10/10/2017 11:13 GMT+7

Cậu học trò 'cá biệt' của tôi

Cô giáo NGUYỄN PHI KHANH
Cô giáo NGUYỄN PHI KHANH

TTO - Ngày tôi nhận chủ nhiệm lớp 11A9, một số đồng nghiệp ngán ngẩm rỉ tai tôi: “Đen cho cô rồi...”. Nguyên do của những lời cảnh báo đó là vì trong lớp có một học sinh cá biệt.

Cậu học trò cá biệt của tôi - Ảnh 1.

Thú thật, ban đầu tôi cũng ái ngại, lo lắng lắm. Mình còn trẻ, ra trường chưa được bao lâu, chưa có nhiều kinh nghiệm đứng lớp và chủ nhiệm, đã phải "va chạm" với một lớp có học sinh cá biệt. 

Nhưng rồi, tôi thấy rằng mình phải có trách nhiệm với học trò, thay vì trốn tránh "mũ ni che tai" để cuối năm nhận thành tích thi đua.

Đúng như lời cảnh báo của đồng nghiệp, giữa học kỳ 1, cậu học sinh cá biệt ấy đã đánh nhau với nhóm bạn lớp bên. Ngay sau đó, nhà trường ra quyết định đuổi học em này, vì đây không phải lần đầu tiên em phạm lỗi.

Mất hai đêm suy nghĩ, tôi quyết định xin được bảo lãnh cho Huy (tên em học sinh cá biệt) được học trở lại, với quyết tâm: từ nay về sau em sẽ không còn phạm lỗi nữa! Khi ấy, tôi chỉ nghĩ: chỉ cần em được đi học lại thì dù không nhận được thành tích thi đua gì, tôi vẫn chấp nhận.

Tôi tìm đến nhà Huy. Trò chuyện với bà ngoại Huy, tôi mới vỡ lẽ em đã trải qua khủng hoảng tinh thần khá lớn khi cha mẹ ly hôn. Sau đó Huy ở cùng ông bà ngoại. Bà nói với tôi rằng: "Nó sốc lắm cô ạ, nhất là khi bố tái hôn và mẹ nó cũng đi bước nữa". 

Lưỡng lự vài giây, rồi bà nói tiếp: "Cô có tin không, từ năm lớp 1 đến lớp 9, nó là một đứa ngoan và học giỏi. Mới có hơn một năm nay, nó thay đổi quá...". Vừa nói, bà ngoại Huy vừa chỉ vào góc học tập của em, ở đó dán đầy những tấm giấy khen "học sinh tiên tiến", "học sinh giỏi". 

Chưa giúp học trò thức tỉnh khi các em mắc lỗi, chưa phải là người thầy thành công"

Cô giáo Nguyễn Phi Khanh

Nhưng từ khi lên lớp 10, gia đình tan vỡ, Huy trở nên xuống dốc. Ngay lúc đó, một suy nghĩ đã thoáng lóe lên trong đầu tôi, rằng mình đã đúng khi bảo lãnh cho Huy được đi học trở lại.

Ban đầu, Huy cũng giữ khoảng cách với tôi. Nhưng rồi, trước sự chân thành của tôi, cậu bé đã mở lòng. Huy kể về cảm giác đau đớn của mình khi cha ngoại tình, rồi cảnh cha mẹ cãi vã, về những đêm cha về nhà trong trạng thái say xỉn, đập phá đồ đạc... 

Em tâm sự không thể quên được cảnh ra trước tòa, cha mẹ hết lời nói xấu nhau, chỉ trích nhau.

Tôi chủ động phụ đạo cho Huy môn hóa vào ngày cuối tuần, và trò chuyện với em trong chút thời gian ít ỏi cuối mỗi buổi học. Rồi tôi vận động thêm một số thầy cô bộ môn khác quan tâm đến em hơn. 

Chỉ hơn ba tháng sau, Huy như trở thành một người khác hẳn. Tự khi nào Huy không còn trốn học, cúp tiết, biết nghe lời thầy cô và không còn chọc phá bạn trong lớp nữa.

Tôi mừng lắm, thở phào nhẹ nhõm. Nhất là kết quả học tập của Huy cải thiện rõ rệt. Em đạt được những điểm 7, điểm 8, khi mà không lâu trước đó điểm 5 đã là kỳ tích với em. Huy trải qua lớp 11 đầy ngọt ngào với tấm giấy khen: học sinh tiên tiến.

Lên lớp 12, tôi vẫn tiếp tục chủ nhiệm lớp của Huy. Cậu học trò cá biệt ngày nào giờ bước lên lớp 12 tự tin hơn, và năm ấy em đỗ vào một trường cao đẳng ở Hà Nội. Với tôi, trái ngọt của nghề giáo đôi khi chỉ đơn giản như thế.

Đuổi học: sự bất lực của giáo dục

Tôi nghĩ mỗi học trò nếu cố gắng đều sẽ có được những thành quả của mình. Nếu nhà trường đuổi học trò cho xong tay, tôi cho rằng đó là sự bất lực của giáo dục. Các em ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", chưa thể chịu trách nhiệm với hành vi của mình. Và đuổi học là tước đi tương lai của học trò một cách nhanh nhất, nhẫn tâm nhất.

Bao năm đứng trên bục giảng, tôi nhận ra người thầy phải là tấm gương, và phải truyền dạy nhân cách tốt đẹp cho học trò. Với học trò, thành tích học giỏi thôi chưa đủ, mà phát triển đầy đủ nhân cách mới là điều quan trọng. Chưa giúp học trò thức tỉnh khi các em mắc lỗi, chưa phải là người thầy thành công.

Chúng ta mang danh là thầy, là cô, vì vậy hãy cất công tìm hiểu học trò trước khi đưa ra quyết định nào đó. Bởi một quyết định vội vã rất có thể khép lại cánh cửa tương lai của một người trẻ. Muốn học trò trưởng thành hơn, biết nhìn nhận cái sai và đổi thay, chúng ta hãy mở lòng, cảm hóa bằng tình yêu thương.

Tất nhiên, muốn học trò hiểu được những giá trị sống, kiến thức gốc rễ trong tâm hồn, hẳn không thể thiếu được những tấm gương người thầy. Người ta nói "có bột mới gột nên hồ", chưa nói đến vốn kiến thức, một thứ giá trị không thể thiếu được ở người thầy đó là nhân cách.

Cô giáo NGUYỄN PHI KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp