24/02/2025 09:05 GMT+7

'Câu' nước sạch vào sông Tô Lịch sao cho hiệu quả?

Để sông Tô Lịch 'hồi sinh', Hà Nội phải làm từng bước, nên ưu tiên cái gì làm trước cái gì sau và khi nào thì thực hiện đồng bộ các giải pháp.

'Câu' nước sạch vào sông Tô Lịch sao cho hiệu quả? - Ảnh 1.

Nhiều năm nay do nước thải đô thị chưa được thu gom triệt để đã khiến sông Tô Lịch bị ô nhiễm trầm trọng - Ảnh: D.KHANG

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS.TS Trần Đức Hạ, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), cho biết để xử lý có hiệu quả ô nhiễm cần tập trung vào nhóm giải pháp, trong đó bổ sung nước cho sông Tô Lịch là "bước thứ ba, không phải bước đầu tiên".

Theo ông Hạ: "Xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch lần này đang được người dân quan tâm, kỳ vọng bởi xử lý thành công sẽ là tiền đề để 'hồi sinh' các dòng sông khác như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Cầu, kênh thủy lợi Bắc Hưng Hải...".

Thực hiện bốn bước để làm "sống" sông Tô Lịch

* Giải pháp "câu" nước sạch vào sông Tô Lịch sao cho hiệu quả, thưa ông?

- Sông Tô Lịch gắn liền với lịch sử, văn hóa của thủ đô Hà Nội. Từ xa xưa, dòng sông này là một nhánh của sông Hồng. Sông này có ba chức năng chính là tiêu thoát nước mưa, tạo thành khu sinh thái trong thành phố, chức năng văn hóa - giao thương.

Tuy nhiên theo thời gian bị bồi lắng, quá trình phát triển, đến nay đầu đường Hoàng Quốc Việt (quận Cầu Giấy) là nơi "khởi nguồn" của sông Tô Lịch - dài 14,6km và chạy qua nhiều quận trung tâm của Hà Nội.

Sau những năm 1970 dòng sông bắt đầu ô nhiễm, lượng nước thải của các quận nội thành Hà Nội đã đổ vào sông Tô Lịch. Do chưa thể thu gom triệt để được nước thải, dòng sông này đã đánh mất khả năng tự làm sạch từ hàng chục năm qua, những năm gần đây tình trạng ô nhiễm ngày một trầm trọng và sông trở thành kênh nước thải bất đắc dĩ.

Theo nghiên cứu của chúng tôi và một số nhà khoa học khác, để phục hồi dòng chảy môi trường sông Tô Lịch cần có bốn bước.

Bước thứ nhất là phải thu gom nước thải và xử lý đạt quy chuẩn môi trường trước khi xả ra sông. Tuy nhiên ghi nhận cho thấy nước thải đô thị vẫn chưa được thu gom triệt để. Vẫn còn một lượng nước thải khu vực thượng lưu sông và nước thải phân tán ven sông chưa được thu gom xử lý.

Bước thứ hai là phải hút sạch bùn cặn ô nhiễm nằm dưới lòng sông. Mặc dù công việc này được công ty thoát nước duy trì nạo vét thường xuyên nhưng lượng bùn, chất thải đổ ra sông lớn nên còn tồn đọng, bồi lắng nhiều.

Sau khi làm hai bước trên mới đến bước thứ ba là bổ sung nước sạch cho sông Tô Lịch. Có thể bổ sung bằng hai nguồn: nước thải đô thị sau khi xử lý đạt chuẩn về môi trường của các nhà máy/trạm xử lý nước thải và nước sạch từ sông Hồng.

Bước thứ tư là tăng cường làm sạch dòng sông, kết hợp với cảnh quan như thiết kế các vòi phun nước, thả bè thủy sinh... làm giàu khí oxy trong nước. Kết hợp giáo dục ý thức cộng đồng để bảo vệ môi trường, lên án những hành vi gây ô nhiễm sông Tô Lịch.

Nếu chưa thu gom triệt để nước thải đô thị hoặc bùn cặn lắng đọng thì có bơm bao nhiêu nước sạch vào cũng không giải quyết dứt điểm được ô nhiễm.

Như vậy để dòng sông Tô Lịch "hồi sinh", cá có thể bơi tung tăng như trước đây thì Hà Nội phải làm từng bước, nên ưu tiên cái gì làm trước cái gì sau và khi nào thì thực hiện đồng bộ các giải pháp.

Phải tính toán đường kính của ống để bổ sung nước sạch

* Trong suốt nhiều năm qua dù đã triển khai nhiều giải pháp, có cả dự án thí điểm làm "sống" lại một đoạn sông Tô Lịch, nhưng tại sao ô nhiễm vẫn diễn ra trầm trọng?

- Trước khi Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có công suất 270.000m3/ngày đêm với tổng mức đầu tư hơn 16.000 tỉ đồng được khởi công thì đã có nhiều nhà máy xử lý nước thải ở các quận nội thành được xây dựng và đi vào hoạt động, tuy nhiên với quy mô công suất rất khiêm tốn.

Năm 2019 có cả dự án thí điểm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản, thả cả cá koi và cá chép Tam Dương (Vĩnh Phúc) xuống bể xử lý để làm minh chứng nhưng sau đó cũng thất bại vì không áp dụng đồng bộ các giải pháp. Nhiều người dân thủ đô từng đặt niềm tin vào dự án này nhưng rồi lại thất vọng.

Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá khởi công từ năm 2016 với kỳ vọng sẽ góp phần phục hồi các dòng sông nội đô, trong đó có sông Tô Lịch, nhưng đang chậm tiến độ 2 năm so với chủ trương ban đầu.

Bởi vậy nên làm "sống" sông Tô Lịch là nhiệm vụ vô cùng bức thiết để tiêu thoát nước, phục hồi khung sinh thái đô thị gắn liền với phát triển văn hóa và du lịch, khai thác được tiềm năng vốn có về cảnh quan, điều hòa vi khí hậu của nó.

* Phương án đưa nước sạch từ sông Hồng bổ sung cho sông Tô Lịch qua hệ thống đường ống chạy ngầm theo trục đường Võ Chí Công đang được xem là giải pháp "đột phá"?

- Đúng là đưa nước sạch từ sông Hồng bổ cập một phần nhỏ cho hồ Tây và sông Tô Lịch là một giải pháp đã được đề cập nhiều trong các quy hoạch thoát nước Hà Nội. Tuy nhiên để tạo dòng chảy cho sông Tô Lịch, cần hệ thống đường ống nước bổ cập từ sông Hồng phải đạt công suất 5m3/giây.

Và thêm lượng nước thải sau xử lý của các nhà máy thì có khoảng 6 - 6,5m3/giây mới đạt tốc độ dòng chảy tối thiểu cho sông Tô Lịch và đảm bảo cấp nước tạo dòng chảy môi trường cho các sông khác ở nội đô gắn kết với dòng sông này như Kim Ngưu, Lừ, Sét.

Còn nếu lưu lượng nước ít, vận tốc dòng chảy trong sông thấp, dưới bức xạ của ánh sáng mặt trời thì rong và tảo phát triển gây phú dưỡng, nguy cơ ô nhiễm nước sông sẽ trở lại.

Tôi xem qua thông tin thì thấy rất khó đạt được dòng chảy như mong muốn sau khi bổ cập nước sạch vì đường ống "câu nước" từ sông Hồng chỉ có đường kính 1,2m. Theo tôi được biết, hiện hay có những đường ống HDPE đường kính 1,5 - 1,6m vẫn thi công bằng phương pháp kéo ngầm hoặc kích ngầm được. Tại sao không mạnh dạn đầu tư đường ống có đường kính lớn?

Lắp đặt đường ống có đường kính 1,2m nếu không đủ nước thì chúng ta phải đầu tư, thay đổi đường ống để đảm bảo được dòng chảy tối thiểu cho hệ thống sông nội đô, khi đó sẽ rất tốn kém. Vậy nên phải tính toán đường ống để bổ sung nước sạch cho phù hợp.

Bên cạnh đó, phương án làm đập dâng cũng cần nghiên cứu thận trọng vì sẽ tạo thành "hồ" trên sông vì dòng chảy thấp, làm bùn cặn lắng đọng, rong tảo phát triển và các rủi ro úng ngập đô thị về mùa mưa do các đập này gây nên.

'Câu' nước sạch vào sông Tô Lịch sao cho hiệu quả? - Ảnh 2.

GS.TS TRẦN ĐỨC HẠ, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam)

Xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch chỉ cần Hà Nội quyết tâm, làm bài bản sẽ thành công. Tuy nhiên đối với những dòng sông lớn, liên tỉnh như sông Đáy hay sông Cầu thì cần có sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương.

Sắp tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường có vai trò rất quan trọng để đưa ra các giải pháp để làm "sống" lại các dòng sông, kênh thủy lợi đang bị ô nhiễm trầm trọng.

Nhiều giải pháp hồi sinh sông Tô Lịch

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thực hiện ngay việc nạo vét tổng thể sông Tô Lịch, hoàn thành trong tháng 8-2025.

Liên quan đến việc bổ sung nước vào sông Tô Lịch, ông Trần Sỹ Thanh đã giao UBND quận Tây Hồ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành TP nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành trung ương về việc bổ cập nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.

Đề xuất phương án sử dụng nguồn nước từ sông Hồng và nguồn nước sau xử lý của nhà máy xử lý nước thải hồ Tây để bổ sung nước cho hồ Tây qua hồ trung gian là hồ Sen, đảm bảo không ảnh hưởng đến hệ sinh thái của hồ Tây.

Giao Sở Xây dựng chủ trì nghiên cứu, đề xuất phương án lấy nước từ hồ Tây để bổ sung cho sông Tô Lịch trong trường hợp cần thiết để giữ mực nước sông Tô Lịch qua cửa điều tiết hồ Tây A - cống Đõ - mương Thụy Khuê, hoàn thành trong tháng 8-2025.

'Câu' nước sạch vào sông Tô Lịch sao cho hiệu quả? - Ảnh 3.Chủ tịch Hà Nội: Phải thu gom triệt để nước thải đổ vào sông Tô Lịch

Văn phòng UBND TP Hà Nội vừa ban hành thông báo số 40 ngày 5-2, về kết luận của Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh tại buổi họp nghe báo cáo về phương án bổ cập nước vào sông Tô Lịch nhằm cải thiện môi trường.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp