Một câu hỏi nhẹ nhàng mà nhức nhối!
Bởi có lên với vùng cao, vùng sâu, vùng biên ải mới hay có nhiều trẻ em đang chịu cảnh thiếu cơm, thiếu áo, dù khẩu hiệu chúng ta vẫn treo ở các trường học là “Hãy dành những gì tốt nhất cho trẻ em!”. Không chỉ nghịch lý khi chúng ta là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng nhiều trẻ vùng cao đang thiếu những bữa cơm no!
Trong một lần tháp tùng đoàn công tác xã hội của báo Tuổi Trẻ mang gần 6.000 suất quà trị giá gần 2 tỉ đồng lên trao cho học sinh và giáo viên ở những điểm trường khó khăn của sáu tỉnh biên giới Tây Bắc, 6.000 suất quà ngỡ là nhiều, nhưng đến đấy rồi mới biết cũng chỉ là muối bỏ biển, càng xót xa hơn khi thấy hàng trăm em bé người La Hủ, một dân tộc đang báo động về nguy cơ suy giảm dân số, đến lớp với đôi chân trần trên đá, ước mơ có một đôi dép nhựa tổ ong giá 10.000 đồng để đi. Chiếc áo ấm với các em là điều quá xa lạ. Trường học của các em nằm giữa núi rừng nhưng không có gỗ để che tường chắn gió, phải quây tạm bằng bạt nhựa. Và những đứa trẻ rẻo cao ấy, khi chúng tôi mang bánh cho các em, nhiều em chưa biết bóc bánh để ăn vì đây là lần đầu tiên chúng nhìn thấy cái bánh!
Trong một chuyến đi cùng nhà báo Trần Đăng Tuấn, chỉ tình cờ ghé vào bếp ăn của những em bé ấy, chương trình “Cơm có thịt” do ông khởi xướng từ hai năm nay đã mang đến những cải thiện đáng kể cho hàng ngàn em bé vùng cao và đang được cộng đồng cư dân mạng từ nhiều quốc gia góp sức chia sẻ. Một nhóm bạn trẻ khác với chương trình “Áo ấm biên cương” đã lặng lẽ quyên góp mang cho các em bé rẻo cao áo và chăn ấm... Chúng ta cần nhiều tấm lòng nhân ái, nhưng những hoạt động tự phát ấy không thể mang lại cho hết thảy các em bé vùng cao cơm no và áo ấm một cách công bằng và chu đáo. Bài toán này cần được giải bởi một chính sách mang tầm vóc quốc gia chứ không dừng ở câu khẩu hiệu “Trẻ em hôm nay - thế giới ngày mai” treo khắp nơi.
Chúng ta mừng vui về những bước phát triển của đất nước, vui mừng với những con số xuất khẩu gạo, tự hào với những dự án ngang tầm thời đại, nhưng câu hỏi của Thủ tướng cũng cần để những người có trách nhiệm hoạch định chính sách xã hội nhìn lại. Và trước hết, để cận cảnh thật sự với những chuyện thiếu cơm thèm thịt của các em, những người làm chính sách ít nhất hãy lên những điểm trường rẻo cao này, “ba cùng” với giáo viên và học sinh, chúng tôi nghĩ chắc chắn sẽ tìm ra câu trả lời!
Và chúng tôi cũng muốn kể thêm một điều này, không phải ai cũng biết:
Trên các đồn biên phòng ở biên giới phía Bắc chúng tôi đi qua, ở mỗi đồn thường có một nhà bia khắc tên những người lính đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Rất nhiều người lính ấy im lặng trên tấm bia với dòng tên tuổi chúng tôi chép vội: “Lý Lóng Xè, Pừ Gia Lồng, Sừng Lù Ky... hi sinh năm...”. Đó là tên những người lính dân tộc Hà Nhì, Giáy, Mông... đã hi sinh trên miền biên giới!
Chúng tôi tin những em bé dân tộc La Hủ, Hà Nhì... như Ly Gạ Cò, Vàng Xạ Hồ, Lỳ Chìu Pơ, Pờ Sì De... mà chúng tôi đã tin cậy ôm lấy bờ vai bé bỏng gầy gò đầy trìu mến của các em hôm nay, chắc chắn mai đây khi lớn lên các em cũng sẽ là những người lính đầu tiên ôm súng để giữ gìn mỗi tấc đất biên ải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận