăng hạng nhất 2024 - 2025 nhờ đem về các cầu thủ từng chơi ở V-League, trong đó có hai "ông già" nhập tịch là Huỳnh Kesley (43 tuổi) và Đỗ Merlo (39 tuổi). Tương tự là CLB Định Hướng Phú Nhuận. Nhưng sau đó CLB Định Hướng Phú Nhuận rút lui khỏi Giải hạng nhất 2024 - 2025 vì không thể đáp ứng yêu cầu của bóng đá chuyên nghiệp. Còn CLB Trẻ TP.HCM sau khi được nhà tài trợ đem về nhiều ngôi sao đã bất ngờ chuyển sang khoác áo CLB Phù Đổng Ninh Bình.
Không thay đổi từ chân đế, giấc mơ xa hơn của bóng đá Việt sẽ là giấc mơ dài, rất dài.
Giải hạng nhì 2025 có sự tham dự của 15 đội, tăng 1 đội so với mùa 2024. Giải sẽ khởi tranh lượt đi từ ngày 11-4 đến 13-5 và lượt về từ ngày 21-5 đến 22-6. Các đội thi đấu vòng tròn hai lượt để xác định 4 đội xuất sắc nhất giành quyền lên chơi ở Giải hạng nhất 2025 - 2026.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận