18/03/2021 06:24 GMT+7

Cầu Long Kiểng, TP.HCM: Chờ 20 năm và tiếp tục... chờ

LÊ PHAN - ĐỨC PHÚ
LÊ PHAN - ĐỨC PHÚ

TTO - Từ khi dự án cầu Long Kiểng mới (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM) được phê duyệt, người dân hai bên chân cầu ngày đêm trông ngóng cây cầu sớm hoàn thành. Nhưng 20 năm qua, chiếc cầu mơ ước vẫn chưa thành hình. Vì sao?

Cầu Long Kiểng, TP.HCM: Chờ 20 năm và tiếp tục... chờ - Ảnh 1.

Cầu Long Kiểng mới xây được mấy trụ, cạnh bên là chiếc cầu cũ đã xuống cấp nhiều năm - Ảnh: TỰ TRUNG

Dự án cầu Long Kiểng được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 2001 có chiều dài 318m, đường dẫn hai đầu 661m và tổng mức đầu tư 557 tỉ đồng. Đến năm 2007, dự án mới giải phóng mặt bằng được một số hộ dân trong giai đoạn 1. 

Hơn 10 năm sau, tháng 8-2018, cầu Long Kiểng mới được khởi công và dự kiến hoàn thành vào cuối tháng 11-2019.

Không một bóng công nhân

Sáng 17-3, khi phóng viên có mặt, tại khu vực thi công cầu Long Kiểng không có bóng dáng công nhân nào. Anh Thành Luân, bán quán nước ở chân cầu phía xã Phước Kiển, cho hay hồi anh mới 7-8 tuổi dự án xây cầu Long Kiểng đã được phê duyệt, giờ anh 27 tuổi cây cầu mới xây được mấy trụ.

Sát bên cạnh, người dân hai xã Nhơn Đức và Phước Kiển vẫn phải qua lại trên cây cầu sắt đã xuống cấp từ nhiều năm. Mặt cầu hẹp nên khi có một ôtô chồm lên từ phía bên này, thì dòng xe hướng kia bên kia phải dừng lại đợi. Chỉ cần không chú ý, hễ ôtô từ hai hướng cùng lúc "đấu đầu" là kẹt xe ngay lập tức. Xe cộ đi qua cây cầu sắt cũ, tiếng sắt thép va vào nhau kêu rầm rập. 

"Thấy nhiều đoàn chính quyền tới gặp người dân hỏi han, hứa sẽ đẩy nhanh tiến độ cho người dân có cây cầu mới đi lại nhưng công trình vẫn nằm đó chưa đâu vào đâu. Chúng tôi ngóng được đi trên cây cầu mới đã gần hết cả thanh xuân" - anh Luân nói.

Ông Huỳnh Văn Nhân, người dân đã giao mặt bằng trong giai đoạn 1 của dự án, cho hay đơn vị thi công xây xong mấy trụ cầu rồi bỏ đi đâu hết không thấy ai làm nữa. Tháng 5 năm ngoái, cán bộ TP xuống gặp người dân để nghe ý kiến rồi đâu cũng vào đấy. "Tôi giao đất từ mặt đường để dời vào trong cho họ làm mà họ để im đó cho dân ngóng hoài" - ông Nhân nói.

Anh H., hộ dân diện giải tỏa trắng thuộc giai đoạn 2 của dự án, cho biết đến nay vẫn chưa biết gia đình mình bao giờ phải dời đi và đi đâu. Căn nhà anh phía trước bán gạo, phía sau để ở qua nhiều năm không thể nâng cấp xây dựng vì vướng dự án. 

Anh H. than thở: "Đường này nổi tiếng ngập do triều cường nhưng không thể xây mới được, nền nhà cũ thấp nên mưa mà trúng triều cường thì ngập nặng. Tới nay chưa biết khi nào mình phải dời đi, được đền bù sao và đi đâu".

Chủ đầu tư... cũng chờ

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP (chủ đầu tư) - cho biết nguyên nhân dự án kéo dài là do chính quyền địa phương chậm giao mặt bằng. 

Sau khi khởi công cầu, các nhà thầu đã thi công trong phạm vi mặt bằng mà UBND huyện Nhà Bè bàn giao. Đến nay nhà thầu đã hoàn thành kết cấu từ trụ T1 đến T8. Tuy nhiên do chưa đủ mặt bằng nên từ tháng 12-2019, nhà thầu đã tạm ngưng thi công.

"Theo thông tin mới nhất, huyện Nhà Bè sẽ hoàn chỉnh hồ sơ để trình Hội đồng thẩm định giá đất TP phê duyệt trong tháng 3 này. Dự kiến việc bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành trong quý 3 năm nay và 18 tháng sau khi được giao mặt bằng, chủ đầu tư sẽ hoàn thành toàn bộ công trình" - ông Phúc nói.

Trong khi đó, đại diện UBND huyện Nhà Bè cho biết trước đây huyện giải tỏa giai đoạn 1 để thi công dự án. Do dự án kéo dài nên giai đoạn 2 phải điều chỉnh giá đền bù và đến nay vẫn còn 106 hộ dân đang đợi đền bù, giải tỏa. Trong đó có 46 hộ thuộc diện phải tái định cư nhưng hiện không có quỹ đất để bố trí nên sẽ chuyển sang phương án chi trả bằng tiền. 

UBND huyện đã hoàn thành phương án giá đền bù, đã trình để Hội đồng thẩm định giá TP thẩm định, phê duyệt. "Sau khi có đơn giá sẽ bồi thường cho người dân. UBND huyện mong TP sớm tháo gỡ hai vướng mắc lớn của dự án là tái định cư và đơn giá đền bù để dự án sớm hoàn thành" - đại diện UBND huyện Nhà Bè nói.

Nhiều công trình nằm chờ mặt bằng

Theo thống kê trong năm 2020, có tới 43 dự án giao thông trọng điểm tại TP.HCM bị ảnh hưởng do vướng mặt bằng, trong đó có 8 dự án phải tạm ngưng giữa chừng nhiều năm như cầu Tăng Long, cầu Nam Lý (TP Thủ Đức)...

Sở GTVT TP.HCM cho biết có những dự án chậm giải phóng mặt bằng khiến thời gian thi công kéo dài nhiều năm chưa xong, vừa phát sinh chi phí vừa ảnh hưởng đến chuyện đi lại của người dân. Hiện Sở Tài nguyên và môi trường đang xây dựng cơ chế để rút ngắn quá trình bồi thường, tái định cư. Nếu cơ chế đưa vào thực hiện, các công trình giao thông thời gian tới sẽ triển khai và đưa vào sử dụng nhanh hơn.

'Chỉ mong trước khi chết sẽ thấy cầu Long Kiểng'

TTO - Đó là ước mơ bình dị của một bà cụ tuổi 80 sau 20 năm đằng đẵng ngóng đợi 1 cây cầu. Chuyện không phải ở đâu xa mà ngay tại TP.HCM, ở huyện Nhà Bè.

LÊ PHAN - ĐỨC PHÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp